Lý Sơn: Nơi đến chỉ mang về những bức ảnh và để lại những dấu chân

08:47, 23/03/2016
|

(VnMedia)- Đảo Lý Sơn còn được ví như Maldives của Việt Nam. Trên mỗi vách đá ở hòn đảo xinh đẹp này đều được người dân khắc lên dòng chữ "nơi đến chỉ mang về những bức ảnh và để lại những dấu chân"...

Nằm cách đất liền khoảng 25km về phía đông bắc, Lý Sơn được xem là đảo tiền tiêu không chỉ là của Quảng Ngãi mà còn là của cả Tổ quốc.

Được tách ra từ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Huyện đảo có diện tích tự nhiên khoảng 10 km2, gồm đảo Lớn (còn gọi là Cù Lao Ré), đảo Bé (còn gọi là cù lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu.  Toàn huyện có 3 xã: An Vĩnh, An Hải (đảo lớn) và An Bình (đảo Bé) với dân số khoảng 22.000 người. Đảo là vết tích còn lại của các ngọn núi lửa đã tắt cách ngày nay khoảng 25-30 triệu năm nên còn rất hoang sơ với nhiều tiềm năng về du lịch và những tư liệu quý về Hoàng Sa.
 
Ngoài ra, đảo Lý Sơn còn nằm án ngữ trên tuyến đường biển từ Bắc vào Nam, đồng thời cũng là con đường ra biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung qua cảng Dung Quất và cách đường hàng hải quốc tế 35 hải lý về phía đông. Đây được xem như một hạm đội nổi trên biển Đông.
Trước khi ra khơi.
Trước khi ra khơi.

Sau hơn 200km từ Đà Nẵng xuống Quảng Ngãi. Bạn sẽ mất 1 đêm ngủ lại đây, ăn cơm cá bống rim tiêu, đi chợ đêm Sông Trà, sáng hôm sau khởi hành ra đảo Lý Sơn từ cảng Sa Kỳ. Ngày có 2 chuyến tàu ra đảo, ấy là ngày biển không động và sóng dịu êm, chứ mà biển động thì say sóng, tàu cũng khỏi ra khơi. Vào sáng sớm, bà con mang rất nhiều thực phẩm ra đảo, từ những rau củ quả, thức ăn, đến gạch xây nhà cũng phải trở từ đất liền ra.

Ngõ nhỏ và nhà nhỏ, nhưng nhà nào cũng có một khu vườn nhỏ trồng tỏi cạnh nhà
Ngõ nhỏ và nhà nhỏ, nhưng nhà nào cũng có một khu vườn nhỏ trồng tỏi cạnh nhà.

Tại Lý Sơn, len lỏi trong từng con ngõ nhỏ nhằng nhịt, những ngôi nhà thấp bé đan xen vào nhau tưởng như không tìm được lối ra, nhưng tất cả đều xuyên ra đường vòng quanh biển. Tỏi Lý Sơn có vị ngọt, dẻo, thơm và không cay như tỏi thường. Đi tìm cả đảo không mua được quả gì và thứ "hoa quả" duy nhất tìm thấy là Tỏi. Để trồng được nó người ta phải đặt bên dưới một lớp đá san hô, lấy cát trắng từ biển về phủ lên trên, tưới nước.

Ở đây nhà nào cũng có một mảnh vườn trồng tỏi, rau thơm thì chỉ có mùi tàu, xà lách, rau xanh thì duy nhất chỉ có cải, và tất cả chỉ để... ăn sống. Tại sao không trồng rau muống để xào tỏi? Đó là câu hỏi được đặt ra nhưng hoá ra tỏi ở đây người ta bóc và ăn sống, nhâm nhi như ăn lạc. Tỏi non thì được xào nguyên cả gốc và thân cây mà ăn ngỡ như hành xào nhưng vị rất đặc trưng.

