(VnMedia) - Báo cáo điển hình tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 9, đại diện Bộ Quốc phòng đã kể những câu chuyện hết sức xúc động của những chiến sĩ Vùng 4 Hải quân trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân - đại tá Nguyễn Công Sơn báo cáo tại Đại hội |
Vùng 4 Hải quân đóng quân và làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo trọng yếu, đó là Căn cứ quân sự Cam Ranh và quần đảo Trường Sa. Đây là một vùng trọng điểm, là căn cứ quân sự rất quan trọng của Hải quân, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị và Quốc phòng - An ninh của đất nước.
Quần đảo Trường Sa và Căn cứ Cam Ranh là những nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, quanh năm nắng gió, mưa bão. Khu vực Cam Ranh là nơi tập trung các lực lượng hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân; phạm vi vùng biển Vùng 4 được giao quản lý rộng. Những năm gần đây, tình hình khu vực biển, đảo được phân công có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, có lúc nguy hiểm… Tình hình đó đặt ra cho Vùng 4 những nhiệm vụ mới, yêu cầu đòi hỏi cao hơn.
Báo cáo tại Đại hội sáng nay, 7/12, Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân (Bộ Quốc phòng) cho biết, Vùng 4 được giao nhiệm vụ thường xuyên làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; bảo vệ trọn vẹn, vững chắc chủ quyền biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc, trong đó phải giữ vững chắc 21 đảo và 33 điểm đóng quân trên Quần đảo Trường Sa; vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế biển, hỗ trợ cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển và nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; đồng thời phải xây dựng Vùng tiến thẳng lên hiện đại trong lộ trình phát triển của Quân chủng Hải quân.
“Chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình và phát triển, nhưng “biên giới mềm” trên biển của Tổ quốc luôn bị các thế lực nhòm ngó và xâm phạm, vì vậy những người chiến sĩ Hải quân chúng tôi luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường trước những diễn biến phức tạp, những tình huống hiểm nguy trên các vùng biển đảo" - Đại tá Nguyễn Công Sơn nói.
Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân tự hào cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, hiện nay 100% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, không giao động trước những khó khăn, hiểm nguy, dám chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Điều này đã được thực tiễn chứng minh, nhiều lần tàu thuyền, phương tiện của nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta, dù diễn biến có căng thẳng, gay go, khó lường, nguy hiểm đến mấy, theo lệnh của trên, toàn Vùng luôn chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; không một cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện giao động, do dự, lo lắng; dù ngày thường hay ngày lễ tết, đêm khuya hay sáng sớm, tất cả có lệnh là lên đường, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.” – Đại tá Nguyễn Công Sơn khẳng định.
Theo Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân, cũng từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng các cấp, nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh kiên cường, dũng cảm, khôn khéo, linh hoạt trên thực địa, sẵn sàng hy sinh thân mình để cản phá tàu thuyền, phương tiện đối phương xâm nhập vùng biển của ta.
Điển hình là Thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, thiếu tá Lê Minh Phúc, mặc dù bị thương nặng do tàu nước ngoài đâm va, trên người 8 vết thương, đứt động mạch cánh tay, máu chảy đầm đìa, nhưng ngay sau khi được đồng đội sơ cứu bằng 15 mũi khâu, người đang bị choáng do mất nhiều máu, anh vẫn giữ vững vị trí chỉ huy tàu cản phá, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.
Đó là cán bộ, chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông, trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014, khi chuẩn bị đến bữa cơm tất niên trên đảo, lực lượng trực canh đảo phát hiện tàu nước ngoài tiến vào đảo, xâm phạm chủ quyền của ta, toàn đảo phát lệnh báo động chiến đấu, điện báo cáo Sở Chỉ huy các cấp, gác lại bữa cơm 30 tết… chỉ huy đảo quyết định tăng cường lực lượng quan sát, tổ chức lực lượng theo dõi, phát hiện mọi động thái bất thường, ngang ngược của tàu nước ngoài, đồng thời hạ xuồng CV, triển khai lực lượng tuyên truyền đặc biệt, phối hợp với tàu trực cơ động tiếp cận, dùng cờ tay, loa tuyên truyền, kiên trì, kiên quyết xua đuổi buộc tàu nước ngoài cơ động rời khỏi khu vực. Đây là một tình huống trong vô vàn các tình huống phức tạp trên biển mà bộ đội Trường Sa thường phải đối mặt…
Theo Đại tá Nguyễn Công Sơn, những năm về trước, việc tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta rất nghiêm trọng, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa, bằng số lượng đông, trang bị hiện đại...tàu thuyền nước ngoài luôn tỏ thái độ ngang ngược và coi thường luật pháp quốc tế, co cụm, thách thức các lực lượng của ta. Nhưng với tinh thần kiên quyết tuyên truyền, xua đuổi, giữ vững đối sách, các lực lượng của Vùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh, làm sạch vùng biển, đẩy lực lượng tàu thuyền nước ngoài ra xa đảo. Đến nay, tỉ lệ tàu thuyền đánh cá của ngư dân và các lực lượng của ta đã chiếm ưu thế trên các khu vực biển, đảo Trường Sa, vừa làm nhiệm vụ đánh bắt, vừa tham gia đấu tranh, vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Ông cũng tự hào cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và đồng bào cả nước, Quân chủng Hải quân, Vùng 4 đã không ngừng phát triển lớn mạnh và trưởng thành cả về biên chế tổ chức, lực lượng, phương tiện. Vùng đã tiếp nhận, huấn luyện làm chủ và nhanh chóng đưa vào đội hình chiến đấu nhiều tàu, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật mới như: tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tiến công nhanh, tàu pháo, tàu vận tải đổ bộ đa năng, tàu quân y, tàu chở khách; Rađa tầm xa hay tên lửa bờ hiện đại. Hàng năm, Vùng 4 thường xuyên phối hợp hiệp đồng, tổ chức huấn luyện, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp có bắn đạn thật trên biển trong nhiều điều kiện sóng gió, cùng với các đơn vị trong cụm lực lượng để hoàn thiện các phương án chiến đấu.
