Cận Tết, bước ra đường là cảm nhận được không khí vui chơi, mua sắm Tết thật náo nhiệt. Tuy nhiên ở những góc chợ, trên nhiều tuyến đường vẫn còn nhiều cụ già, người nghèo ngồi co ro bán mớ rau, chùm bánh… Có nhiều cụ đã “quên” ăn Tết hơn 10 năm qua!
Sáng nay cũng như những sáng khác, ở chợ An Bình (phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có một bà lão ngồi rúm ró ở góc chợ với xề bánh tét nước tro (bột nếp ngâm với nước tro lò than củi). Cụ cho biết tên mình là Nguyễn Thị Hai (75 tuổi), nhà ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Cần Thơ. Cụ Hai nói mình đã gắn bó với nghề bán bánh tét hơn 30 năm qua.
Mỗi ngày cụ gói khoảng 50 đòn bánh tét nước tro rồi đi xe ôm ra chợ An Bình bán, giá mỗi cái là 5.000 đồng. Kết thúc buổi chợ, bà đi xe ôm về nhà, sau khi trừ hết chi phí còn lời từ 20.000 - 30.000 đồng.
Ở cái tuổi 75, hàng ngày cụ Hai vẫn còn còm cõi với xề bánh tét để nuôi thân và nuôi đứa con trai bị tai nạn giao thông |
Đang vui chuyện, giọng cụ Hai bỗng trầm xuống, đôi mắt cũng buồn rười rượi. Cụ kể: “Bao lâu nay sống với thằng con út, trước đây nó có đi làm nên hai mẹ con cũng đủ lo cái ăn nhưng vừa rồi nó bị tai nạn xe, hiện nằm một chỗ… Sau khi xuất viện về nhà, đâu có tiền gì để mua thuốc thêm cho nó uống, tối nó đau cứ rên hừ hừ… Thấy con đau, già cũng đau lắm”.
Hỏi thăm về chuyện Tết nhất, cụ Hai nhìn vào xề bánh còn đầy, giọng bùi ngùi, đã lâu lắm rồi không còn biết Tết là gì. Cuộc sống quanh năm cứ quanh quẩn điệp khúc, sáng mang bánh ra chợ bán, về nhà đi cắt lá gói bánh, nấu bánh rồi sáng lại mang ra chợ bán. Cụ bảo, nếu dừng lại một ngày là ngày đó không có gạo nấu cơm.
Anh Dũng 4 năm qua do không tiền ghép lại hộp sọ nên anh mang "cái đầu lép" đi bán vé số nuôi vợ bị bệnh |
Bao lâu nay, những người dân sống ở khu vực 4, 5... phường An Bình đều quen với hình ảnh một người đàn ông với "cái đầu lép" một bên, lững thững chống gậy đi bán vé số, bất kể trời mưa hay nắng. Anh là Nguyễn Văn Dũng (47 tuổi) nhà ở khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều.
Cách đây khoảng 4 năm, trong một vụ tai nạn giao thông anh Dũng bị vỡ hộp sọ và phải phẫu thuật mang một phần hộp sọ nuôi dưỡng. Nhưng đến nay vì gia cảnh quá khó khăn nên anh Dũng chưa có tiền ghép lại hộp sọ. Và trong suốt 4 năm qua, anh Dũng cứ mang cái "đầu lép" ấy, chống gậy đi bán từng tờ vé số nuôi hai con ăn học và người vợ bị u xơ tử cung.
Anh Dũng bùi ngùi chia sẻ về chuyện ăn Tết của gia đình: “Tết đến đáng lẽ vui lắm nhưng mấy năm qua từ ngày tôi gặp nạn rồi vợ mắc bệnh hiểm nghèo… cái Tết của gia đình đang còn “gói” trong xấp vé số này. Năm nào cũng vậy, tôi bán vé số đến chiều 30 Tết rồi sang mùng 1, 2, 3… tôi lại đi bán vé số tiếp. Thỉnh thoảng một hai chủ nhà mời mình miếng bánh, miếng thịt… xem như là đã ăn Tết rồi”.
Cụ Xiêm đã 81 tuổi vẫn còn nặng gánh mưu sinh và hơn 10 năm qua cụ không còn quan tâm đến chuyện ăn Tết |
Trong những hoàn cảnh mà PV tình cờ gặp trên đường còn có cụ Nguyễn Thị Xiêm (81 tuổi) - ở Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Cụ Xiêm có 3 cô con gái nhưng sau khi các con cụ về nhà chồng ở Hậu Giang thì 10 năm nay cụ thui thủi thuê nhà trọ sinh sống một mình.
Cụ Xiêm cho biết, hàng ngày cứ 2 giờ sáng là cụ thức dậy, mang quang gánh sang đò rồi đến chợ An Nghiệp mua rau, củ… cho đầy hai quanh gánh, rồi cuốc bộ qua các tuyến đường trong nội ô TP Cần Thơ để bán lại. Có khi đến chiều tối cụ mới lò mò về đến nhà. Tuy vất vả thế những mỗi buổi chợ, cụ Xiêm chỉ kiếm lời được từ 30.000 – 40.000 đồng, hôm nào khá thì được 50.000 đồng.
Phóng viên gặp cụ Xiêm khi cụ đang bán rau cải trên đường hoa xuân Hoàng Văn Thụ. Khắp tuyến đường, hoa xuân vàng rực, người người qua lại, cảnh mua bán tấp nập, rộn ràng… nhưng chẳng ai ngó đến gánh rau của cụ dù từ lúc đặt hai gánh rau xuống đất, cụ Xiêm không ngớt lời mời khách đi đường mua rau.
Trước lúc cụ Xiêm chuẩn bị gánh hai xề rau đến tuyến đường khác bán, có một bà cụ cũng chạc tuổi cụ khập khiễng bước đến mua hai bó cải xanh. Vị “thượng đế” U80 này ngoài trả tiền rau còn dúi vào tay cụ Xiêm 50.000 đồng nói nhỏ: “Sắp đến Tết rồi, tôi cho bà ít tiền để mua miếng thịt về ăn Tết”.
Hai bà cụ nắm chặt tay nhau, thỏ thẻ cười nói những lời chúc năm mới mạnh khỏe, bình an...
Ý kiến bạn đọc