Phạt người đi bộ sai phần đường: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

18:16, 20/02/2016
|

(VnMedia) - Việc thực thi luật, xử phạt người đi bộ sai có thể là hiệu quả và cần thiết, tuy nhiên cần thực hiện đồng bộ với việc tạo điều kiện thuận lợi cho đi bộ và nâng cao nhận thức về an toàn giao thông. Nếu không, việc này lại gây ra kết quả tiêu cực và làm giảm số lượng người đi bộ.

đi bộ
Việc thiết kế đường phố tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên, khuyến khích đi bộ là vô cùng quan trọng

Như VnMedia đã đưa tin về vấn đề xử phạt người đi bộ sai phần đường, trong đó có nhiều ý kiến ủng hộ, tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn về việc tạo điều kiện cho người đi bộ đi đúng phần đường của mình. Trao đổi với VnMedia, ông Đinh Đăng Hải, cán bộ cao cấp của tổ chức HealthBridge Foundation of Canada nhận định, xử phạt người đi bộ sai phần đường là một việc không mới và đã được thực hiện ở nhiều thành phố trên thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Hải, công cụ này cần thực hiện thực hiện đồng bộ với việc xây dựng môi trường cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, an toàn, khuyến khích đi bộ và việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đi bộ an toàn.

Ông Hải cho rằng, đi bộ là phương thức giao thông hiệu quả, an toàn, có lợi cho sức khỏe và môi trường. Đi bộ còn giúp xây dựng hình ảnh đô thị hiện đại, văn minh và có bản sắc. Tuy nhiên, điều khiến ông Hải băn khoăn là số lượng người đi bộ tại Hà Nội ngày càng giảm đáng kể khi mà xe máy, ô tô được ưu tiên phát triển.

“Việc đi bộ tại Hà Nội giờ đây là nguy hiểm và thách thức cho mọi người, đặc biệt là người già và trẻ em. Nếu không được thực hiện một cách đồng bộ và hệ thống, việc xử phạt người đi bộ sẽ tạo thêm áp lực, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tăng số lượng và an toàn cho đối tượng tham gia giao thông yếu thế này và việc đi bộ ra phố Hà Nội đến một ngày có trở thành một việc không thể thực hiện đối với mọi người.” - ông Hải lo ngại.

Theo ông Đinh Đăng Hải, việc tăng số lượng người đi bộ có rất nhiều lợi ích, trong đó có việc làm giảm ùn tắc giao thông và tăng an toàn cho môi trường giao thông đô thị nói chung.

Đối với việc xử phạt người đi bộ sai phần đường, ông Hải cho rằng, mục tiêu là để nhằm hạn chế tai nạn giao thông và việc xây dựng một hệ thống giao thông đô thị an toàn, hiệu quả phụ thuộc vào hành vi của người tham gia giao thông.

Theo ông Hải, việc thay đổi hành vi của tham gia giao thông nói chung dựa trên một số yếu tố chính như môi trường giao thông, thực thi pháp luật và giáo dục ý thức.

“Việc thực thi luật, xử phạt người đi bộ sai có thể là hiệu quả và cần thiết, tuy nhiên cần thực hiện đồng bộ với việc tạo điều kiện thuận lợi cho đi bộ và nâng cao nhận thức về an toàn giao thông. Nếu không, việc này lại gây ra kết quả tiêu cực và làm giảm số lượng người đi bộ.” - ông Hải nói.

Theo phân tích của ông Đinh Đăng Hải, các công cụ cơ bản để nâng cao an toàn giao thông liên quan tới người đi bộ bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi cho đi bộ; Giáo dục, tuyên truyền về an toàn giao thông cho người đi bộ và cuối cùng là thực thi pháp luật. Trong đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ là vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất.

Thiết kế ưu tiên người đi bộ + phạt người không nhường đường

Theo phân tích của ông Đinh Đăng Hải, trong các thành phần người tham gia giao thông thì người đi bộ luôn là nhóm yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em. Việc ưu tiên, khuyến khích và hướng dẫn người đi bộ an toàn luôn là quan tâm hàng đầu.

“Các thiết kế đường bộ cần phải là các thiết kế “vị tha” nhằm tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho đi bộ, tránh tối đa việc làm bất tiện cho đi bộ. Các cầu vượt bộ hành không hợp lý, với nhiều bậc thang mà không có chiếu nghỉ là ví dụ về thiết kế làm nản lòng người đi bộ. Các đường phố không có các vạch sang đường, chiều dài lối sang đường quá dài, biển báo, đèn tín hiệu cho người đi bộ hay gờ giảm tốc cũng là những thiết kế làm người đi bộ có xu hướng sang đường bất cứ chỗ nào họ cảm thấy có thể sang. Các vỉa hè bị chiếm dụng để xe máy, ô tô luôn làm người đi bộ phải đi xuống lòng đường nguy hiểm. Các đoạn phố dài không có lối sang đường hoặc các đèn tín hiệu giao thông có chu kỳ pha đèn đỏ cho người đi bộ quá lâu cũng là yếu tố khiến người đi bộ có xu hướng sang đường sai chỗ quy định hoặc tín hiệu đèn.” ông Hải nêu rõ và nhấn mạnh, “thiết kế đường phố tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên, khuyến khích đi bộ là vô cùng quan trọng trong bất cứ hệ thống giao thông đô thị hiện đại nào.”

đi bộ
Cần phạt cả những người không nhường đường cho người đi bộ đúng vạch - trong ảnh: Cụ già dù vừa đi đúng vạch vừa giơ tay ra hiệu nhưng chiếc taxi này vẫn cố tình vượt qua, không nhường đường

Trong vấn đề giáo dục, tuyên truyền về an toàn giao thông cho người đi bộ, theo ông Hải, việc nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho người đi bộ luôn là một thành phần quan trọng để thay đổi hành vi tham gia giao thông và tăng tính an toàn cho người đi bộ.

“Việc tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, giáo dục trong trường học về việc đi bộ an toàn và ưu tiên đi bộ là rất cần thiết. Mọi người và mọi phương tiện tham gia giao thông cần hiểu rằng người đi bộ cũng là đối tượng tham gia giao thông công bằng, được tôn trọng như mọi người, hơn thế nữa còn là đối tượng yếu thế cần được ưu tiên hàng đầu.” - ông Hải nhấn mạnh.

Cho ý kiến về việc thực thi pháp luật, ông Đinh Đăng Hải phân tích: Thực thi pháp luật luôn là công cụ hữu hiệu để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng. Tuy nhiên việc xử phạt người đi bộ cần được thực hiện đồng bộ với các công cụ và thành phần khác như tạo môi trường đi bộ thuận lợi, an toàn và truyền thông.

“Việc tăng cường thực thi pháp luật xử phạt các phương tiện cơ giới khác vi phạm về nhường đường cho người đi bộ, giảm tốc độ tại các lối qua đường… cũng cần phải thực hiện triệt để nhằm làm cho người tham gia giao thông cơ giới khác quan tâm hơn tới an toàn cho người đi bộ.” - ông Hải nêu ý kiến.


Ý kiến bạn đọc