Hải Phòng: Chính quyền bán đất "khống", để dân 10 năm khốn khổ

07:14, 14/12/2015
|

(VnMedia) - Xã bán đất, có thu tiền, có hóa đơn đỏ nhưng tất cả chỉ là trên giấy. 10 năm không đòi được đất mặc dù đã nộp đủ tiền, hơn 200 người dân xã Tú Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng đang phải vật vã trong cảnh thuê mướn nhà ở tạm, còn xã thì đã tiêu hết tiền...

Họp báo vắng mặt lãnh đạo Thành phố

Như báo điện tử VnMedia đã có bài phản ánh về tình trạng hơn 200 người dân xã Tú Sơn đã bỏ tiền mua 249 lô đất của UBND xã Tú Sơn vào năm 2006. Toàn bộ số tiền người dân đã nộp cho xã là hơn 19 tỷ đồng. Điều đáng nói, người dân nộp tiền cho xã, có hóa đơn đỏ, có giấy tờ bàn giao đất…nhưng 10 năm nay, họ không nhận được đất, không có nhà để ở. Trong khi 19 tỷ đồng tiền bán đất đã được lãnh đạo xã Tú Sơn đầu tư xây dựng trường học, sân vận động, xây dựng đường xá…thì hơn 200 hộ dân xã Tú Sơn vẫn phải sống trong cảnh đi thuê, mướn nhà ở.

Vì bức xúc, 10 năm nay, bà con mua đất đã gửi đơn kiến nghị đến lãnh đạo TP Hải Phòng để xem xét giải quyết. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, Lãnh đạo TP đã qua thay đổi nhiều đời… nhưng việc giải quyết kiến nghị của người dân vẫn tiếp tục phải chờ.

Cuộc họp báo có rất đông các cơ quan báo chí... nhưng lãnh đạo TP Hải Phòng lại vắng mặt

Cuộc họp báo có rất đông các cơ quan báo chí... nhưng lãnh đạo TP Hải Phòng lại vắng mặt (Ảnh: Khánh An)

Cuối tuần qua, sau khi báo chí phản ánh về tranh chấp đất đai ở Tú Sơn, TP Hải Phòng đã đề nghị UBND huyện Kiến Thụy chính thức họp báo và công bố thông tin về sự việc. Tuy nhiên, về phía Lãnh đạo TP Hải Phòng – những người chịu trách nhiệm cao nhất lại không có mặt để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân.

Về phía Sở ngành trực thuộc có duy nhất 1 chuyên viên của Sở Tài nguyên và Môi trường - TP Hải Phòng đến dự và đọc báo cáo. Về phương án giải quyết, vị đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường hứa sẽ về báo cáo lại cấp trên.

Tại cuộc họp báo này, UBND huyện Kiến Thụy đã mời rất đông các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, việc vắng mặt những người có trách nhiệm cao nhất đã khiến nhiều cơ quan báo chí và người dân xã Tú Sơn thất vọng.

Bác Nguyễn Văn Giảng cho biết, ban đầu khi nhận được giấy mời họp, người dân Tú Sơn rất vui mừng phấn khởi. "Mọi người cứ nghĩ sau 10 năm chờ đợi, cuộc họp hôm nay sẽ đưa ra phương án giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, kết quả là chúng tôi vẫn phải chờ... và chúng tôi không biết là sẽ còn phải chờ đến bao giờ. Người dân muốn gặp Lãnh đạo TP để kiến nghị nhiều vấn đề và mong mỏi Lãnh đạo TP đưa ra được phương án chỉ đạo cụ thể. Thế nhưng, Lãnh đạo TP không đến dự thì ai sẽ là người lắng nghe ý kiến của người dân?" - bác Giảng nói.

Chị Cao Thị Thu - người dân Tú Sơn cũng bức xúc: "Nghe Lãnh đạo huyện nói, chúng tôi biết là mình sẽ vẫn phải  tiếp tục phải chờ đợi rất lâu. Trong khi đó, 10 năm nay, gia đình tôi phải sống trong cảnh không có nhà ở, tiền mua đất thì tôi phải đi vay nặng lãi. Chúng tôi chỉ có một nguyện vọng là trả lại cho tôi mảnh đất mà tôi đã mua để tôi xây tạm nhà cấp 4 cho các con tôi có chỗ ở".

