Hà Nội phê duyệt khu biệt thự "khủng" giáp Vườn Quốc gia Ba Vì

13:43, 16/03/2016
|

(VnMedia) - Khu biệt thự nằm giáp vườn Quốc gia Ba Vì, có diện tích lên tới 123 ha vừa được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể….

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu biệt thự nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái hồ Lụa, trồng rừng tỷ lệ 1/500 tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

Theo Quyết định, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết bao gồm 2 khu, với tổng diện tích khoảng 123 ha, trong đó khu A khoảng 85ha, là khu chân núi Viên Nam phía Bắc giáp đường Đồng Dăm – Bãi Nai và khu dân cư xóm Dục, xóm Thuống; phái Nam và phía Tây giáp vườn Quốc gia Ba Vì; phía Đông giáp khu dân cư xóm Dục, xóm Thuống.

Khu B khoảng 38ha, là khu hồ Lụa, phía Bắc giáp khu dân cư xóm Dục; phía Nam giáp ruộng lúa và đường Đồng Dăm - Bãi Nai; phía Tây giáp dân cư xóm Đình, xóm Thuống; phía Đông giáp dân cư xóm Dục.

Quy mô dân số của cả dự án là vào khoảng 2170 người.

Theo Quyết định, mục tiêu chính của Dự án là xây dựng khu nhà ở, nhà vườn sinh thái văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng cho dân cư khu vực đô thị Hòa Lạc nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung; cải thiện môi trường và giữ ổn định diện tích mặt nước, dung tích mực nước hồ Lụa, tạo cảnh quan, khai thác hiệu quả hồ Lụa làm khu sinh thái, nghỉ dưỡng cho khu vực đô thị Hòa Lạc; làm cơ sở pháp lý triển khai dự án đầu tư xây dựng; là cơ sở để chính quyền địa phương và Chủ đầu tư quản lý xây dựng theo Quy hoạch chi tiết được duyệt.

Trong đó, khu A với tính chất là Khu nhà ở sinh thái kết hợp trồng rừng, xây dựng mật độ thấp, tầng cao thấp (dưới hoặc bằng 3 tầng). Khu B với tính chất là Khu nhà ở sinh thái phát triển mới, kết hợp du lịch sinh thái hồ Lụa.

Về nguyên tắc, sẽ giữ nguyên quy mô diện tích mặt nước, dung tích, mực nước hồ Lụa, nạo vét cải tạo theo quy định đảm bảo yêu cầu thủy lợi, có sự thỏa thuận của đơn vị quản lý chuyên ngành; cơ bản giữ nguyên quy mô diện tích, quy mô dân số theo Quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư đã được UBND tỉnh Hòa Bình (trước đây) phê duyệt.

Đảm bảo ranh giới lập quy hoạch không chồng lấn ranh giới rừng Quốc gia Ba Vì. Trong quá trình lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết cần lấy ý kiến của các cơ quan liên quan; đảm bảo yêu cầu trồng rừng và bảo vệ rừng phù hợp với Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 – 2020 đã được phê duyệt.

Đồ án sẽ được trình duyệt sau khi Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo Quyết định, đơn vị tổ chức lập quy hoạch là Công ty TNHH Xây dựng Du lịch Mạnh Đạt. Cơ quan thẩm định và trình duyệt là Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội; cơ quan phê duyệt là UBND thành phố Hà Nội.

Theo tìm hiểu của VnMedia, thông tin ghi tại trang web của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thì công ty TNHH Xây dựng Du lịch Mạnh Đạt có địa chỉ ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Giấy phép kinh doanh số 0500423490 và người đại diện pháp luật là Nguyễn Đức Việt, không có thông tin về lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, tại một số trang web khác về thông tin doanh nghiệp có ghi, lĩnh vực được cấp phép theo giấy phép là quán rượu, bia, quầy bar.

Biệt thự Ba Vì
Nhiều biệt thự đang được xây dựng trái phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì - ảnh: PLVN 

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến những khu biệt thự xây không phép trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì. Theo đó, ngoài dự án Le Mont Ba Vì Resort & Spa trong Vườn Quốc gia Ba Vì, Khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn với 58 biệt thự cũng vừa bị thanh tra thì còn hàng chục biệt thự khác ở các xã Yên Bài, Vân Hòa, huyện Ba Vì cũng được phát hiện xây không phép ngay từ năm 2013.

Hôm 29/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã gửi công văn hoả tốc yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ ngay việc thi công xây dựng resort Le Mont Ba Vì Resort & Spa trái phép.

Ngoài ra, khu Điền Viên Thôn tại thôn Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì cũng đang mọc lên rất nhiều các căn biệt thự nghỉ dưỡng. Số lượng biệt thự này được xây dựng trên đất nông nghiệp do công ty Thăng Long Xanh đứng ra thu mua đất của người dân. Sau đó, doanh nghiệp này tiến hành xây dựng khu nghỉ dưỡng mà không được chính quyền cho phép.

Từ năm 2011 đến nay, UBND xã Yên Bài đã lập biên bản và đình chỉ thi công rất nhiều lần, đồng thời có báo cáo lên UBND, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhưng sau khi lập tổ công tác kiểm tra, xử lí thì đến nay UBND huyện Ba Vì vẫn chưa có văn bản cụ thể nào. Trước sự việc này, hôm 5/2/2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Ba Vì kiểm tra, báo cáo cụ thể sự việc.  


Ý kiến bạn đọc