Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kỳ vọng việc xe máy bật đèn khi lưu thông ban ngày sẽ giảm hơn 500 người chết/năm, nhưng có ý kiến phản bác, nói biện pháp không phù hợp, thậm chí có thể gia tăng tai nạn.
“Các bộ, ngành và các nhà sản xuất xe máy đang thảo luận về việc sử dụng công nghệ đèn tự động chiếu sáng phía trước của xe máy. Nếu nó được sự đồng thuận cao, đề xuất xe máy phải mở đèn ban ngày sẽ trở thành quy định bắt buộc” - ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia nói.
“Giảm hơn 500 người chết/năm”
Theo ông Hùng, hiện có 7/10 nước ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đã quy định bật đèn chiếu sáng phía trước. “Quy định trên giúp tai nạn giao thông (TNGT) ở những nước này giảm trung bình 25%. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN nên phải hài hòa tiêu chuẩn này với các nước trong khu vực. Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng việc áp dụng đèn chiếu sáng phía trước tại Việt Nam sẽ giúp giảm khoảng 10% TNGT (giảm từ 500 đến 600 người chết/năm - NV)” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, các loại xe máy được nhập khẩu từ Thái Lan đều có hệ thống đèn tự động chiếu sáng phía trước. Tuy nhiên, muốn thực hiện việc này, theo ông Hùng cần có lộ trình để chuyển đổi phụ tùng, công nghệ nhằm không phát sinh chi phí, xáo trộn cho người dân.
Nếu đề xuất được thông qua thì dù ban ngày, người đi xe máy vẫn bật đèn xe khi lưu thông, nếu không sẽ bị xử phạt. |
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng ở Anh thường xuất hiện sương mù dày đặc nên họ yêu cầu nhà sản xuất chế tạo đèn chiếu sáng tự động cả ngày lẫn đêm là hợp lý. Tương tự, ở Bắc Kinh (Trung Quốc) gần đây ô nhiễm nặng nên họ cũng cần sử dụng đèn chiếu sáng trên để giúp người tham gia giao thông quan sát tốt hơn. Tuy nhiên, đề xuất bật đèn chiếu sáng phía trước chưa phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam.
“Ở Việt Nam sương mù ít, mật độ không dày đặc, lái xe không bị cản trở trong việc quan sát và phát hiện các chướng ngại vật phía trước. Đặc biệt, Việt Nam có độ nóng cao, nhất là ở khu vực miền Trung, miền Nam số ngày nắng nhiều nên không cần phải bật đèn thường xuyên. Ngoài ra, nước ta đã áp dụng quy định bật đèn chiếu sáng trong điều kiện sương mù nên việc bổ sung này là không cần thiết” - ông Liên phản bác.
Ông Liên cũng cho rằng ban ngày độ sáng lớn, bật đèn gây lãng phí còn làm tăng nhiệt độ môi trường và đi ngược với chủ trương giảm thiểu ô nhiễm toàn cầu là đi ngược với quy luật của thế giới. “Các quy định phải cần thiết, phù hợp với thực tiễn mới được người dân đón nhận. Trước đây chỉ mỗi quy định xe taxi phải bật đèn nhưng vẫn không thực hiện vì các đơn vị cho rằng không phù hợp, các hãng taxi không đồng tình. Theo tôi, đề xuất này là không hợp lý và người dân sẽ khó hưởng ứng” - ông Liên dẫn chứng thêm.
Cần nghiên cứu kỹ Một số nước có quy định người điều khiển xe máy phải bật đèn chiếu sáng phía trước nhưng ở họ xe máy rất ít, chủ yếu là ô tô. Việc bật đèn khi có sương mù hoặc tầm nhìn xa bị hạn chế vào ban ngày là hợp lý. Tuy nhiên, ở nước ta hầu hết trời nắng chói chang, mọi vật quá rõ ràng thì bật đèn để làm gì? Tôi nghĩ trước khi ban hành thành quy định bắt buộc (gắn liền với nó là biện pháp chế tài nếu không thực hiện) thì biện pháp này cần được nghiên cứu kỹ. Bà NGUYỄN THỊ HẰNG, chung cư Đại Thanh, Hà Đông, Hà Nội Chi phí nhỏ, lợi ích lớn Đèn chiếu sáng chuyên dụng có tuổi thọ lớn, công suất rất nhỏ nên gần như không có ảnh hưởng đến ắcquy của xe. Về chi phí, nếu so với thiệt hại từ TNGT tại Việt Nam, một ngày đất nước có thể bị thiệt hại tới 300 tỉ đồng (tương đương 15 triệu USD/ngày) thì rõ ràng các chi phí ở giải pháp này quá nhỏ. Lợi ích tiềm năng mà nó đem lại rất lớn. Đương nhiên, quá trình triển khai chúng ta phải có đánh giá trước và sau giải pháp, tổng kết rút kinh nghiệm và điều chỉnh nếu cần. Ông TRẦN HỮU MINH, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia |
Ý kiến bạn đọc