Hệ lụy từ việc bán đất trái thẩm quyền

Theo UBND huyện Kiến Thụy, sự việc tranh chấp đất ở xã Tú Sơn xuất phát từ việc xã bán 249 lô đất trái thẩm quyền. Sau khi phát hiện ra sự việc, UBND huyện Kiến Thụy đã thanh tra và kết luận những sai phạm của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, UBND huyện Kiến Thụy chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hình sự đối với 7 cá nhân có vi phạm về quản lý đất đai, thu, chi tài chính ở xã Tú Sơn.

Ngay sau khi kết thúc điều tra, năm 2011, UBND huyện Kiến Thụy đã ra quyết định thu hồi 249 lô đất UBND xã Tú Sơn tạm giao đất ở trái thẩm quyền từ năm 2006-2010 và báo cáo UBND thành phố Hải Phòng về việc thực hiện thu hồi 249 lô đất tại xã Tú Sơn.

Đất người dân Tú Sơn hiện bị bỏ hoang trong khi nhiều gia đình không có chỗ ở
Đất người dân Tú Sơn hiện bị bỏ hoang trong khi nhiều gia đình không có chỗ ở

Tuy nhiên, vấn đề phát sinh, trong tổng số tiền 19 tỷ đồng mà UBND xã Tú Sơn đã thu của người dân, xã chỉ nộp kho bạc 6,3 tỷ đồng.  Số tiền còn lại là khoảng 13 tỷ đồng, UBND xã Tú Sơn không nộp vào Kho bạc Nhà nước mà chi tiêu ở địa phương, trong đó xây dựng một số công trình công cộng như trường học, sân vận động. Chính vì vậy, UBND huyện Kiến Thụy đã nhiều lần báo cáo với Lãnh đạo TP xem xét, có cơ chế đặc thù để giải quyết dứt điểm sự việc.

Trao đổi tại cuộc họp báo, ông Phạm Văn Thép, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, để xử lý dứt điểm được vấn đề này, chính quyền huyện đang gặp phải những vướng mắc, nếu căn cứ vào Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐCP; Điều 9 Nghị định số 45/NĐ-CP; Điều 18, Thông tư số 02/2015 của Bộ tài nguyên & Môi trường về quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ- CP thì những trường hợp đủ điều kiện (phù hợp với quy hoạch, đất đã sử dụng ổn định không có tranh chấp, đã xây dựng công trình, hộ gia đình, cá nhân không có đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất) phải nộp 100% tiền sử dụng đất vào ngân sách tại thời điểm công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCNQSD đất.

Trong 249 lô đất đã giao, có 74 lô đất các hộ dân đã xây dựng công trình, nhà ở đủ điều kiện về tiêu chí có công trình trên đất, lập hồ sơ chi tiết để thẩm định, xem xét công nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật hiện hành; Trên thực tế, 162 lô đất đã san lấp mặt bằng và 13 lô đất hiện đang sản xuất nông nghiệp không đủ điều kiện để xem xét giải quyết theo quyết định hiện hành.

Trước tình hình trên, UBND huyện Kiến Thụy đề xuất TP Hải Phòng giải quyết sự việc theo hướng: Cho phép giao đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân đã được UBND xã Tú Sơn tạm giao đất từ năm 2005-2010, đã nộp đủ số tiền sử dụng đất vào Kho bạc Nhà nước và ngân sách xã (kể cả có công trình xây dựng và chưa xây dựng công trình trên đất). Số tiền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân đã nộp vào ngân sách UBND xã Tú Sơn tại thời điểm giao đất, đề nghị xem xét công nhận áp dụng theo điểm b, khoản 1, Điều 8 của Nghị định số 45/2014/ NĐ - CP về thu tiền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, UBND huyện Kiến Thụy đề nghị TP Hải Phòng đề xuất với Trung ương cho chủ trương, biện pháp giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong việc giao đất tại xã Tú Sơn; chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND huyện Kiến Thụy, UBND xã Tú Sơn thực hiện và giải quyết kiến nghị phức tạp, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Tuy nhiên, mặc dù UBND huyện Kiến Thụy đã tham mưu đề xuất như vậy nhưng việc giải quyết vẫn phải chờ TP báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thủ tướng Chính phủ để xin cơ chế.


Ý kiến bạn đọc