Lo ngại việc "trục lợi" quy định thông tin mật

06:51, 25/03/2016
|

(VnMedia) - Nhiều đại biểu đề nghị nên liệt kê tất cả danh mục thông tin bí mật ngay trong Luật Tiếp cận thông tin, để đề phòng những thông tin không thuộc danh mục mật nhưng cơ quan chức năng cũng không công bố, hoặc tùy tiện đánh dấu mật để trục lợi. 

tiếp cận thông tin
Ảnh minh họa

Chiều 24/3, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Nhiều ý kiến của đại biểu đặc biệt quan tâm đến các quy định về những loại thông tin mà người dân không được tiếp cận.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, tổng hợp ý kiến cho thấy, có ý kiến đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật loại thông tin công dân được tiếp cận; loại thông tin công dân không được tiếp cận và loại thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung 3 điều, theo đó, Điều 5 quy định công dân được quyền tiếp cận các loại thông tin theo quy định của Luật này.

Điều 6 quy định về thông tin công dân không được tiếp cận, bao gồm: tin thuộc bí mật nhà nước, tin bí mật công tác, thông tin về các cuộc họp nội bộ, các tài liệu do cơ quan, tổ chức, đơn vị soạn thảo cho công việc nội bộ, thông tin mà nếu tiếp cận sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, cuộc sống, tài sản của người dân hoặc an toàn và lợi ích của cộng đồng.

Điều 7 quy định về thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện, bao gồm: thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đây là những thông tin công dân không được tự do tiếp cận; trường hợp công dân muốn được tiếp cận thì phải được chính các chủ thể có liên quan đồng ý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ loại thông tin thuộc bí mật nhà nước trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Về vấn đề này, theo UBTVQH, hiện nay, thông tin thuộc bí mật nhà nước đang được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về vấn đề này, nhất là Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000. Tuy nhiên, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này, dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước để thay thế Pháp lệnh nói trên đã được đưa vào chương trình và hiện đang được các cơ quan tích cực chuẩn bị. Trong Luật tiếp cận thông tin không thể pháp điển đưa các nội dung thông tin về bí mật nhà nước vào điều chỉnh hết được. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho quy định viện dẫn thông tin không được tiếp cận là thông tin thuộc bí mật nhà nước như thể hiện tại khoản 1 Điều 6 của dự thảo Luật.

Thảo luận tại hội trường về các điều khoản này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cung cấp thông tin không chỉ là quyền công dân mà còn là quyền con người. Vì thế, cung cấp thông tin có lợi cả 2 chiều: người dân - người yêu cầu cung cấp thông tin và Nhà nước. Do đó, Đại biểu Nghĩa đề nghị sửa định nghĩa về thông tin cho rõ ý.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu quan điểm: thông tin là quyền lực, là tri thức, là sức mạnh, vì vậy việc công khai minh bạch thông tin là nhu cầu chính đáng, cấp thiết của mọi người dân. Quyền tự do thông tin là cơ sở để thực hiện các quyền khác của con người, đặc biệt là quyền làm chủ của nhân dân mà Hiến pháp 2013 đã quy định.

Tuy vậy, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, việc tiếp cận thông tin lại phụ thuộc rất nhiều vào cơ hội, điều kiện, năng lực của các nhóm đối tượng khác nhau. Vì vậy, bà đề nghị: “Luật nên quy định mọi người có quyền bình đẳng tiếp cận thông tin, đồng thời tất cả các cơ quan hưởng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân bởi các thông tin của các cơ quan này người dân cũng rất cần nên không thể không cung cấp”- đại biểu An đề nghị.

Liên quan đến Điều 6 của Dự thảo Luật về những thông tin không được tiếp cận, đại biểu Bùi Thị An đề nghị, nếu được thì nên liệt kê tất cả danh mục thông tin bí mật ngay trong luật này để đề phòng những thông tin không thuộc danh mục mật nhưng cơ quan chức năng cũng không công bố.

Dẫn ví dụ thông tin về quy hoạch trước đây, bà An cho rằng những là ai ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… đều biết rất rõ. Nếu chỉ cần biết trước thông tin quy hoạch về mở đường, thì chỉ cần biết trước một tuần, thậm chí một ngày thì đã giàu lên rất nhanh.

“Lúc ấy họ không nói vì họ bảo đó là thông tin mật, thế nhưng nhiều người lại vẫn biết được. Vì vậy phải nói rõ ra thông tin nào là mật hay không mật để tránh việc dùng việc này để trục lợi”- đại biểu Bùi Thị An đề nghị.

Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng, nếu liệt kê các thông tin không được tiếp cận vào trong luật sẽ tạo thuận lợi cho công dân biết rõ những thông tin mình không được tiếp cận, thông tin được tiếp cận. Qua đó công dân sẽ có ý thức, trách nhiệm bảo vệ thông tin đó bởi đó là bí mật nhà nước.

Đại biểu Vinh đề nghị ban soạn thảo xem xét thấu đáo quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật, theo hướng quy định cụ thể các thông tin công dân không được tiếp cận bởi nếu không, đây có thể là cơ sở để các cơ quan, tổ chức lợi dụng  quy định này để tạo rào cản trong việc cung cấp thông tin cho công dân.

Về hạn chế tiếp cận thông tin, ông Vinh cho rằng, tiếp cận thông tin là quyền hiến định của công dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Do vậy, việc hạn chế tiếp cận thông tin phải dựa trên nguyên tắc rõ ràng, minh bạch; phải xuất phát từ lợi ích công, lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng; bám sát quy định của Hiến pháp; không được căn cứ trên lợi ích của cơ quan đơn vị, tổ chức nhằm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.

“Đề nghị ban soạn thảo xem xét bỏ cụm từ chấp hành nội quy của cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin tại điểm a, khoản 2, Điều 8 và bỏ quy định phải nêu lý do, mục đích, yêu cầu cung cấp thông tin tại khoản 2 Điều 24 vì không phù hợp với tinh thần của điều 25 Hiến pháp 2013 và mâu thuẫn với Điều 28 của dự thảo luật" - đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.


Ý kiến bạn đọc