(VnMedia) - Góp ý về tình trạng đầu tư xây dựng dàn trải gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực của đất nước, đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường nêu lên những con số khiến người nghe giật mình...
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (29/3) về các báo cáo nhiệm kỳ qua của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho biết, ông hoàn toàn nhất trí với các báo cáo, trong đó khẳng định những người đứng đầu thực hiện khá tốt nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Xuân Thường cũng đưa ra một số ý kiến đóng góp.
Trước hết, về báo cáo của Chủ tịch nước, đại biểu Thường cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chủ tịch nước là phong hàm, phong tướng. Tuy nhiên, ông cho biết, cử tri có ý kiến rất nhiều về vấn đề này.
“Tại sao trong thời gian chiến tranh, chúng ta có hơn 1 triệu quân chính quy nhưng số lượng cấp tướng trong lực lượng vũ trang chỉ có 72 người tính cho đến hết thời kỳ chống Mỹ, còn hiện nay có tới 400 cấp tướng. Cử tri cho rằng như vậy là quá nhiều" - đại biểu Thường dẫn chứng.
Không khẳng định số lượng đó là nhiều hay ít vì còn tùy thuộc vào quy mô của quân đội, nhưng theo đại biểu Pham Xuân Thường, trong bản báo cáo này, Chủ tịch nước nên giải thích. Cũng theo đại biểu Thường thì vấn đề này cần phải có giải trình của cả Thủ tướng vì Thủ tướng là người đề xuất bổ nhiệm để Chủ tịch nước ký phong hàm.
Liên quan đến công tác đặc xá, đại biểu Phạm Xuân Thường nêu vấn đề, đó là nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước ký đặc xá 33.999 người, tuy là việc này nhằm thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, nhưng cần phải đánh giá xem hiệu quả của việc này đến đâu và đặc biệt là trong số đặc xá này, có bao nhiêu trường hợp tái phạm.
“Tôi ở Ủy ban Tư pháp nên được thẩm tra báo cáo các ngành, tôi đã nêu ra câu hỏi này nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu chính thức, cần phải bổ sung vào báo cáo này. Chúng ta nhân đạo là đúng, nhưng tha một người không đúng thì khi bản thân họ gây họa cho nhiều người, tức là chúng ta đã không nhân đạo với nhiều người" - đại biểu tỉnh Thái Bình nêu quan điểm.
Hạn chế lớn nhất là thất thoát, lãng phí
Về báo cáo của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đã được nêu trong báo cáo và được nhiều đại biểu nói trước đó, là Thủ tướng đã dẫn con thuyền đất nước đi trên thác ghềnh và vượt lên được, đến bây giờ nền kinh tế khá ổn định, đáng ghi nhận, thì đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng, trong quản lý kinh tế, hạn chế thiếu sót lớn nhất trong nhiệm kỳ vừa qua là sự thất thoát.
Theo đó, về đầu tư xây dựng cơ bản, đại biểu Thường cho rằng, do thiếu đồng bộ, dàn trải nên đã gây thất thoát lãng phí lớn.
“Một cụm cảng Cái Mép Thị Vải đầu tư 40.000 tỷ, do đầu tư không đồng bộ, không khai thác được nên cho đến nay, theo báo cáo chỉ có 20% là khai thác được, đồng nghĩa với 80% không sử dụng được, tương đương với lãng phí 32.000 tỷ. Hay như đầu tư vào Làng Sinh viên ở Lâm Đồng hàng nghìn tỷ chỉ có 1 sinh viên; hay đầu tư vào đường sắt ở Quảng Ninh, đường sắt du lịch 1.000 tỷ nhưng một ngày chỉ bán được 1 vé du lịch" - đại biểu Thường nêu lên những con số đau xót.
Ông cũng nêu lên hiện tượng lãng phí trong việc đầu tư các công trình rất hoành tráng khác như các nhà thi đấu ở địa phương, “ít thì vài ba trăm tỷ, nhiều thì ngót nghét nghìn tỷ nhưng mỗi một năm chỉ sử dụng có vài ngày".
Đặc biệt quan tâm đến vùng sâu vùng xa, đại biểu Phạm Xuân Thường nhận định, thời gian vừa qua, công tác kiểm soát yếu, tiền đầu tư không hiệu quả.
“Có những nơi đầu tư 3-4 tỷ xây chợ nhưng chợ không có người; đầu tư vài tỷ xây trường nhưng trường không có cả giáo viên lẫn học sinh; đầu tư vào trạm xá nhưng không có cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, rất lãng phí" - ông tiếp tục đưa ra dẫn chứng.
Đối với Quốc hội khóa tới, đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị ưu tiên cho vùng sâu vùng xa phải phân bổ, quản lý để tránh lãng phí như thời gian vừa qua.
“Nếu cộng sơ sơ những lãng phí ở riêng lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản thì có thể sử dụng nguồn lực đó vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện các chính sách xã hội không có gì là khó khăn cả. Hàng nghìn tỷ mà chúng ta đầu tư để chi trả cho gia đình chính sách cũng không khó, nhưng vì đầu tư không hiệu quả nên không còn tiền đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội khác" - đại biểu Phạm Xuân Thường nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc