(VnMedia) - “Rùa đã trở thành biểu tượng ở Hồ Gươm từ nhiều năm qua nên hồ không thể không có rùa. Tôi đề nghị nên đưa cá thể rùa ở Đồng Mô về để thay thế “cụ” rùa đã chết ở Hồ Gươm”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Hình ảnh cụ rùa nằm phơi nắng bên Tháp Rùa đã trở nên thân thuộc với người dân Thủ đô |
Từ tối qua, trước thông tin về “cụ” rùa Hồ Gươm chết, nhiều người dân đã bày tỏ nỗi buồn cho một biểu tượng của Hồ Gươm. Hình ảnh về những “kỷ niệm” đối với “cụ” rùa đã được đăng tải khá nhiều trên các trang cá nhân, kèm theo đó là những bày tỏ cảm xúc nuối tiếc cho một Hồ Gươm mai này sẽ không còn bóng dáng “cụ” rùa nổi lên phơi nắng.
Trong tâm trí của người Hà Nội và du khách, “cụ” rùa luôn gắn liền với Hồ Gươm, và Hồ Gươm cũng gắn liền với hình ảnh “cụ” rùa. Chính vì vậy, với nhiều người, Hồ Gươm không thể không có “cụ” rùa.
"Tôi đã từng được tận mắt chứng kiến hình ảnh "cụ" rùa nổi ở Hồ Gươm và tôi thấy thật sự ấn tượng. Khi đó, tôi thấy hầu hết mọi người có mặt ở hồ đều hết sức quan tâm đến "cụ". Ai đó có thể nói rằng "cụ" rùa này thực ra cũng chỉ là một sinh vật bình thường, nhưng với tôi, "cụ" rùa đã là một cái gì đó hết sức gần gũi. Tôi không hình dung được khi đi qua hồ Gươm mà không còn cảm giác là có một sinh vật linh thiêng như vậy đang sống ở đó." - bà Hương, một người dân ở quận Đống Đa chia sẻ.
Cũng giống như bà Hương, nhiều người cho rằng, Hồ Gươm không thể không có "cụ" rùa, và đây cũng là ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng trước cái chết khá bất ngờ của rùa Hồ Gươm.
Theo thông tin trên từ Dân Việt, ngày 20/1, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông đang đi công tác nhưng cũng đã nắm bắt được thông tin “cụ” rùa ở Hồ Gươm đã chết. Theo GS, “Rùa đã trở thành biểu tượng ở Hồ Gươm từ nhiều năm qua nên hồ không thể không có rùa.”
“Tôi đề nghị nên đưa cá thể rùa ở Đồng Mô về để thay thế “cụ” rùa đã chết ở Hồ Gươm” - GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Lý giải về đề xuất này, GS cho rằng, năm 2012, Giám đốc Chương trình rùa châu Á, ông Douglas Hendrie khẳng định đã làm xét nghiệm AND rùa Đồng Mô tại Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật và kết quả xét nghiệm cho thấy rùa Đồng Mô cùng loài với rùa Hồ Gươm.
Cá thể rùa Đồng Mô |
Vừa là để bảo tồn, vừa là để duy trì nòi giống rùa Hồ Gươm, các nhà khoa học cũng đã từng có ý định tìm “hậu duệ” cho “cụ”. Tuy nhiên, việc tìm cá thể cùng loài để lai giống với rùa hồ Gươm để bảo tồn loài vật thiêng là không dễ và cuối cùng, “cụ” rùa đã chết mà chưa có rùa nào “nối dõi”.
Trước đó, sau nhiều năm tìm kiếm, các chuyên gia cũng khoanh vùng được một hồ nước rộng tới hơn ngàn ha ở thị xã Sơn Tây có nhiều dấu hiệu xuất hiện rùa khổng lồ và cuối cùng, họ đã tìm được một cá thể rùa như GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Hiện chưa biết đề nghị của GS Nguyễn Lân Dũng đã đến được với UBND Thành phố hay chưa và rùa Đồng Mô liệu có phù hợp để đưa về sống trong môi trường nước hồ Hoàn Kiếm hay không.
"Cụ" rùa Hồ Gươm đã chết chiều qua (19/1). Ngay khi nhận được thông tin, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã có mặt để chỉ đạo giải quyết. Trong cuộc họp khẩn tối cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển xác “cụ” rùa Hồ Gươm về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để nghiên cứu và bảo quản lâu dài.
Cụ Rùa Hồ Gươm vừa chết nhỏ hơn cụ Rùa đang được ướp xác trong Đền Ngọc Sơn. Năm 2011, sự sống của cụ Rùa tưởng chừng đã kết thúc khi cụ bị thương lở loét và nguyên nhân được cho là do nước hồ ô nhiễm nặng. Sau đó, Thành phố đã phải cách ly cụ Rùa để làm sạch nước hồ. Kể từ thời gian đó, tần xuất xuất hiện trên mặt nước của cụ Rùa ít hẳn. PGS Hà Đình Đức cho biết, lần cuối "cụ" rùa nổi lên là từ 10h đến 12h ngày 21/12/2015.
Ý kiến bạn đọc