Ngày 26/12, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Thới Bình (Cà Mau) ký văn bản xin tạm ứng kinh phí hơn 17 tỷ đồng để trả nợ lương và chế độ cho cán bộ, giáo viên của huyện.
Theo nội dung văn bản, trong thời gian ổn định ngân sách 2011- 2015, kinh phí được phân bổ cho sự nghiệp giáo dục không tăng, nhưng trong khoảng thời gian này, kinh phí cho sự nghiệp giáo dục phải chi thêm rất nhiều như: nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên, các khoản đóng góp, hỗ trợ 30% Bảo hiểm y tế cho học sinh, trợ cấp thôi việc cho giáo viên…
Vì vậy, tính đến hết năm 2015, huyện còn nợ chế độ cán bộ, giáo viên ít nhất là 5 khoản. Cụ thể, nợ chế độ phụ cấp ưu đãi và thu hút đối với nhà giáo ở xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn Hồ Thị Kỷ số tiền hơn 1,766 tỷ đồng; nợ chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo số tiền hơn 7,153 tỷ đồng; nợ tiền nâng lương từ 85% lên 100% cho giáo viên hợp đồng hơn 4,819 tỷ đồng; nợ trợ cấp thôi việc cho giáo viên hơn 499 triệu đồng; nợ 30% tiền Bảo hiểm y tế học sinh năm 2015 hơn 3 tỷ đồng.
Hết ngân sách, huyện Thới Bình xin tỉnh cho mượn để trả lương cho cán bộ, giáo viên của huyện. |
UBND huyện Thới Bình cho biết, tổng số tiền nợ 5 khoản trên là hơn 17,271 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách của huyện đang gặp khó khăn, không có kinh phí để chi trả các khoản nợ cho cán bộ, giáo viên. Do đó, huyện Thới Bình xin UBND tỉnh và Sở Tài chính xem xét cho huyện này tạm ứng kinh phí để trả nợ.
Văn bản nêu rõ: “Hiện nay, nguồn ngân sách của huyện đang gặp khó khăn, không có kinh phí để trả các khoản nợ nói trên”.
Trước đó, nhiều giáo viên ở trường tiểu học Trí Phải (xã Trí Phải) bức xúc vì ngành giáo dục huyện này chậm trả lương tháng 12. Một số giáo viên có hoàn khó khăn đã xuống gặp trực tiếp Phòng GD&ĐT huyện này để hỏi về vấn đề tiền lương… Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 26/12, các giáo viên vẫn chưa được nhận lương.
Việc UBND huyện Thới Bình xin tạm ứng ngân sách cho ngành giáo dục đã khiến dư luận huyện này hết sức hoang mang, bởi trước đó có nhiều thông tin cho rằng lãnh đạo ngành giáo dục huyện này đã lơ là trách nhiệm trong quản lý tài chính, dẫn đến một số hiệu trưởng của các trực thuộc lợi dục dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng ngân sách, với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Được biết, đây không phải là địa phương đầu tiên ở Cà Mau bị thâm hụt ngân sách dẫn đến nợ lương cán bộ, viên chức. Trước đó, TP.Cà Mau và huyện Cái Nước cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh này xin tạm ứng ngân sách với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng để chi cho “các vấn đề nóng” ở địa phương.
Điều đáng nói là những sai phạm tương lại diễn ra ở nhiều nơi, suốt thời gian dài. Cũng liên quan đến việc nợ lương cán bộ, giáo viên, không chỉ tỉnh Cà Mau mà tỉnh Bạc Liêu vừa qua cũng xảy ra tình trạng này. Theo đó, do xây dựng nông thôn mới dẫn đến thiếu hụt ngân sách, huyện Phước Long (Bạc Liêu) nợ lương hàng ngàn cán bộ, giáo viên trong nhiều tháng cuối năm 2015. Sau đó, huyện này phải "cầu cứu" đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu và tỉnh đã phải cho huyện "mượn" 50 tỷ đồng để giải quyết các khoản nợ lương, chế độ cho cán bộ, giáo viên của các trường.
Ý kiến bạn đọc