Tỏi Lý Sơn, loại này dùng để xào, ăn như hành xào nhưng ngọt và không hề cay, món rau duy nhất có trên đảo. Món rau thứ 2 là giá đỗ hoặc cải mầm. Hoa quả trên đảo cũng dặt là tỏi, bóc ăn sống rất ngọt và dẻo.
Tỏi Lý Sơn, loại này dùng để xào, ăn như hành xào nhưng ngọt và không hề cay, món rau duy nhất có trên đảo. Món rau thứ 2 là giá đỗ hoặc cải mầm. Hoa quả trên đảo cũng dặt là tỏi, bóc ăn sống rất ngọt và dẻo.

Nhưng, nếu đã đến Lý Sơn, bạn nên ghé thăm một số điểm đặc trưng trên đảo này.

Âm Linh Tự

Âm linh tự (nghĩa tự, miếu âm hồn, miếu âm nhơn, am chúng sinh…) là một công trình thờ tự thường gặp ở các làng, xã, xóm, ấp trên khắp đất nước Việt Nam.

Đây là nơi thờ cúng vong hồn những người chết đi nhưng vì nhiều lý do không có ai thừa nhận hoặc không ai biết đến. Họ có thể là một kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Cũng có thể họ có gia đình, còn bà con, thân tộc nhưng trên bước đường lưu lạc mưu sinh thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ rồi lìa đời ở một nơi nào đó mà thân nhân chẳng được báo tin, vô tình trở thành những âm linh cô độc…

Trong khi kiến lập đình, chùa để thờ Phật, Thánh, Thần mong cầu duyên, trợ phúc, người xưa cũng không quên dựng miếu vọng, nhang khói cho những cô hồn vất vưởng còn chưa hóa kiếp, gọi là miếu âm hồn. Cũng có nơi cô hồn thờ chung trong nội thất đình làng, miếu bà tại một gian riêng. Nếu thờ ở ngoài sân thì bàn thờ âm linh được bố trí ở mặt sau bình phong, hướng đối diện với chính điện đình miếu.

Ngoài ra, nơi cửa Phật, bàn thờ cô hồn cũng được thiết kế riêng ở hiên phải của chùa, nơi đặt tượng Tiêu Diện Đại sỹ (dân gian gọi là Ông Tiêu), theo thuyết nhà Phật là một hoá thân của Bồ tát Quán Thế Âm làm nhiệm vụ chưởng quản, cứu độ cô hồn. Trong các buổi công phu kinh chiều, nhà chùa đều có cúng thí thực tại gian thờ này với ý nghĩa ban lộc cho những vong linh không người chăm sóc, thiếu vắng khói hương.

Theo quan niệm “Sinh hà, tử thị” (sống sao, chết vậy), trong các ngày lễ tết, cúng giỗ tại đình chùa, miếu tự cũng như ở tư gia đều có mâm cúng cô hồn để an ủi chia sẻ nỗi cô đơn của người bất hạnh.

Ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, hằng năm đến tiết Thanh minh (khoảng tháng 3 âm lịch) người dân tảo mộ và cúng tế các vong linh cô hồn ở các âm linh tự, nghĩa tự, gọi là cúng Thanh minh. Đây là nét khác biệt với cư dân Bắc Bộ, vì ngoài việc cúng cô hồn, cư dân ven biển miền Trung không có tục tảo mộ tổ tiên và ăn tết Thanh minh vào dịp này.

Đặc biệt, vào tiết Thanh minh hằng năm, bà con các dòng tộc làng An Hải tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm linh tự, một nghi lễ đặc biệt nhằm tưởng vọng và tri ân nghĩa liệt sỹ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải cùng các dân binh, tráng đinh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, trú phòng trên các quần đảo, chống trả quân cướp biển để bảo vệ tàu thuyền, ngư dân cùng sự yên lành của làng quê đất đảo.

Sử cũ chép rằng, dưới thời chúa Nguyễn và tiếp sau đó là triều đại nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này.

