Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển

12:38, 01/11/2015
|

(VnMedia) - Báo cáo chính trị của Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ Hà Nội đã nêu bật 10 thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô nỗ lực phấn đấu, đạt được trong 5 năm qua, trong đó thành quả nổi bật nhất chính là kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá.

Đại hội đảng bộ Hà Nội
Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc sáng 1/11

Sáng nay (1/11), Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc trọng thể với gần 500 đại biểu đại diện hơn 39 vạn đảng viên toàn Đảng bộ Thành phố tham dự.

Đại hội được đón các đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng cộng sản Việt Nam; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng cộng sản Việt Nam; Đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; và các đồng chí nguyên Chủ tịch nước; Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, tới dự.

Đại hội vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Đại hội vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước

Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khoá XV nói: "Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố Hà Nội đánh dấu chặng đường xây dựng, phát triển Thủ đô sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV, và sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, khẳng định bước trưởng thành và phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đẩy mạnh CNH - HĐH, chủ động hội nhập quốc tế."

Đồng chí Phạm Quang Nghị
Đồng chí Phạm Quang Nghị phát biểu khai mạc Đại hội

Đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận đóng góp được nhiều ý kiến xây dựng các Văn kiện Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và các dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng; Sáng suốt lựa chọn các đồng chí có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực; có tinh thần trách nhiệm cao; có tư duy đổi mới; những người luôn đặt lợi ích chung của Đảng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020; đáp ứng yêu cầu về số lượng và cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa đảm bảo có sự kế thừa, chuyển tiếp và phát triển, để có sự kết hợp tốt nhất về độ tuổi và kinh nghiệm giữa các thế hệ cán bộ; lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố.

Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển

Đúng 8h30, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XV.

Báo cáo nêu bật 10 kết quả nổi bật mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, đạt được trong 5 năm qua. Theo đó, thành quả nổi bật nhất chính là kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp 4,5%; các nhóm ngành trong cơ cấu kinh tế Thủ đô đều có mức tăng trưởng khá.

Đổng chí Nguyễn Thế Thảo
Đổng chí Nguyễn Thế Thảo uỷ viên trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XV

Tiếp theo, Báo cáo nhận định, thời gian qua, vấn đề quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng và có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; các tuyến đường, các trục chính đô thị và các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô; phát triển nhiều công trình lớn, hiện đại như: Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 7 cầu vượt trong khu vực nội đô. Triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - ga Hà Nội; nghiên cứu đề xuất, triển khai tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo...

Các thành tựu khác được báo cáo chú trọng nêu lên là: Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đời sống của nông dân Thủ đô tiếp tục được cải thiện; An sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao; Văn hóa tiếp tục phát triển; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả đáng ghi nhận; Khoa học và công nghệ được đẩy mạnh; giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng nguồn nhân lực được coi trọng; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững; quốc phòng và quân sự địa phương được củng cố, tăng cường; Hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao; Hệ thống chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp được củng cố, kiện toàn, hiệu lực quản lý, điều hành và chất lượng hoạt động được nâng lên; Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng, tạo được chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng cao...

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém, đồng thời phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó.

Cụ thể, về phát triển kinh tế, Báo cáo do đồng chí Nguyễn Thế Thảo trình bày thừa nhận, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp; trong số 19 chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội XV, có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng); tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn 5 năm trước. Thực hiện một số tiêu chí cơ bản tái cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu đề ra; kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám có giá trị gia tăng cao của các ngành kinh tế chủ lực chưa rõ nét....

Về công tác xây dựng và quản lý đô thị, Báo cáo chỉ rõ, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém. Việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành còn chậm và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh ra ngoài khu vực nội đô cũ chưa bảo đảm tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; trật tự, kỷ cương an toàn giao thông chuyển biến chậm; tỷ lệ giãn dân khu vực nội đô lịch sử còn thấp v.v...

Ngoài các nguyên nhân khách quan, Báo cáo cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại yếu kém như: Công tác dự báo chưa tốt, có mặt còn thiếu chủ động; Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, hiệu quả giải quyết công việc ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt; Một bộ phận cán bộ, đảng viên đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm kỷ luật của nhiều đơn vị cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, kết quả còn hạn chế; chưa có các biện pháp chế tài đủ mạnh trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời các sai phạm và biểu hiện tiêu cực xảy ra trên địa bàn Thủ đô…

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc