Bán trà đá bờ hồ vẫn có xe Camry làm hồi môn cho con gái

19:59, 03/12/2015
|

Cô con gái đi lấy chồng, thương cô út bao năm từ khi mới học cấp hai đã theo chân mẹ ở quán trà đá vỉa hè mà vẫn học giỏi nên người, bà tặng con món quà khủng. Vài chiếc ghế, hộp kẹo, cốc chén, chỉ cần một quán nhỏ nhưng thu nhập cũng đủ để nuôi cả gia đình, xây nhà tầng, tạo dựng cuộc sống cho con cái.

Dân bán trà đá bờ kè Hồ Tây vẫn kể cho nhau chuyện về bà Hưng trà đá nổi danh 20 năm nơi đây. Chị Thư, một người mới nhập nghề ở khu vực này sau khi mua lại chỗ bán của người khác với giá hàng chục triệu kể: "Tôi về đây thì bà Hưng mới nghỉ bán vì nhiều tuổi và con cái lớn có gia thất hết rồi. Nhưng ở đây không ai không biết bà Hưng".

"Hai năm hành nghề trà đá, quán bà Hưng luôn đông khách nhất vùng. Thu lời tốt, lại chi tiêu tiết kiệm, khéo đầu tư đất cát thêm... nên con cái lập gia đình ai cũng được bà cho vốn lớn. Riêng cô gái út, gắn bó phụ mẹ bán hàng lâu năm, ngày cưới về bên quận Đống Đa bà hồi môn luôn con Camry làm xe dâu lái về nhà chồng.

Trà đá ven hồ đắt hơn giá bình dân.
Trà đá ven hồ đắt hơn giá bình dân.

Đếm tiền triệu mỗi ngày

Theo tiết lộ của chị Mai  - chủ một quán vỉa hè trên hồ Tây, dịp nắng nóng cao điểm năm nay, chị kiếm được không dưới tiền triệu mỗi ngày, chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ, từ 20h đến 22h đêm, chị đã có tới 5 bàn khách ngồi uống nước, thu về 400.000 đồng.

“Mấy ngày nắng nóng, vợ chồng tôi bán không xuể, phải thuê thêm nhân viên”, chị cho hay. 

Người phụ nữ này cũng tiết lộ, ở những gia đình có mặt tiền để kinh doanh, không phải lấn chiếm vỉa hè, nên người ta bán thêm cả mía đá với giá 10.000 - 12.000 đồng/cốc, thu nhập còn “khủng” hơn nữa.

Chỉ cần một quán nhỏ nhưng thu nhập cũng đủ để nuôi cả gia đình, xây 4 nhà tầng khang trang. Không những thế, chị còn tích cóp mua được mảnh đất xây nhà cho thuê ở Cầu Diễn phòng tuổi già

Buổi tối được cho là khung giờ vàng của các quán nước vỉa hè ven hồ. Chỉ vài chiếc ghế nhựa, mấy chai nước, ít hoa quả, nhiều chủ quán tận dụng tối đa vỉa hè làm nơi trải chiếu, kê bàn ghế để kinh doanh. Người dân muốn có một chỗ hóng mát phải bỏ tiền uống nước với giá cao chẳng khác nào thuê chỗ. 

Đặc biệt, dịp nắng nóng kéo dài, lợi dụng nhu cầu hóng mát của người dân, các chủ quán thay nhau thu tiền của hàng. Nhiều người dân đến Hồ Tây chơi phải ngồi nền gạch, bãi cỏ hay ngồi chơi ngay trên xe máy, còn ghế đá bị các chủ quán cóc ngang nhiên chiếm làm nơi kinh doanh.

Đặc biệt nhờ dịch vụ thuê chiếu vào mùa hè, các chủ quán cũng kiếm thêm một khoản không nhỏ. Ngày thường, chị thuê chiếu với mức giá chỉ 30.000 đồng/chiếc nhưng hai tối cuối tuần, con số này lập tức nhảy vọt lên tới 50.000 đồng/chiếc.

Với số vốn ban đầu bỏ ra ít ỏi, công việc này vì thế bỗng chốc trở thành nghề “hốt bạc theo giờ” của nhiều chủ quán ven hồ.

Giá chát view hồ

Với lý do ven hồ, hầu hết các quán trà đá đều có mức giá cao như vậy. Quán nhỏ trên đường Trích Sài, ven hồ Tây, nếu không cảnh giác hỏi giá trước, khách có thể bị “chặt chém”, một cốc trà đá ở nơi khác có giá từ 3.000 đến 5.000 đồng thì trà đá ven hồ lên tới 10.000 - 20.000 đồng, hướng dương bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/đĩa.

Chỉ cách nhau chưa đầy 100m nhưng quán trà đá này lại có giá đắt hơn từ tiền nước tới tiền thuốc. Ghế nhựa, trà cũng không phải là loại hảo hạng gì, rất nhiều khách lạ tới đây đều thắc mắc nhưng cũng ngậm ngùi vì lý do đơn giản gần hồ.

Một cốc trà đá giá bằng nửa suất cơm trưa, không ít người dân phải bấm bụng mua chỗ để ngồi hóng mát ven hồ. Đoạn đường Thanh Niên ven Hồ Tây dài chưa đầy 1km đã có tới vài chục quán trà đá nằm san sát nhau. 

Hốt bạc nhờ dịch vụ thuê chiếu.
Hốt bạc nhờ dịch vụ thuê chiếu.

Giải thích lý do nước uống ở đây có giá cao như vậy, chủ quán nước ven đường cho rằng: “Ở đây ngồi thoải mái lại được ngắm cảnh hồ nên giá cũng cao hơn so với mặt bằng chung. Bán như vậy nhưng lời lãi có là bao. Người dân hầu như toàn ngồi hết cả buổi tối mới gọi được một ly nước”. Mặc dù giá đắt nhưng khách vẫn tới đông nên bà chủ không có ý định giảm giá. 

“Với 5.000 đồng/cốc trà đá, bán kèm thêm với một số loại kẹo ngọt khác như kẹo lạc, kẹo ngậm, kẹo cao su hoặc bánh rán… Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được trên dưới 1 triệu đồng. Có những hôm kiếm được tới gần 2 triệu đồng”, chủ quán nước ở hồ Láng Thượng chia sẻ.

Chị Nguyễn Minh Tú (Ba Đình, Hà Nội) kể lại, vì muốn tránh cái nóng ngột ngạt, chị và người yêu ra hồ Trúc Bạch ngồi hóng mát. “Tôi và bạn uống hai cốc trà đá và 1 đĩa hướng dương, khi đứng lên phải trả 60.000 đồng". Khi hỏi lại thì chủ quán mặt lạnh tanh bảo: "Ở đây quán nào giá cũng thế’, thế là đành chịu”" chị kể.  

Chính vì chỗ hái ra tiền nên các quán trà đá luôn có những cuộc cạnh tranh khốc liệt, những cuộc cãi cọ tranh giành nơi bán hàng ở đây diễn ra thường xuyên. Các quán nước ở đây đều hoạt động theo một luật riêng và được khoanh vùng rõ ràng cho từng cá nhân.


Ý kiến bạn đọc