(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký Quyết định công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2015. Cụ thể như sau:
1. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã đóng góp tích cực vào việc đạt được Thỏa thuận Paris. Đây là thỏa thuận lịch sử sau hơn 20 năm đàm phán của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước thềm COP21, Việt Nam đã công bố Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) khẳng định cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đoàn Việt Nam tại một phiên họp toàn thể COP21 (Pháp) |
2. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua. Lần đầu tiên Luật được ban hành là công cụ quan trọng để quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
3. Luật Khí tượng thủy văn được Quốc hội thông qua. Lần đầu tiên toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước được điều chỉnh bằng Luật, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
4. Đại hội Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường lần thứ III nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành công tốt đẹp. Đại hội với chủ đề “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng ngành tài nguyên và môi trường chính quy, hiện đại, hội nhập vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
5. Đại hội Biển Đông Á lần thứ V tổ chức tại thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương - Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015”. Bộ trưởng các quốc gia Đông Á đã thông qua Thỏa thuận Đà Nẵng và một số văn kiện quan trọng như Chiến lược cập nhật phát triển bền vững Biển Đông Á; Mục tiêu chiến lược sau năm 2015 trong khu vực, góp phần thiết lập Chương trình nghị sự phát triển bền vững biển Đông Á.
6. Các Quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn trên các lưu vực sông lớn, quan trọng được Thủ tướng Chính phủ ban hành là công cụ pháp lý cơ bản để thực hiện cơ chế phối hợp vận hành điều tiết liên hồ trong việc cấp nước cho hạ du mùa cạn, bảo đảm sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước của các hồ chứa trên các lưu vực sông.
7. Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ XIII, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV và các sự kiện liên quan được tổ chức tại Hà Nội. Các Hội nghị đã tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong khu vực và tại Việt Nam nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam đối với quốc tế.
8. Đại hội Thi đua yêu nước ngành tài nguyên và môi trường lần thứ III giai đoạn 2016 - 2020 thành công tốt đẹp. Đại hội đã tổng kết, đánh giá kết quả của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2015; tuyên dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, trong đó đặc biệt quan tâm đến địa phương, cơ sở và người lao động trực tiếp; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục đổi mới phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Ngành.
9. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập và đi vào hoạt động. Qua đó, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất được thực hiện đơn giản, thuận tiện theo cơ chế một cửa; hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai được cập nhật chỉnh lý thường xuyên, kịp thời; đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
10. Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam) được công bố. Đây là báo cáo toàn diện nhất về cực đoan khí hậu, rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, giới thiệu hệ thống quản lý rủi ro thiên tai và cực đoan khí hậu ở Việt Nam hướng tới một tương lai có sức chống chịu và bền vững.
Ý kiến bạn đọc