Vì sao hai cựu lãnh đạo ngân hàng BIDV bị khởi tố?

06:58, 02/02/2016
|
(VnMedia) - Hai nguyên lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (MHB) đã bị khởi tố để điều tra sai phạm cá nhân khi còn đương nhiệm. Thông tin ban đầu cho thấy các lãnh đạo này đã có sai phạm trong quá trình điều hành ngân hàng và công ty chứng khoán…
 
 
Ngày 29/1, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) bất ngờ cho biết đã đình chỉ chức vụ của hai thành viên HĐQT là ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hoà, nguyên lãnh đạo của Ngân hàng MHB sáp nhập vào BIDV. BIDV nhấn mạnh: hai lãnh đạo này không tham gia hoạt động điều hành BIDV mà chỉ tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng của MHB, nên không ảnh hưởng tới hoạt động của BIDV.
 
Theo thông báo số 606/BIDV-TKHĐQT, Ngân hàng BIDV cho biết quyết định đình chỉ chức vụ thành viên HĐQT của ông Dũng và ông Hoà là theo thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, nhằm phục vụ điều tra các sai phạm của cá nhân trong điều hành MHB, công ty chứng khoán MHBS trước đây.
 
Cùng ngày 29/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Nam Dũng, ông Nguyễn Phước Hòa cùng một số cán bộ của công ty chứng khoán MHBS nhằm phục vụ điều tra sai phạm tại đây.
 
Chỉ một thời gian ngắn sau khi MHB sáp nhập vào BIDV, các lãnh đạo của MHB đã bị khởi tố, điều tra sai phạm trong điều hành ở ngân hàng bị xoá sổ. Điều này đã và đang đặt ra nghi vấn về nguyên nhân đằng sau việc MHB phải vội vã tìm đường sáp nhập.
 
Từ cuối năm 2014, MHB đã phối hợp với BIDV triển khai xây dựng Đề án sáp nhập theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN với mục tiêu hoàn thành sáp nhập ngay trong năm 2015.
 
Quá trình thực hiện đề án sáp nhập này được thực hiện gấp rút, cả bộ máy hệ thống của MHB được chuyển giao nguyên trạng về BIDV, bao gồm cơ sở vật chất, mạng lưới, nhân sự, tài sản, quyền và nghĩa vụ với khách hàng…
 
Cuối năm 2015, MHB đã chính thức bị xoá tên khỏi thị trường, song những vấn đề liên quan đến hoạt động của MHB vẫn được xử lý, khắc phục theo chỉ đạo của NHNN và cam kết giữa các bên trong hợp đồng sáp nhập.
 
Một số lãnh đạo của MHB được tham gia vào HĐQT của Ngân hàng BIDV sau sáp nhập, như ông Huỳnh Nam Dũng- Chủ tịch HĐQT MHB và Tổng giám đốc Nguyễn Phước Hòa.
 
Tuy nhiên, BIDV cho biết, hai thành viên HĐQT này “chỉ có danh” mà không tham gia chỉ đạo, quản trị hoạt động của BIDV. Nhiệm vụ chủ yếu của cựu lãnh đạo MHB là tập trung giải quyết tiếp những tồn đọng liên quan đến hoạt động của MHB trước kia. Trong đó, việc kinh doanh không hiệu quả của MHB là nguyên nhân chính buộc ngân hàng phải thực hiện cơ cấu theo hướng sáp nhập vào một “ông lớn” khoẻ hơn. Trong thông báo ngắn gọn công bố trên website, Cơ quan điều tra và Ngân hàng BIDV đều không tiết lộ những sai phạm của nguyên lãnh đạo MHB dẫn tới kết cục bị khởi tố.
 
Việc kinh doanh không hiệu quả của MHB là nguyên nhân chính buộc ngân hàng phải thực hiện cơ cấu.
 
MHBS bị lỗ âm vốn
 
Dù vậy, cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra nhiều đối tượng khác nhằm làm rõ sai phạm xảy ra tại Công ty Chứng khoán MHBS. Ông Huỳnh Nam Dũng là Chủ tịch HĐQT của MHBS.
 
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của MHBS liên tục sa sút, thua lỗ âm vốn chủ sở hữu. Ngày 10/6/2015, Uỷ ban chứng khoán đã quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán của MHBS trong thời gian từ ngày 24/6 đến 24/12/2015, vì MHBS không đáp ứng các điều kiện quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính.
 
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2015, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng ở mức âm 396%, thua lỗ lớn tới 259,5 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên đến 345 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ hiện có (170 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu đã bị “hao hụt” nghiêm trọng, dẫn tới âm 173,87 tỷ đồng.
 
Đến hết quý III/2015, MHBS vẫn tiếp tục lỗ luỹ kế 258 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu bị âm 171 tỷ đồng. Điều này cho thấy suốt thời gian qua, công ty này chưa có giải pháp nào để khắc phục hay lành mạnh hoá tỷ lệ an toàn tài chính.
 
Theo báo cáo tài chính quý III/2015, MHBS có tổng nợ phải trả gần 329 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn lên tới 286 tỷ đồng, và 42,7 tỷ đồng nợ dài hạn.
 
Áp lực trả nợ ngắn hạn đến từ các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn là 272 tỷ đồng. Dự phòng các khoản phải thu khó đòi âm tới 361 tỷ đồng. Tuy nhiên, MHBS đã không trình bày thuyết minh cụ thể của các khoản này trên báo cáo (!?).
 
Liên quan đến hoạt động của MHB (vốn điều lệ 3.600 tỷ đồng) trước khi sáp nhập, năm 2014, ngân hàng đã cải thiện kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế tăng 13%, đạt 165 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng lên 30.605 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,65% lên mức 2,72%, MHB đã phải trích dự phòng rủi ro tín dụng và trái phiếu VAMC là 191 tỷ đồng.
 
Hai ông Huỳnh Nam Dũng và Nguyễn Phước Hoà đã gắn bó với Ngân hàng MHB từ những ngày đầu thành lập, đảm nhiệm các vị trí chủ chốt. Ông Dũng đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của MHB từ năm 2002, còn ông Hòa là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MHB từ tháng 10/2000.

Ý kiến bạn đọc