Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ thực trạng tham nhũng

14:16, 22/03/2016
|

(VnMedia) - Như VnMedia đã đưa tin, sáng 22/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo về kết quả công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng trình bày báo cáo thẩm tra, trong đó nêu khá cụ thể những vấn đề tồn tại mà Chính phủ cần phải làm rõ.

Phan Trung Lý
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý

Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật, “Chính phủ đã phân tích, đánh giá những mặt làm được, những hạn chế, yếu kém, nêu lên các nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ.”

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung liên quan đến hiệu quả, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong hoạt động của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ qua. Đồng thời, cần làm rõ các giải pháp tích cực để tiếp tục phát huy những mặt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Chính phủ để Chính phủ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Riêng về công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban pháp luật đề nghị Báo cáo cần đánh giá kỹ hơn về vấn đề nợ công; nguyên nhân và trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp; vấn đề tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với việc bảo toàn và sử dụng có hiệu quả vốn của Nhà nước và việc huy động nguồn lực ngoài khu vực nhà nước vào đầu tư phát triển và tạo điều kiện cho kinh tế. Đồng thời, cần phân tích rõ hơn những yếu tố cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, những bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình tái cơ cấu vừa qua, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.

Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung đánh giá đầy đủ hơn việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là kết quả tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; kết quả thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Chương trình xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống tội phạm, y tế sức khỏe, an toàn giao thông, giải quyết việc làm, lao động và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm..

Ủy ban Pháp luật đề nghị báo cáo của Chính phủ cần nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, thực trạng của việc phát triển kết cấu hạ tầng của nhiệm kỳ này, từ đó làm rõ đã đạt được những mục tiêu gì, tiến độ, chất lượng và năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội đối với từng lĩnh vực; đồng thời, đánh giá được sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; những giải pháp trong việc huy động nguồn lực vào đầu tư để xây dựng, phát triển hạ tầng về xã hội, nhất là về y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và nêu lên phương hướng, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới...

Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Pháp luật đánh giá, Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt đã ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như thuế, hải quan; quản lý chi tiêu công, giảm các đoàn đi công tác nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, theo Ủy ban Pháp luật, báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục.

“Đề nghị trong Báo cáo cần thể hiện rõ hơn nội dung này với sự phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục" - Báo cáo thẩm tra do ông Phan Trung Lý trình bày nhấn mạnh.

Về hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm, Ủy ban pháp luật cơ bản tán thành với 7 nhóm hạn chế, yếu kém, 3 nguyên nhân và 6 bài học kinh nghiệm được nêu trong Báo cáo. Đồng thời, đề nghị Báo cáo cần phân tích làm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, do nhận thức, do trách nhiệm của người đứng đầu hay do cơ chế, chính sách, pháp luật đối với những hạn chế, yếu kém được nêu trong Báo cáo, từ đó nêu lên hướng khắc phục cho nhiệm kỳ sau. Đồng thời, đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung làm rõ hơn những bài học kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, con người cũng như cách thức, phương thức làm việc của Chính phủ, mối quan hệ giữa các thành viên Chính phủ và công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian qua; bài học cho xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian tới.


Ý kiến bạn đọc