"Kháng chiến trường kỳ, cũng như nhiều gia đình khác, tôi và ông nhà xa cách nhau thời gian rất dài. Bây giờ ông nhà tôi về hưu, chúng tôi mới có nhiều thời gian dành cho nhau", bà Trần Thị Kim Chi, nhiều người gọi thân mật là "Cô Sáu Chi", phu nhân nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tâm sự.
Bà Trần Thị Kim Chi, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết |
Giản dị trong chiếc áo túi đặc trưng của Nam Bộ, bà Trần Thị Kim Chi đã dành cho phóng viên buổi trò chuyện thân tình.
Thưa bác, đến giờ này bác có thấy mãn nguyện với cuộc sống không và mãn nguyện nhất điều gì?
Bà Trần Thị Kim Chi: Tôi thấy mình mãn nguyện rồi. Cuộc đời tôi từng trải đủ cả gian khổ, sung sướng. Đi từ xe ôm, xe cải tiến, xe quân sự, chuyên cơ, lội rừng băng suối, chết sống giữa bom đạn, xa chồng… ngọt bùi đã nếm đủ hết.
Là phu nhân của Chủ tịch nước, nhiệm vụ cũng nặng nề nhưng không mấy người biết lương của tôi thấp lắm, chỉ hưởng lương của công nhân thôi.
Ông nhà tôi về hưu, theo chế độ, nhà nước bố trí cho 4 bảo vệ, 2 lái xe. Riêng bác sĩ, do sức khỏe hai vợ chồng tôi ổn định, nên không cần thiết. Chỉ khi nào có đau ốm gì thì mới gọi bác sĩ đến, chứ để họ ở đây túc trực thì phí phạm nhân tài, riết cũng sợ họ "lụt nghề".
Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều chị em khác từng vào sinh ra tử nhưng hiện giờ có cuộc sống vẫn còn rất khó khăn.
Hiện nay, vợ chồng tôi hạnh phúc bên hai đứa con (một trai, một gái - PV) và các cháu. Ông nhà tôi về hưu, không còn gánh trọng trách, có thời gian dành cho gia đình. Bạn bè vẫn thường xuyên ghé thăm, gần như ngày nào nhà cũng có khách. Cuộc sống như vậy đã là quá vui rồi.
Bà Sáu Chi vào bếp, tự tay đổ bánh xèo, món ăn mà chồng bà rất thích. |
Bác có thể kể những lần tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ra nước ngoài trong vai trò một phu nhân?
Tôi nhớ chuyến đi thăm hữu nghị Hoa Kỳ. Hai vợ chồng tôi được phía Hoa Kỳ yêu cầu mỗi người đi một chiếc xe chống đạn để đề phòng bất trắc. An ninh bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Bên phía Việt Nam được mang theo 30 nhân viên bảo vệ. Đi với ông nhà tôi, các chú bảo vệ thường có thói quen mang theo xoong chảo, dao thớt, thực phẩm... bỏ trong mấy chục cái vali để sang nước bạn tự nấu ăn. Đi chuyên cơ của nguyên thủ, không bị kiểm tra, mới có thể mang theo được những đồ đó. Khách sạn của người ta sang trọng, nhiều lúc mình nấu ăn cũng bất tiện lắm, họ có nhắc nhở nhưng cũng thông cảm.
Ông nhà tôi thích ăn mắm, cá kho, những món ăn đồng quê... Khi sang thăm Mỹ, ông nhà tôi tham dự các tiệc chiêu đãi, nhưng tối về khách sạn vẫn thèm ăn cơm. Thường ông nhà tôi ăn chung với các nhân viên bảo vệ. Vậy mà ông ấy thấy ngon miệng với những món mang theo từ quê nhà qua, tự chế biến. Tôi cũng vậy, mỗi lần tiếp khách, đứng bắt tay cả trăm quan chức, rất mệt, không ăn uống gì nổi. Ăn những món mang từ quê nhà sang, tôi thấy ngon hơn.
Đi công du ở các nước Ả Rập, Nhật... thức ăn của họ không hợp khẩu vị lắm. Gần như hai vợ chồng tôi phải mang đồ ăn theo, cả mì gói, chà bông...
"Bây giờ ông nhà tôi về hưu, chúng tôi mới có nhiều thời gian dành cho nhau, chăm sóc nhau", bà Kim Chi tâm sự. |
Nói về chuyện ăn uống của nguyên thủ, thời bác Nguyễn Minh Triết đang đương chức, bác có bao giờ tự tay nấu ăn cho chồng?
Ông ấy ở Hà Nội, còn tôi vẫn ở Bình Dương nên khi nào ông nhà tôi về thì tôi mới nấu, còn ngoài kia đã có đầu bếp lo. Ông nhà tôi hay nhớ lại một chuyện, rất vui: Khi ở Hà Nội, không có người nếm thử thức ăn trước khi ông nhà tôi dùng. Nhưng khi về nhà, thức ăn do chính tay tôi nấu, thì lại có người đi theo, nếm thử, rồi ông nhà tôi mới được dùng.
Ông nhà tôi hay đùa: "Bộ mấy ông sợ tôi bị vợ tôi đầu độc hay sao mà ngoài Hà Nội không ai nếm thử thức ăn, về nhà lại có người nếm rồi mới chịu cho dùng?" (cười).
Sức khỏe của nguyên Chủ tịch nước hiện nay thế nào, thưa bác?
Ông nhà tôi khỏe. Vừa rồi ông muốn tự kiểm tra sức khỏe mình, cũng như muốn quay về kỷ niệm thời còn ấu thơ, đã nhảy ùm xuống con sông sau nhà, lội qua bờ bên kia. Không thấy mệt, nhưng lãnh đạo địa phương họ yêu cầu không được bơi như vậy nữa, rủi có chuyện gì xảy ra thì mất công họ (cười).
Bác có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với bác trai?
Đó là lúc tôi mang thai Minh An. Ông ấy đi kháng chiến, ở Tiền Giang, hai năm sau mới quay về. Đó là năm 1973.
Lúc ông về thăm, Minh An đã lẫm chẫm biết đi. Anh Nguyễn Hữu Thọ ở gần đó, cũng có đứa con trai (Nguyễn Minh Châu - PV) cỡ tuổi con trai tôi. Thế là có người trêu, bồng con anh Thọ qua, định đùa ông nhà tôi.
Với cảm nhận của người cha, ông nhà tôi biết đó không phải con mình, nói: "Mấy ông đừng có gạt tôi". Tôi ẵm Minh An ra, ông cười: "Thằng nhóc này mới là con tôi nè".
Kháng chiến trường kỳ, cũng như nhiều gia đình khác, tôi và ông nhà xa cách nhau thời gian rất dài. Đất nước thống nhất, ông ấy cũng cứ bận bịu công tác, đi miết, phải đến khi ông nhà tôi về hưu, chúng tôi mới có nhiều thời gian dành cho nhau, chăm sóc nhau.
Xin cám ơn bà!
Ý kiến bạn đọc