Ký ức trận chiến Gạc Ma

11:18, 14/03/2016
|

Tiến hành xâm chiếm đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam (14-3-1988), quân Trung Quốc đã thảm sát tập thể cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam bằng súng bộ binh và pháo hạm 100mm.

Mặc dù lực lượng quá chênh lệch và để chấp hành chủ trương, mệnh lệnh kiên trì thuyết phục và không sử dụng vũ khí trước có trong tay để đánh lại bọn cướp đảo, cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta đã dũng cảm chiến đấu bằng cách giương cao ngọn cờ chính nghĩa, lời kêu gọi hòa bình và tình hữu nghị… để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo dòng lịch sử

Thực hiện quyết tâm bảo vệ cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao bằng sự hiện diện lực lượng trên các đảo này của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, ngày 12-3-1988, tàu HQ-605 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm Thuyền trưởng được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6 giờ ngày 14-3-1988.

Vào 9 giờ ngày 13-3-1988, tàu HQ-604 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Vũ Phi Trừ làm Thuyền trưởng và tàu HQ-505 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía đảo Gạc Ma, Cô Lin.

Phối hợp và cùng đi trên hai tàu 604, 505 có 2 phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 88, bốn tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do đồng chí Trần Đức Thông- Phó Lữ Đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn 6 thuộc Bộ Tham mưu. Sau 29 giờ bí mật hành quân vượt sóng to, gió lớn, 5 giờ ngày 13-3-1988, tàu HQ 605 đã cắm cờ Tổ quốc trên đảo Len Đao.

Chiều  ngày 3-3-1988, tàu HQ-505 đến thả neo ở đảo Cô Lin và HQ-604 thả neo ở đảo Gạc Ma. Sau khi thả neo được 30 phút, một tàu hộ vệ của Trung Quốc từ đảo Huy Gơ chạy về đảo Gạc Ma, có lúc cách tàu ta 500m. 17 giờ ngày 13-3-1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604, dùng loa gọi sang khiêu khích.

Mặc dù bị uy hiếp, lực lượng ta trên hai tàu HQ-604 và HQ-505 động viên nhau giữ vững quyết tâm, không mắc mưu khiêu khích. Trung Quốc lại cho một tàu hộ vệ và 2 tàu vận tải thay nhau cơ động quanh đảo Gạc Ma.

Trước tình hình đó, 21 giờ ngày 13-3-1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Huy Trừ chỉ huy bộ đội quyết tâm giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin.

Thực hiện mệnh lệnh ấy, tàu HQ-604 cùng lực ượng công binh Trung đoàn 83 khẩn trương thả thuyền, vật liệu xuống đảo Gạc Ma; lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ chiến đấu bảo vệ đảo ngay trong đêm.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ các tàu có sẵn từ trước, tăng cường khiêu khích, đe dọa. Ban Chỉ huy tàu HQ-604 nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ lực và bộ binh, do đó chúng ta cần bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến, quyết tâm bảo vệ đảo Gạc Ma.

6 giờ ngày 14-3-1988, Trung Quốc dùng 3 xuồng máy đưa 40 quân đổ bộ lên đảo và tiến về phía cờ ta. Dựa thế đông quân, binh lính Trung Quốc xông đến giật cờ ta. Lập tức, Thiếu úy Trần Văn Phương, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giật lại cờ.

Quân Trung Quốc nổ súng bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông lên cứu đồng đội bị bắn và đã anh dũng hy sinh.

Không uy hiếp được bộ đội ta, binh lính Trung Quốc rút khỏi đảo. 7 giờ 30 phút ngày 14-3-1988, Trung Quốc dùng 2 tàu bắn pháo 100mm vào tàu HQ-604 làm tàu bị hư hỏng nặng. Chúng cho quân xông về phía tàu ta.

Lúc này bộ đội ta nhận lệnh được sử dụng súng bộ binh bắn trả để tự vệ. Quân ta đánh trả quyết liệt, địch đành phải rút lui. Sau đó, chúng tiếp tục nã pháo làm tàu ta bị thủng và chìm dần xuống biển.

Tại Cô Lin, 6 giờ ngày 14-3-1988, tàu HQ-505 đã cắm 2 lá cờ lên đảo. Khi thấy tàu 604 bị địch bắn chìm, đồng chí Vũ Huy Lễ -Thuyền trưởng tàu HQ-505 ra lệnh cho tàu nhổ neo, ủi bãi, lấy thân tàu làm cột mốc chủ quyền. Phát hiện tàu ta cơ động lên đảo, hai tàu trung Quốc quay sang tấn công tàu HQ-505.

Mặc dù tàu bị bốc cháy, bất chấp hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505 vừa dập lửa, cấp cứu thương binh, vừa cho tàu ủi bãi thành công và đưa xuồng đến cứu vớt bộ đội trên tàu HQ-604 chìm ở Gạc Ma.

Ở hướng Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14-3-1988, phát hiện tàu HQ-605 nổ máy lao lên đảo, tàu Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu ta, làm tàu bốc cháy và chìm ngay mép đảo. Cán bộ, chiến sĩ ta dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn...

Xây dựng công trình tưởng niệm Chiến sỹ hi sinh Gạc Ma

Ngày 12/3/2016, tròn một năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên khởi công, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đang được khẩn trương thi công để kịp hoàn thành đúng tiến độ trong năm nay.

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, Thành viên Ban quản lý Khu Tưởng niệm, cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả các hạng mục chính của Khu tưởng niệm đang triển khai đạt theo tiến độ và dự kiến vào tháng 7 này sẽ xong giai đoạn 1. Hiện nay, phần tượng đục thô cũng đã cơ bản hoàn thành, bệ đài cũng đang đổ bê tông, lối đi cũng như các hạng mục khác cũng đang tiến hành rất khẩn trương và theo tiến độ.

Khu tưởng niệm các chiến sỹ Gạc ma đang được xây dựng
Khu tưởng niệm các chiến sỹ Gạc ma đang được xây dựng

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng tại Công viên Biển Đông, bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa trên vùng đất rộng 2,5 ha. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, của các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.

Khu tưởng niệm được xây dựng với mong muốn là một “địa chỉ đỏ” để mỗi người khi đến với Khánh Hòa sẽ có dịp dừng chân, suy ngẫm về những đóng góp của các liệt sĩ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nâng cao trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây cũng sẽ là nơi những người còn đang sống tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc; là nơi thay thế mộ phần của các chiến sĩ còn chưa tìm thấy thi thể, như tâm sự của máy trưởng tàu HQ605 - Uông Xuân Thọ: “Chúng tôi, những người lính trở về vẫn đau đáu về sự hy sinh của đồng đội. Một tượng đài không chỉ làm mãn nguyện hương hồn liệt sĩ, mà để con cháu mai sau biết xương máu anh hùng thế hệ trước”.


Ý kiến bạn đọc