Trong 5 năm qua, tập thể cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân tự hào vì đã hoàn thành được nhiều việc mới, việc khó. Năm 2011, Lữ đoàn tàu mặt nước 162 được Quân chủng giao chỉ tiêu phải làm chủ lớp tàu Gepard 3.9 trong thời gian 6 tháng. Với quyết tâm cao, Lữ đoàn đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đua đuổi vượt cùng thời gian, làm chủ từng phần, từng loại trang bị, vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Nhờ đó, không chỉ tiếp nhận, làm chủ vững chắc các lớp tàu hiện đại, mà còn tổ chức được nhiều kíp tàu mẫu đi huấn luyện cho các vùng bạn.
Để đảm bảo yêu cầu tác chiến trên biển, Lữ đoàn tên lửa bờ 685 với trang bị mới, tính cơ động cao, hỏa lực mạnh cũng đã ra đời. Tuy thời gian chuyển giao công nghệ ngắn, nhận thức của bộ đội không đồng đều, nhưng Lữ đoàn đã quyết tâm nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học qua học hỏi chuyên gia, tự đào tạo tại chỗ, xây dựng mô hình câu lạc bộ... Tổ chức huấn luyện cơ động nhiều tháng liền trên biển, đảo; kết quả, đơn vị đã bắn đạn thật tên lửa trúng bia chính xác, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng khen ngợi. Vùng cũng thường xuyên duy trì tổ chức và tham gia tốt các hội thi, hội thao của các cấp, qua đó giúp bộ đội ôn luyện kiến thức, duy trì tình trạng kỹ thuật cao cho vũ khí trang bị.
Đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 9 |
Theo lời kể của người Phó Chính ủy, ở Vùng 4 hiện nay, không ít cán bộ tàu, hải đội, thậm chí cán bộ cấp trung, lữ đoàn tuổi đời còn rất trẻ, là những tấm gương sáng về năng lực chỉ huy, lãnh đạo, cùng với sự khiêm tốn, giản dị, tự học tự rèn, họ đã tiếp cận, nhanh chóng làm chủ VKTBKT tàu thuyền. Từ những người chỉ huy trẻ tự tin đó, các biên đội tàu của vùng đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ, có cả những chuyến tuần tra chung, phối hợp diễn tập tìm kiếm cứu nạn và giao lưu với Hải quân các nước trong khu vực, tăng cường niềm tin, sự hiểu biết với bạn bè quốc tế, thể hiện năng lực đi biển xa và nâng cao vị thế của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
“Năm 2014, biên đội tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Việt Nam chính thức vượt đường xích đạo, vươn ra biển lớn. Và tới đây, đầu năm 2016, một hành trình tiếp theo của tàu hộ vệ tên lửa Hải quân sẽ vượt trên 5000 hải lý, băng qua Ấn Độ Dương tham dự lễ duyệt binh tàu quốc tế tại Ấn Độ và thăm đất nước Singapo tươi đẹp, tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc, sánh vai cùng bè bạn năm châu và trong khu vực.”- Phó Chính ủy Nguyễn Công Sơn tự hảo cho biết.
Ngoài việc đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, việc cứu dân, giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sỹ, là nhiệm vụ chiến đấu. Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị Vùng 4 thường xuyên làm tốt công tác dân vận. Các tàu, các đảo trên quần đảo Trường Sa đã tạo điều kiện cho trên 20.000 lần chiếc tàu cá của ngư dân ra đánh bắt hải sản khu vực quần đảo Trường Sa; tìm kiếm cứu nạn 220 tàu cá của ngư dân với hơn 4.700 lượt người gặp nạn trên biển.
Đặc biệt, năm 2013, trong cơn bão số 14 (Haiyan), trong điều kiện sóng to, gió lớn, đêm tối…, cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây đã tổ chức đưa 64 tàu cá với gần 800 ngư dân vào tránh trú bão an toàn, cung cấp thuốc men, quần áo, lương thực thực phẩm cho bà con.
Trong 3 năm, từ 2013 đến nay, kíp quân y các đảo đã cấp cứu trên 250 ca, khám chữa bệnh và cấp thuốc cho trên 1000 lượt ngư dân. Nhiều trường hợp bệnh nặng, sau khi sơ cứu an toàn, đã được máy bay, tàu của Quân chủng Hải quân đưa về bờ cứu chữa kịp thời. Cũng có những ca cấp cứu trên đảo, những ca mổ khó, được sự giúp đỡ của đất liền, các kíp quân y đã nỗ lực cứu chữa, bảo toàn tính mạng cho bộ đội và nhân dân trên đảo và bà con ngư dân ta.
Hình ảnh tàu bệnh viện 561 với những chuyến khám chữa bệnh dài ngày trên quần đảo Trường Sa, cùng máy móc khám chữa bệnh hiện đại càng giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trên biển.
Ghi nhận thành tích đã đạt được, liên tục từ 2010 đến nay, Vùng 4 Hải quân được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Cờ Thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác.
“Chúng tôi tự hào được là đơn vị điểm, là lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của những người lính biển. Chúng tôi tin tưởng những kinh nghiệm vượt khó trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu này sẽ hữu ích với các đơn vị trong toàn quân, cũng là bài học để giáo dục, rèn luyện, khơi dậy và vun đắp lòng yêu nước trong thời đại mới" - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân nói.
Ý kiến bạn đọc