6 tin phản ánh tham nhũng qua đường dây nóng đang được xử lý

15:21, 07/01/2016
|

Từ những cuộc gọi và tin nhắn tố tham nhũng, đã có 6 nguồn tin được Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đang làm, đề xuất Tổng thanh tra tiến hành thanh tra.

Thông tin trên được ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết sáng 7/1. 

Cũng theo ông Đạt, qua 25 ngày, 3 đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhận được 329 cuộc điện thoại và tin nhắn từ 27 địa phương và 12 bộ, ngành, toàn diện trên các lĩnh vực. 

Phản ánh về tham nhũng chủ yếu là đất đai, khoáng sản; thuế, ngân hàng, tài chính, công tác cán bộ; lực lượng cơ  quan công quyền trực tiếp xử lý vụ việc có dấu hiệu mãi lộ, nhận hối lộ (cảnh sát, TTGT, kiểm lâm, thuế vụ, quản lý thị trường, tiếp công dân)…); xuất nhập khẩu và “chạy” việc làm; xây dựng công trình, dự án, thực hiện chính sách xã hội…

Trong đó, 160 tin (gần 50%) phản ảnh có sai phạm thuộc chức năng địa phương, bộ, ngành do người dân chưa hiểu quy định về thẩm quyền nên Cục đã giải thích, hướng dẫn cho người dân phản ánh đúng địa chỉ để giải quyết nhanh nhất những vấn đề phản ánh.

120 tin (30%) phản ánh có dấu  hiệu sai phạm tham nhũng, tiêu cực của các ngành, địa phương, Cục ghi nhận và đề nghị cung cấp thêm tài liệu để trực tiếp trao đổi với ngành, địa phương xử lý thông tin.

Đặc biệt 40 tin (trên 15%) có cơ sở dấu hiệu tham nhũng. “Đây là việc thuộc chức năng của Cục, phải trực tiếp phải xử lý báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ hoặc chuyển cơ quan chức năng khác phối hợp xử lý. Trong đó 6 nguồn tin đang xử lý có thể phải đề xuất Tổng Thanh tra Chính phủ xử lý nghiêm”, ông Phạm Trọng Đạt cho biết thêm.

Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ
Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ

Trong số các nguồn tin đã nhận được: khoảng 50% đã được cơ quan thanh tra chuyển cho các cơ quan chức năng khác theo thẩm quyền; khoảng 30% phản ánh dấu hiệu sai phạm thuộc các ngành, các địa phương, cơ quan ghi nhận, đề nghị chuyển thêm tài liệu; khoảng 15% có cơ sở dấu hiệu tham những, tiêu cực thuộc chức năng của Cục chống tham nhũng trực tiếp xử lý.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo Tổng thanh tra, tiến hành các biện pháp theo quy định, có thể là thanh tra hoặc nếu thuộc chức năng cơ quan khác thì chuyển cơ quan đó. Đã có 6 nguồn tin chúng tôi đang làm, có tính khả thi, đề xuất Tổng thanh tra tiến hành thanh tra” -  ông Đạt nói.

Cả năm phát hiện vài trường hợp kê khai tài sản không trung thực

Về đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, ông Đạt cho biết, đề án muốn thực hiện được thì phải luật hóa, “chúng ta thực hiện theo luật pháp chứ không phải thực hiện theo đề án”.

Đến nay đề án này đã có một số sự thay đổi, theo đó đối tượng kê khai phải gọn lại, nếu cứ để hơn 1 triệu người kê khai mỗi năm thì không quản lý nổi. Người ta nói hình thức là đúng.

Một vấn đề nữa là đã kê khai thì phải công khai, muốn công khai thì phải xác minh tính trung thực, đó là những vấn đề cần đưa vào luật.

“Cả một năm mới phát hiện được một vài trường hợp không trung thực là không đúng thực tế. Bây giờ chúng tôi đang tích cực làm đề án, cùng với tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, sau đó trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật thì chắc chắn giải quyết được vấn đề này” - ông Đạt cho biết.

Theo ông Đạt, việc công khai tài sản thu nhập, theo quy định hiện hành thì công khai ở cơ quan đơn vị với hình thức niêm yết hoặc công khai trong cuộc họp.

Sẵn sàng nghe máy suốt ngày suốt đêm

Theo ông Đạt, thời gian qua dư luận quan tâm đường dây nóng tiếp nhận thông tin tiêu cực, tham nhũng có tác dụng gì, tới đây có duy trì thường xuyên không và người nghe điện thoại có chịu áp lực không.

Ông Đạt nói mong muốn khi công bố đường dây nóng là để thu thập đươc nhiều nguồn tin thực tế, giúp cho công tác nghiên cứu, đề ra giải pháp, tham mưu phục vụ quản lý nhà nước tốt hơn. Trong những trường hợp cụ thể thì người dân, nhất là các bộ, công chức, viên chức làm việc trong các lĩnh vực và trên mọi miền đất nước là những người nắm rõ thông tin thực tế nhất, vì vậy đường dây nóng thiết lập ra để nắm bắt các thông tin này.

“Tới đây tiếp tục làm, tôi có thể hy sinh máy điện thoại của mình, nghe suốt ngày, suốt đêm cũng chấp nhận. Mục đích là phục vụ công tác quản lý nhà nước sao cho tốt. Chúng tôi đã báo cáo Tổng thanh tra Chính phủ, sau này xây dựng một bộ phận chuyên môn tiếp nhận nguồn tin này, ví dụ như Bộ Công an có bộ phận tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm, ở đây chúng tôi là tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm về tham nhũng, hướng tới chuyên sâu như mô hình của Singapore, Hàn Quốc” - ông Đạt nói.


Ý kiến bạn đọc