(VnMedia) - Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, gói 30.000 đồng tỉ khép lại không có nghĩa là dấu chấm hết đối với câu chuyện mua nhà của người có thu nhập thấp. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người nghèo mua nhà ở.
Ngày 22/3, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết 30.000 tỉ đồng của toàn bộ Chương trình. Tuy nhiên, tổng số tiền giải ngân tối đa không quá 30.000 tỉ đồng.
Chia sẻ với PV bên lề hội thảo về bất động sản được tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) khẳng định: “Việc dừng cho vay gói 30.000 tỉ đồng là không nên. Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người nghèo mua nhà ở với thời hạn kéo dài nhiều năm. Điều này đã được đưa vào luật. Kinh nghiệm các nước trên thế giới như Nhật, Mỹ vẫn đang làm gói này. Việt Nam đang rất nghèo và khó khăn, tại sao lại không triển khai tiếp?”
Ông Nam cho biết thêm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sau gói 30.000 tỉ đồng sẽ đưa quy định cho vay ưu đãi vào luật để tiến hành lâu dài và trên thực tế, NHNN đã triển khai những quy định này. Trong đó chỉ định 4 ngân hàng thương mại cổ phần chi phối tham gia vào việc cho vay. Theo Thông tư 25 ban hành tháng 12/2015, tất cả các ngân hàng này phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ, tương đương với 30.000 tỉ đồng để cho vay với lãi suất tối đa bằng 50% lãi suất thị trường. Nội dung, điều kiện, cách thức cho vay, lãi suất cho vay tương tự như gói 30.000 tỉ. Sau đó, giao cho Ngân hàng Chính sách xây dựng đề án cho vay được bù từ vốn ngân sách.
Liên quan đến việc dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Trần Nam đồng ý với quy định giảm trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%. Tuy nhiên, ông đánh giá, việc thay đổi hệ số rủi ro các khoản vay kinh doanh bất động sản (BĐS) từ 150% lên 250% là không cần thiết. Ông Nam cho rằng: “Tốt là không nên làm và nếu có làm thì cần lộ trình, điều chỉnh, phòng ngừa rủi ro để không bị ảnh hưởng đến các ngành liên quan khác và ngăn chặn đà phát triển tốt của bất động sản”.
Ông cũng cho rằng, các ngân hàng nên quan tâm đến hiệu quả, tính khả thi của dự án và uy tín của chủ đầu tư. Việc quy định chung một tỉ lệ nào đó là đánh đồng các dự án và các CĐT với nhau, đánh đồng các phân khúc của BĐS giống nhau. Vì vậy, nếu có quy định tỉ lệ rủi ro thì nên phân ra dự án như thế nào, phân khúc nào nên hạn chế, phân khúc nào không hạn chế để tránh lặp lại bài học trong quá khứ.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, chứng khoán hóa vốn đầu tư vào thị trường BĐS là một giải pháp đã có khung pháp luật nhưng vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đây là giải pháp tốt trong hoàn cảnh thị trường BĐS đã phục hồi trở lại. Ông cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán như các DN sản xuất kinh doanh khác, hình thức niêm yết dự án đầu tư cũng đã được áp dụng. Ở Việt Nam, cơ chế mua bán BĐS hình thành trong tương lai có thể chuyển sang niêm yết theo dự án và trả BĐS theo số lượng cổ phiếu.
Một hình thức cũng khá hiệu quả là thành lập các quỹ tín thác đầu tư BĐS để thu nhận vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán, từ đó đầu tư vào kinh doanh BĐS. Khung pháp luật về quỹ đầu tư BĐS đã được hình thành ở mức độ Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam đánh giá, hiện nay, khung pháp luật đã sẵn sàng cho các quỹ đầu tư BĐS để phát hành chứng khoán đối với các dự án. Hiện nay, VNREA đang chỉ đạo một số thành viên trong TPHCM chủ trì xây dựng đề án thành lập dự án BĐS niêm yết tại Việt Nam với sự tham gia của một số DN làm đầu tàu thí điểm. Từ đó tạo dòng vốn và tăng tính thanh khoản cho thị trường BĐS, giúp các DN nhanh chóng thu hồi vốn.
Ý kiến bạn đọc