Sẽ có quy chế thi THPT quốc gia 2016 trước Tết Nguyên đán

09:46, 17/12/2015
|

(VnMedia) - Ngày 16/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, sẽ ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 trước Tết Nguyên đán.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại hội nghị trực lấy ý kiến đóng góp của 63 Sở GD&ĐT trên cả nước cho kỳ thi THPT Quốc gia 2016 hôm 16/12, nhiều ý kiến đều cho rằng nên duy trì kỳ thi THPT Quốc gia như năm 2015, đồng thời có hướng khắc phục những điểm hạn chế như đề thi, phần mềm quản lý thi, điểm ưu tiên.

Về tổ chức cụm thi, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nên tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh cho thí sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT như năm 2015. Như vậy, cần điều chỉnh cho thí sinh ở vùng giáp ranh giữa các cụm thi lựa chọn. Các tỉnh có điều kiện khó khăn, có thể đặt các điểm thi, kể cả các điểm thi do các trường ĐH chủ trì.

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ đề nghị Bộ GD&ĐT thống nhất vấn đề địa bàn giáp ranh các cụm thi để thí sinh di chuyển thuận tiện hơn. “Xin phép Bộ cho các địa bàn giáp ranh đảm bảo 1 cụm có từ 2 tỉnh trở lên” - bà Thắm đề xuất.

Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết năm 2016, thí sinh vùng giáp ranh sẽ được dự thi tại các cụm thi linh hoạt hơn và có xem xét từng trường hợp cụ thể. 

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho rằng kỳ thi 2016 cơ bản như năm 2015 để tránh những thay đổi quá lớn. Tuy nhiên việc tổ chức thi liên tỉnh, nếu vẫn tổ chức hai loại cụm thi nhưng cụm thi do các trường ĐH chủ trì nên xác định lại nơi tổ chức.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM lại cho rằng ở các địa phương thuận lợi, ít khó khăn thì nên để 1 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, chỉ tổ chức 2 cụm thi tại các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đi lại.

Đối với đề xuất tổ chức thêm cụm thi do trường đại học chủ trì ở hai tỉnh Hòa Bình và Kiên Giang, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ xem xét thêm.

Về ngày thi, tại hội nghị, nhiều ý kiến đến từ các Sở GD&ĐT cho rằng nên tổ chức trong 4 ngày như năm 2015, trong khi một số khác đề nghị rút xuống trong 3 ngày, thậm chí chỉ có 2 ngày. 

Vấn đề cộng điểm ưu tiên trong khâu xét tuyển kết quả tốt nghiệp và tuyển sinh cũng được các địa phương nêu lên. Theo đó, với mức phân loại trong đề thi THPT quốc gia 2015 không cao, trong khi thí sinh có điểm ưu tiên cao nhất lên đến 3,5 điểm, là quá thiệt thòi cho thí sinh không có ưu tiên. 

Trước các ý kiến khác nhau, Bộ GD&ĐT trả lời sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các trường và dư luận xã hội về phương án tổ chức thi. Sau đó, Bộ sẽ tổng hợp, thống nhất và hoàn thiện, sớm công bố quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2016 trước Tết Nguyên đán.


Ý kiến bạn đọc