Tài liệu, bản đồ, các trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, các sỹ quan hải quân và các nhà thám hiểm phương Tây cũng góp phần chứng minh sự hiện diện khá thường xuyên của các lực lượng dân sự và quân sự người Việt tuần phòng trên vùng biển tiếp giáp hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Với những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên đảo Hoàng Sa, ròng rã 6 tháng ròng lênh đênh sóng nước cùng những chiếc thuyền câu (điếu thuyền, tiểu điếu thuyền, di chuyển nhanh, dễ xoay trở trên những vùng biển nhiều rạn san hô), thường xuyên đối mặt với sóng cả, gió to, thì cái chết, dù bất cứ nguyên nhân nào, cũng đồng nghĩa với việc lấy lòng biển bao la làm nơi mai táng hình hài.

Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thuỷ thủ can trường của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn tự mình chuẩn bị 1đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu.

Nếu không may người thuỷ thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu,  nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển.

Chiêu hồn các chiến sỹ đã ngã xuống ngoài biển khơi trong một đêm Lý Sơn nhiều gió.
Chiêu hồn các chiến sỹ đã ngã xuống ngoài biển khơi trong một đêm Lý Sơn nhiều gió.

Những người còn sống gửi lên cao xanh lời cầu nguyện mong manh rằng xác thân người bạn thuyền xấu số của họ sẽ trôi dạt vào bờ biển, và nếu may mắn có ai đó vớt được nắm xương tàn thì nhờ chiếc thẻ mà biết tên họ quê quán của con người đã vị quốc vong thân.

Nguyện cầu là vậy nhưng chẳng có mấy khi xác người xấu số trôi dạt được vào trong mé biển. Đó là chưa kể lắm khi cả thuyền hoặc cả hải đội bị bão tố đánh chìm… Cho đến nay người dân Lý Sơn còn truyền tụng nhiều câu ca nói về những hiểm nguy, gian khổ mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa phải chịu đựng trong khi thi hành nhiệm vụ:

    Trường Sa đi có về không

Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi
 Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây
Hoàng Sa trời bể mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa

Âm linh tự cũng là nơi ngư dân trước khi ra biển “đi nghề”, hoặc tha phương hành nghiệp đến cầu xin thần thánh và linh hồn cõi khuất phù hộ độ trì để được bình an, được mùa, làm ăn thành đạt. Trở về bình yên sau mỗi chuyến đi biển (đối với ngư dân) hoặc về thăm quê nhà (đối với người sống tha phương) họ cũng mang lễ vật đến đây để làm lễ tạ ơn. Ngoài đóng góp của các dòng tộc và dân làng, cơ ngơi khang trang của Âm linh tự cũng như lễ vật trong các dịp tế lễ có sự đóng góp thành tâm của những người làm nghề biển được mùa hoặc của những người Lý Sơn tha hương thành đạt. Âu cũng là một phong tục đẹp, sâu nặng ân tình, thuỷ chung gắn bó với quê đảo yêu thương.

Từ năm 2010, khi đình làng An Hải được phụng dựng, linh vị thần hoàng, các vị tiền hiền và tử sĩ Hoàng Sa, Bắc Hải được rước về thờ tự ở đình làng. Tuy vậy, vong linh những người lính Hoàng Sa, Bắc Hải vẫn còn được thờ vọng tại Âm linh tự và người dân thường xuyên đến dâng hương hành lễ.

Mộ Lính đội Hoàng Sa

Trên huyện đảo Lý Sơn cũng như ở nhiều vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi và cả nước có rất nhiều ngôi mộ mà bên trong lòng mộ không có thi hài người quá cố, dân gian gọi là mộ gió.

Tương truyền, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo bắt đầu cách đây hơn 2 thế kỷ và những ngôi mộ gió đầu tiên là của Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính của hải đội Hoàng Sa do ông chỉ huy. Trong một lần giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi.

