(VnMedia) - Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 14/12, một số cử tri các quận Nam Từ Liêm đề nghị chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vi hành để xem xét các vấn đề dân sinh bức xúc.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời chất vấn cử tri quận Nam Từ Liêm |
Dân bức xúc nạn ô nhiễm môi trường
Cử tri Tôn Long Vinh (phường Tây Mỗ) bức xúc cho biết, hiện nay tình trạng ô nhiễm các con sông trên địa bàn Thành phố đang ở mức báo động. Đơn cử, con Sông Ngà chảy qua địa bàn phường Tây Mô trước đây nước trong vắt nhưng nhiều năm nay con sông này đã bị ô nhiễm nặng.
“Đề nghị Tân chủ tịch TP bớt chút thời gian về phường Tây Mỗ, đi kiểm tra thực địa về thực trạng ô nhiễm con sông này để có biện pháp xử lý ngay từ đầu nguồn nếu không sẽ xảy ra nhiều dịch bệnh” – ông Vinh nói.
Xót xa về tình trạng ô nhiễm môi trường dòng sông Nhuệ, một cử tri cho biết, Sông Nhuệ giờ đã thành màu mực tàu. Mức độ ô nhiễm quá nặng nên cá chết, người dân lấy nước tưới rau thì rau chết.
Cũng tại phường Tây Mô, cử tri Nguyễn Hữu Sản cho biết, làng Phú Đô hiện nay là rốn nước thải của TP. Nước bẩn tới mức mỗi lần thay đổi thời tiết dân đều ngột ngạt. Nhiều người dân trong làng đã phải vào bệnh viện Phổi để điều trị. "Chúng tôi càng kêu, khản tiếng, hết tiếng mà không ai trả lời." - cử tri Nguyễn Hữu Sản nói.
Nóng vấn đề đất đai, bồi thường
Ông Bùi Đăng Mạnh, cử tri huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết, sau thời gian công tác trong quân ngũ, về địa phương, bản thân ông luôn chấp hành và sống đúng nghĩa là công dân tốt. “Luật pháp rất bình đẳng với mọi người nhưng vấn đề tham nhũng của cán bộ ở xã Bình Minh chỗ tôi không hiểu vì sao không được xử lý. Có những vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng cũng không xử lý được”- ông Mạnh nêu.
Bà Lê Thị Hồng, P.La Khê, Q. Hà Đông cho biết, “8 năm nay gia đình chúng tôi bị thu hồi đất làm đường Lê Văn Lương nhưng không được bố trí nhà tái định cư. Nhà tôi có hai hộ gia đình, nhưng khi thực hiện thu hồi đất thì chính quyền phường La Khê không công khai, chỉ nói là đã bố trí tái định cư cho 15 hộ dân rồi. Tôi đề nghị thành phố bố trí tái định cư khẩn cấp cho gia đình tôi” - bà Hồng nêu ý kiến.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phượng (Q.Nam Từ Liêm), cử tri không chỉ bức xúc với những việc thiết thực mà còn bức xúc trước những vấn đề tham nhũng chưa được giải quyết.
“Vừa qua, cử tri thấy đã đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng lớn, nhưng vấn đề cử tri rất băn khoăn là khi tuyên án không thấy nói gì về tài sản thu hồi, thu hồi được bao nhiêu. Thậm chí có nơi cả trăm tỉ đồng thất thoát không thu hồi được, mà nếu không thu hồi được tài sản tham nhũng thì chuyện tuồn tài sản và của cải cho người thân rồi chấp nhận đi tù để con cái hưởng là dễ xảy ra. Vì vậy, phòng chống tham nhũng phải có giải pháp gì mới?” - ông Phương nêu câu hỏi.
Bà Lưu Thị Tâm (P.Mỹ Đình 2) thì đặt vấn đề với tân Chủ tịch Hà Nội về hướng giải quyết thực trạng phòng cháy tại chung cư tái định cư.
“Chúng tôi ở chung cư tái định cư mà rất lo lắng. Cháy chung cư gần đây xảy ra liên tiếp, đến lúc cháy mới lộ ra những vi phạm. Tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải xắn tay vào, có trách nhiệm cụ thể về công tác phòng cháy chữa cháy tại chung cư” - bà Tâm kiến nghị.
Bức xúc hơn, ông Vũ Đình Thụy (P.Mễ Trì) cho rằng nơi ông ở, người dân rất bức xúc về việc làm đường đi cho người dân thì khó, nhưng bố trí đất cho doanh nghiệp thì dễ.
“Có một khu đất có thể bố trí làm đường cho người dân được, nhưng rồi khu đất đó lại được giao cho một công ty sử dụng. Chúng tôi cho rằng nếu làm con đường thì cả trăm năm sau người dân vẫn ghi nhớ, nhưng để đất đó cho tư nhân thì thế hệ sau sẽ phán xử” - ông Thụy nói.
Cử tri nêu 32 vấn đề, Tân chủ tịch chỉ trả lời 2 việc
Tóm lược ý kiến của cử tri, đại diện Ủy ban MTTQ quận Nam Từ Liêm, chủ tọa phiên họp, cho biết có 17 cử tri đã phát biểu ý kiến về 32 vấn đề.
Phúc đáp ý kiến của cử tri sau đó, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lần lượt nhắc lại 32 vấn đề cử tri đã nêu.
“Hôm nay đã có 17 cử tri đã nêu ra 32 vấn đề, trong đó có 15 vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của Trung ương, Chính phủ và của Quốc hội, có 17 vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của thành phố, của quận…
Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc, ông Chung chỉ trực tiếp giải đáp hai nội dung về giải phóng phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư và việc chấn chỉnh tác phong, hình ảnh của người cảnh sát trật tự khu vực.
“Đúng là sau khi xảy ra các vụ cháy ở các khu chung cư, khi cơ quan điều tra vào cuộc, thanh tra thì đúng là có việc chất lượng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại các tòa nhà tái định cư và các chung cư được đầu tư kém chất lượng.
Có nhiều công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm định về phòng cháy chữa cháy. Đây là trách nhiệm các chủ đầu tư, và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giám sát đầu tư công trình. Tới đây thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết triệt để vấn đề này” - ông Chung nói.
Liên quan đến vấn đề xử lý người bán hàng rong trên vỉa hè, tân Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ, trong 2 năm qua Hà Nội thực hiện khẩu hiệu “năm trật tự văn minh đô thị”, trong đó có việc liên quan đến sắp xếp lại lòng đường vỉa hè. Đặc biệt, Thành phố cũng đã kêu gọi rất nhiều người dân không lấn chiếm lòng đường vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, làm mất mỹ quan đô thị của thành phố và ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
"2 năm qua thành phố đã làm rất quyết liệt công tác này. Thành phố cũng mong muốn các cử tri và người dân ủng hộ chủ trương này, thực hiện tốt trật tự văn minh đô thị, đồng thời chủ động tuyên truyền đến những người dân buôn bán, làm ăn trên vỉa hè không lấn chiếm vỉa hè, sắp xếp việc bán hàng của mình đảm bảo đúng quy định, trật tự, đó cũng là có trách nhiệm chung với cộng đồng” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.
Ý kiến bạn đọc