Yêu cầu khẩn của Thủ tướng về "xe dù, bến cóc"

08:14, 06/02/2016
|

(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng "xe dù, bến cóc" trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

xe dù
Tình trạng bắt khách dọc đường, nhồi nhét khách xảy ra phổ biến vào dịp cận Tết

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, nhờ đó hoạt động vận tải hành khách trên cả nước bước đầu đã đạt được kết quả tích cực; ý thức của phần lớn lái xe, chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải được nâng lên. Tuy nhiên, trên một số tuyến đường quốc lộ và đường địa phương, nhất là trên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai… vẫn còn tình trạng "xe dù, bến cóc", xe chở khách núp bóng xe hợp đồng, hoạt động đón, trả khách trái quy định của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng "xe dù, bến cóc" trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tiếp tục triển khai các lực lượng để duy trì thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là hiện tượng thao túng, bảo kê hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Bộ Giao thông vận tải phải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có hiện tượng "xe dù, bến cóc"; tiến hành thanh tra các doanh nghiệp vi phạm; chỉ đạo sử dụng dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để làm cơ sở xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là đối với hành vi kinh doanh vận tải hành khách trái phép, hoạt động sai hành trình tuyến đã đăng ký, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; biểu dương trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định về hoạt động vận tải hành khách.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban An toàn giao thông cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động vận tải hành khách tại địa phương.

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tư vấn cho các doanh nghiệp vận tải tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện Công điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xe dù, bến cóc: nhu cầu bất đắc dĩ

Hàng năm, cứ vào dịp cận Tết Nguyên đán, tình trạng xe dù, bến cóc lại diễn ra tràn lan ở hầu hết các thành phố lớn, nơi có nhiều người lao động từ các tỉnh về làm ăn. Với lưu lượng người tham gia giao thông thường đã rất lớn vào dịp này, thì việc các xe khách chạy kiểu "rùa bò" trên các đường phố, các đường vành đai, đường quốc lộ... đã làm cho tình trạng ách tắc giao thông càng trở lên nghiêm trọng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều hành khách cho biết, nhiều phụ xe không cần biết khách có đồng ý đi hay không đã nhanh tay chộp lấy hành lý rồi đẩy khách lên xe. Khi đó, họ mới "hét" giá vô tội vạ. Ngày thường, những cung đường có giá vé khoảng 250.000 đồng thì vào dịp này, có khi nhà xe đòi tới 1 triệu đồng. Thậm chí, có hành khách phải đi với từ TP. Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa với giá 1,5 triệu đồng. Có những người khách kiên quyết từ chối đi xe dù kiểu này thì lại vô vọng trong việc mua vé đúng tuyến, đúng giá trong bến và không biết bao giờ mới về được quê ăn Tết. Vì vậy, với nhiều người, những ngày cận kề này, giá vé không quan trọng mà quan trọng hơn, đó là làm thế nào để được sum họp với gia đình.

Tình trạng xe dù, bến cóc phát sinh vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán gây ra rất nhiều hệ lụy và cần được chấn chỉnh, nhưng có một băn khoăn là, nếu không có những chiếc xe "dù" đó thì không biết những người công nhân sẽ về quê ăn Tết bằng cách nào? Đây mới là mấu chốt vấn đề mà các lực lượng chức năng và lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải có hướng giải quyết. Nếu không thì dù có dẹp đến cỡ nào, trước nhu cầu thực tế của người dân, tình trạng xe dù bến cóc vẫn sẽ cứ "đến hẹn lại lên" mà thôi, mặc cho nhà nước thì thất thu, nội đô các thành phố ùn tắc và người dân thì tốn tiền oan.


Ý kiến bạn đọc