Xót thương những con người vì nước quên thân, triều đình sai phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một vị pháp sư nổi tiếng cũng phụng mệnh theo đoàn người ấy. Ra đến đảo, ông sai người lên núi Giếng Tiền lấy đất sét đem về, rồi tự mình nhào nặn khối đất thành hình nhân 25 người đã chết. Cứ theo lời kể của thân nhân vị pháp sư nặn tượng hình người quá cố, đến khi nào người thân bảo rằng đã giống người chết mới thôi.

Bài vị các nghĩa sỹ Trường Sa.
Bài vị các nghĩa sỹ Hoàng Sa.

Nặn xong 25 tượng đất của 25 người lính, pháp sư lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt nhiều ngày đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng rồi sai dân làng đưa đi an táng như người chết bình thường. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 người lính, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ.

Trong số những tên tuổi khắc trên bia mộ gió ở Lý Sơn, ngoài Phạm Quang Ảnh, còn có những con người đã được chính sử triều Nguyễn trân trọng ghi danh với chức vụ là Cai đội, Chánh đội Hoàng Sa, như các ông Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật… Tuy nhiên rất nhiều ngôi mộ ở đó lại không còn tên tuổi. Họ thực sự là những nghĩa liệt sỹ hy sinh vì nước mà không màng đến việc lưu danh trong sử sách.

Cổng Tò Vò

Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào của Lý Sơn, rẽ trái đi meo theo con đường nhỏ đến gần chùa Đục sẽ thấy một mỏm đá nhỏ nằm sát dưới biển. Đây là một trong những địa điểm yêu thích của các bạn đam mê chụp ảnh khi đặt chân tới Lý Sơn, các bạn có thể cùng bạn bè tới đây để đón những khoảnh khắc khi bình minh lên hoặc khi hoàng hôn dần xuống.

Chùa Đục và Quan Âm Đài

Ngự giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai.

Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh

Đình An Vĩnh

Đình làng An Vĩnh lúc đầu xây dựng bằng tranh, cột bằng gỗ tra bể, cây bàng, vách đất. Đến năm Mậu Ngọ (1798), Cảnh Thịnh thứ 7, đình An Vĩnh được tu bổ xây mới. Năm Nhâm Dần (1842), Thiệu Trị thứ 2, đình An Vĩnh bị giặc Tàu cướp đốt phá.

Ảnh: Cùng Phượt
Ảnh: Cùng Phượt.

Năm Canh Thân (1920), Khải Định thứ 5, đình làng An Vĩnh khôi phục quy mô hoành tráng theo kiến trúc hình chữ tam gồm đình thượng, đình trung và đình hạ. Năm 1922, đình làng An Vĩnh bị bão lớn làm hư hại nặng.

Năm 1946, Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Lý Sơn đặt trụ sở làm việc tại đình An Vĩnh. Năm 1953, đình An Vĩnh bị Pháp thả bom làm sập mái trước, sắc phong bị cháy. Năm 1957, đình làng An Vĩnh bị hư hại quá nặng, dân làng tu bổ nhà thờ tiền hiền để thờ các vị tiên công.

Năm 2009, đình An Vĩnh được Nhà nước đầu tư kinh phí nghiên cứu trùng tu phục dựng lại như cũ, nhưng không còn giữ được dấu tích và hiện vật liên quan đến Đội Hoàng Sa trước đây. Chỉ có hàng năm tại đình làng vào tiết thanh minh tháng ba âm lịch làm lễ cầu siêu vong độ cho hương hồn lính Hoàng Sa bỏ mình trên biển.

Kiến trúc đình làng An Vĩnh có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng được liên kết với nhau bằng máng xối dài. Các bộ vì kèo giống các bộ vì kèo nhà rường miền Trung. Mô thức trang trí tứ linh, ngũ phúc thể hiện quan niệm âm dương cầu mong mọi sự bình an cho dân làng.

