Đến hết 30/1, tất cả các biển hạn chế tốc độ dưới 50km/h trên cả nước đã được rà soát, điều chỉnh, dỡ bỏ.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 30/1, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị đã rà soát, điều chỉnh biển báo hạn chế tốc độ dưới 50km/h trên tất cả các quốc lộ, tỉnh lộ, các trục đô thị chính trên địa bàn cả nước trừ một số trường hợp đặc biệt đã có sự đánh giá, xem xét cụ thể như cầu yếu, xe khách giường nằm 2 tầng, điểm đen giao thông.
Đến hết ngày 30/1, đã có 1.746 biển hạn chế tốc độ dưới 50km/h được dỡ bỏ. |
Tổng số biển hạn chế tốc độ dưới 50km/h có 2.580 biển, trong đó đã dỡ bỏ hoàn toàn 1.746 biển hạn chế tốc độ dưới 50km/h; thay bằng biển báo tốc độ lớn hơn hoặc bằng 50km/h là 103 biển; thay thế bằng cảnh báo đi chậm, đường cong là 289 biển và giữ nguyên 442 biển tốc độ dưới 50km/h đối với xe khách giường nằm 2 tầng, một số vị trí cầu yếu, điểm đen chưa được xử lý.
Cũng theo ông Huyện, hiện tại đã có 44 tỉnh đã rà soát xong toàn bộ tất cả các loại đường trên địa bàn. Tuy nhiên, còn lại 19 tỉnh đang tiếp tục đôn đốc và chỉ đạo đến đường phố, huyện, xã bao gồm các tỉnh, thành phố như: TP Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, TP.HCM, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng.
“Nhìn chung việc rà soát, điều chỉnh, dỡ bỏ biển hạn chế tốc độ không có vướng mắc, tiến độ chậm là do địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa và phải xin ý kiến của UBND tỉnh”, ông Huyện cho biết thêm.
Trước đó, liên quan đến lĩnh vực biển báo đường bộ, ngày 19/1, tại Hội nghị công tác thanh tra của Bộ GTVT, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành tháo dỡ, ngăn tái diễn tình trạng xuất hiện các biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h. Thậm chí, Bộ trưởng Đinh La Thăng còn khá gay gắt khi phát biểu: “Nếu biển báo không nhổ được thì nên 'nhổ' người. Nếu các anh cách chức, thuyên chuyển một ông Cục trưởng Đường bộ nào đó chắc chắn sẽ không còn loại biển báo này. Đây cũng là cách không hề tốn kém, dễ làm”.
Vì vậy, sau đó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện ngay việc trên, kể cả các đoạn tuyến đang sửa chữa.
Ý kiến bạn đọc