Phần lớn số người tinh giản được hưởng chính sách về hưu trước tuyển, một số cho thôi việc ngay.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế ngày 12/1, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) cho hay, trong năm 2015 và số đăng ký 6 tháng đầu năm 2016, có 25 lượt bộ, ngành và 64 lượt địa phương tinh giản biên chế với số người giải quyết tinh giản là 9.129.
Cụ thể năm 2015, đã có 15 bộ, ngành và 39 địa phương tinh giản biên chế với trên 5.300 người. Trong đó hơn 4.500 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, trên 800 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 4 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học và 10 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết tinh giản biên chế với gần 3.750 người, trong đó trên 3.700 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, gần 480 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 2 người hưởng chính thôi việc sau khi đã đi học và 3 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, tinh giản biên chế nhưng vẫn tổ chức thi tuyển công chức viên chức theo tinh thần giảm 2 người thi vào 1 người (Ảnh minh họa) |
Tại hội nghị trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: “Tinh giản biên chế từ trước đến giờ chỉ đơn thuần, giải quyết chế độ chính sách là chủ yếu. Đợt tinh giản biên chế lần này thực hiện đồng bộ các giải pháp kể cả tổ chức bộ máy, vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tuyển dụng, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện các chính sách tinh giản biên chế... Trong tinh giản biên chế lần này trách nhiệm của người đứng đầu được phát huy cao nhất. Bởi vì các kế hoạch, đề án về tinh giản biên chế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt trở thành chỉ tiêu mang tính pháp lý gắn liền với đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận định nếu các bộ, ngành, địa phương thực hiện không thận trọng thì ngành y tế, giáo dục không giảm được biên chế. Tinh giản biên chế mà vẫn thành lập thêm các đơn vị mới là không phù hợp. Bộ Nội vụ sau khi lấy ý kiến các địa phương sẽ trình Chính phủ. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tránh những thông tin chồng chéo trong việc tinh giản biên chế.
Thừa biên chế các ngành giáo dục, y tế
Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nhìn nhận tinh giản biên chế vừa khó vừa nhạy cảm. Tỉnh này đã lập danh sách 200 trường hợp tinh giản biên chế trong năm 2015. Cùng với đó là giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Sau khi xem xét, tỉnh nhận thấy một số đơn vị của các sở cần phải sáp nhập, sắp xếp lại nhưng khi đề nghị lên trung ương thì không được chấp thuận.
“Cứ “đụng” vào những trung tâm ở các sở, ngành địa phương thì các bộ, ngành trung ương có ý kiến ngay vì sợ mất hệ thống “chân rết” dưới cơ sở. Như ngành y tế, giáo dục có rất nhiều trung tâm trùng lắp, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập thừa hơn 20 người, không có việc làm” - ông dẫn chứng. Ông Linh cho biết quy định tinh giản biên chế hiện nay có một số trường hợp khó thực hiện như chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn, chuyên môn đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm…
Đồng quan điểm với ông Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, bà Đỗ Thị Minh Hoa, cho rằng tỉnh này có quá nhiều đơn vị sự nghiệp nên gặp khó khăn trong việc tinh giản, đặc biệt là ngành y tế và giáo dục. “Chúng tôi rà soát để giảm bớt những đơn vị này nhưng không nhận được sự ủng hộ của các bộ, ngành thì làm sao giảm biên chế?” - bà Hoa bày tỏ.
Các đại biểu ở TP HCM và TP Hải Phòng cũng nhất trí với việc tinh giản biên chế ở ngành y tế và giáo dục vì nơi này có nhiều cán bộ, công chức dư thừa.
Ý kiến bạn đọc