Đài tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa

Toạ lạc ngay trung tâm huyện đảo Lý Sơn, cụm tượng đài và nhà lưu niệm Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đứng sừng sững trước sóng biển và nắng gió, như biểu tượng cho sự khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đài tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa Thời gian đầu khi mới thành lập Đội Hoàng Sa, cứ hàng năm người của đảo Lý Sơn lại được tuyển mộ vào đội này làm binh, phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này gọi là
Đài tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa Thời gian đầu khi mới thành lập Đội Hoàng Sa, cứ hàng năm người của đảo Lý Sơn lại được tuyển mộ vào đội này làm binh, phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này gọi là "thế lính". Lễ khao lề thế lính là một lễ hội độc đáo với truyền thống uống nước nhớ nguồn nhằm ghi nhớ công ơn người xưa hay nhóm An Vĩnh thuộc hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận mà không trở về.

Trong gian phòng chính rộng 150m2 dùng để trưng bày. Các hiện vật của những chiến binh đi Hoàng Sa được đặt trang trọng trong tủ kính hay gắn trên tường như: hai chiếu cói, bảy dây mây, bảy nẹp tre, bảy thẻ tre, lu đựng nước, dầu rái và xơ đay (dùng để sữa chữa khi thuyền gặp nạn mà ấn tượng nhất có lẽ là chiếc thuyền nan phục chế của nghệ nhân Võ Hiển Đạt. Giữa phòng là bài vị của các anh hùng trong công cuộc tiên phong mở cõi và khẳng định chủ quyền được đặt trang nghiêm như: Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữa Nhật, Võ Văn Khiết…

1
Atlat trong nhà trưng bày hiện vật Lý Sơn. Ở đây lưu giữ được rất nhiều các tư liệu cổ. Các vị già làng nói rằng, không hiểu sao trải qua bao cuộc chiến tranh, Lý Sơn không bị bất cứ một quả bom nào, vì thế đến giờ vẫn giữ được rất nhiều di chỉ từ thời cổ xưa.

Đình Lý Hải

Di tích nằm ở xã Lý Hải, huyện đảo Lý Sơn. Đình làng và nhà thờ được xây dựng từ năm 1820, năm đầu tiên dưới triều vua Minh Mạng. Di tích đình làng và nhà thờ tiền hiền Lý Hải thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, thể hiện qua kỹ thuật chạm khắc gỗ độc đáo ở án thờ, các vì kèo, trụ chồng, đỉnh cửa…kỹ thuật đắp nổi qua các ô trang trí cổ diêm với các mô – típ mai điểu, ngư điểu, ở bề mái với mô – típ lưỡng long triều nhật, long phụng triều quy, ở mặt tiền với mô – típ cặp nghê chầu đỡ cột đình. Hiện đình làng và nhà thờ còn lưu giữ được các bức hoành phi, ngai thờ, liễn đối cẩn xà cừ có giá trị về lịch sử, văn hoá, bên cạnh giá trị về mặt tâm linh đối với cư dân trên đảo Lý Sơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Di tích đình làng Lý Hải là một trong số rất ít đình làng ở Quảng Ngãi không bị chiến tranh tàn phá và còn tương đối nguyên vẹn. Đình làng và nhà thờ làm bằng chất liệu gỗ, bởi vậy, trải thời gian gần hai thế kỷ, không khỏi có sự xuống cấp, các mô – típ hoa văn có phần bị mờ, do quá trình bào mòn của nắng mưa, độ ẩm và gió biển.

Chùa Hang

Chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, Chùa đá trời sinh) ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông bởi ông Trần Công Thành, một trong những người đã ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang, mở đất lập làng An Hải, An Vĩnh xưa. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sân chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có một hồ sen có tượng Phật. Quanh sân là những cây bàng biển cổ thụ đến hàng trăm năm. Hang dài 24 m, trần hang cao 3,2 m, diện tích 480 m². Trong hang có bàn thờ các Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa; bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái; bàn thờ 12 Diêm Vương, 3 vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải. Các bệ thờ được tạo tác từ các nhũ đá tự nhiên ở nền hang, rồi được gia công thành các khám thờ.

Đỉnh Thới Lới

Là một ngọn núi lửa đã tắt, đỉnh núi cao nhất của toàn đảo Lý Sơn (149m). Hiện tại trên đỉnh núi có một hồ nước ngọt có thể tích 30.000 m3 cung cấp toàn bộ nước ngọt cho cả 2 đảo lớn và đảo bé.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hang Câu

Nằm ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu có một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa một bên là biển, một bên là núi. Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi và hình thành cách nay hàng ngàn năm từ nham thạch. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn du khách.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chỉ mất chưa đầy 15 phút từ trung tâm huyện đi dọc theo con đường nhựa dưới chân núi Thới Lới về phía đông bắc, với hai bên đường là những vuông hành, tỏi xanh rì là đến bãi biển- nơi Hang Câu hiện hữu. Nơi đây không khí rất trong lành, gió thổi lồng lộng và sóng biển quanh năm vỗ vào ghềnh đá- được tạo thành từ nham thạch, cao hàng trăm mét, trông rất nên thơ và hùng vĩ. Có lẽ đây là nơi người Lý Sơn hay câu cá, hoặc cũng có thể là nơi có nhiều rau câu, nên gọi là hang Câu.

Ở Hang Câu bên cạnh khung cảnh hùng vĩ phía vực núi, với những mô đá bị sóng gió bào mòn nhô ra phía biển là những cồn đá phẳng lì, phủ một lớp rêu xanh được sóng biển ngày đêm vỗ vào tung bọt trắng xóa. Nước biển ở đây cũng trong xanh đến lạ. Đứng trên gành đá sát mép biển có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi lội lăn tăn dưới nước có độ sâu đến vài mét. Và đây cũng là nơi dành để tắm biển hết sức thú vị. Bởi ngoài việc vừa ngâm mình vào dòng nước mát để làm dịu đi cái nắng gió của xứ đảo, bạn vừa có thể lặn ngắm san hô, quan sát các loài sinh vật biển bơi lội. Các bạn chú ý là không nên đi chân đất để tránh việc bị san hô làm đứt chân, lựa chọn tốt nhất là mua một đôi giầy nhựa ngay trong chợ Lý Sơn (giá khoảng 30k).

Cột cờ Tổ Quốc trên đỉnh Thới Lới

Công trình Cột cờ Tổ quốc tại huyện đảo Lý Sơn được khởi công xây dựng từ ngày 4/5/2013, trên núi Thới Lới- ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn. Cột cờ có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Công trình có dạng kiến trúc gồm: Đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Mặt chính trên đài có ghi lại thông tin toạ độ cột cờ. Đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hòn Mù Cu

Hòn Mù Cu nằm ở phía đông đảo cách trung tâm huyện 3.2 km sát với vũng neo đậu tàu thuyền An Hải. Là nơi rất đẹp bởi những hòn đá đen có nhiều kiểu độc đáo tạo nên, đây cũng là nơi nghĩ mát và ngắm mặt trời mọc lý tưởng trên đảo.

mù cu
Đèn biển trên Mù Cu

Đảo Bé

Đảo Bé hay còn gọi là đảo An Bình đúng như tên gọi, có diện tích rất bé. Đảo Bé tuy diện tích rất nhỏ, nhưng lại có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao, và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm.

Từ đảo lớn mỗi ngày đều có tàu sang đảo Bé, chạy lúc 8h sáng rồi quay lại vào lúc 14h30 hàng ngày. Nếu đoàn bạn có nhiều người có thể thuê thuyền sang đảo Bé cho chủ động. Thuê thuyền riêng có lợi thế là bạn có thể đi bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào giờ tàu chạy. Tối có thể mang theo lều ngủ tại đảo Bé, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ. Hẹn tàu sáng hôm sau đón về sớm rồi quay vào đất liền luôn.


Ý kiến bạn đọc