(VnMedia) - Đầu tháng 11, tại buổi lễ khai trương chi nhánh văn phòng giao dịch của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới do ông Trần Đức Trung và bà Lê Thị Hằng tổ chức tại Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội , PV có thấy một lẵng hoa chúc mừng chương trình ghi dòng chữ “Mr Tô Thế - Thứ trưởng Bộ Công an”.
Tuy nhiên, theo xác minh của PV, từ trước đến nay, Bộ Công an chưa từng có Thứ trưởng nào có tên Tô Thế. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Lãnh đạo Trung tâm cho trưng lãng hoa chúc mừng này mục đích chỉ để “khoe khoang” quan hệ với người dân nghèo nhằm chiếm được lòng tin của họ, sau đó dễ dàng “dụ dỗ” người dân đóng tiền ủng hộ cho Trung tâm.
Lãng hoa đề dòng chữ Mr Tô Thế - Thứ trưởng Bộ Công an |
Đây không phải là bằng chứng duy nhất mà phóng viên phát hiện được trong quá trình thực hiện các bài điều tra về những hoạt động bất minh của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, do nhà báo “dởm” Trần Đức Trung - Chủ tịch HĐTV và Lê Thị Hằng - Tổng giám đốc đứng đầu.
Việc mạo danh, lợi dụng uy tín của các nhà lãnh đạo cấp cao để trục lợi đã được ông Trung và bà Hằng thực hiện rất bài bản, nhằm chiếm được niềm tin của khoảng 50.000 nông dân nghèo trên 20 tỉnh thành tham gia đóng tiền. Số tiền đã thu ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Sử dụng hình ảnh Lãnh đạo làm “mồi”
Để tiếp thị cho hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, trong các bài diễn văn khai trương các điểm thu tiền, đại sứ gắn mác thiện chí Lê Thị Hằng luôn khoe khoang, Trung tâm này ra đời là tâm huyết của nhiều vị Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Thậm chí, bà Hằng còn cho biết, chương trình Trái tim Việt Nam của Trung tâm là chương trình của một vị lãnh đạo trong Quốc hội.
Không quên kèm theo bằng chứng để làm tin, bà Hằng và ông Trung đã cho in rất nhiều bức ảnh chụp chung khá mật thiết với những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước để phát cho các trưởng văn phòng giao dịch để đem về treo.
Bảng dán các bức thư tay của Lãnh đạo được trưng tại 1 điểm thu tiền của Trung tâm |
Qua quá trình xác minh thông tin, PV ghi lại được rất nhiều những bức ảnh chụp chung như vậy được treo tại các quầy thu tiền của Trung tâm đặt tại các chi nhánh thuộc tỉnh Thanh Hóa, Mê Linh, Bắc Giang… Kèm theo đó, các điểm thu tiền còn được Trung tâm trang bị cho hàng thùng thư tay của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Trung tâm này “tự chế”, tự nhân bản, tự scan chữ ký và con dấu để đem về phát cho nông dân làm tin.
Bản thân khi PV tiếp xúc với các trưởng chi nhánh thu tiền của bà Hằng cũng đã được nghe giới thiệu rằng: “Trung tâm này là của Chính phủ. Đây chị nhìn xem, toàn thư kêu gọi của các bác, có cả ảnh các bác chụp chung với Lãnh đạo Trung tâm đây. Chị cứ yên tâm đóng tiền, không sợ mất đâu”.
Tại một điểm thu tiền khác, PV còn được nghe anh trưởng văn phòng “tiếp thị”: “Lâu rồi, Nhà nước hỗ trợ cho bò, cho trâu. Bây giờ, không làm thế nữa mà áp dụng công nghệ mới theo kiểu nộp tiền ủng hộ cho Trung tâm sẽ được hỗ trợ lại gấp 5-6 lần số tiền đã nộp. Trước đây, làm từ thiện mọi người cứ lo tiền chảy vào túi người này, người kia, chứ làm theo cách của Trung tâm đóng tiền vào tài khoản là mọi người nhìn thấy hết ai được hỗ trợ. Cách này kiếm được nhiều tiền lắm, chả mấy chốc mà thoát nghèo. Một ngày chỉ mời được 10 người chơi là có 5 triệu rồi đấy”.
Không chỉ tiếp thị trực tiếp, mà Lãnh đạo của Trung tâm này còn làm công văn gửi kèm theo thư ủng hộ của Lãnh đạo Đảng xuống các tỉnh, thành để yêu cầu Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cấp dưới phối hợp công việc với Trung tâm. Nhiều lãnh đạo tỉnh thấy có thư kêu gọi của lãnh đạo cấp cao đã bị mắc bẫy.
Đối tượng đầu tiên mà Trung tâm này lợi dụng là Hội Nông dân các tỉnh. Ban đầu, Trung tâm chỉ đề xuất nhờ Hội nông dân tìm hộ những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để Trung tâm hỗ trợ tặng nhà tình nghĩa 50 triệu đồng, tặng sổ tiết kiệm, tặng phân vi sinh, thuốc thực phẩm chức năng… Sau đó, Lãnh đạo Trung tâm mới lân la làm quen và mồi chài chính các cán bộ, xã viên đang giữ chức vụ trong hội đồng nhân dân, hội nông dân xã và biến họ trở thành Thành viên giúp trung tâm “câu khách”.
Vì ham lợi, nhiều cán bộ “mắc bẫy” đứng ra thu tiền của bà con dân nghèo nộp cho Trung tâm. Hiện giờ, sợ người dân tố cáo, nhiều cán bộ đã phải bán nhà cửa, trâu bò để có tiền đền cho nông dân nhằm thoát khỏi cảnh tù tội.
Điều đáng buồn hơn, theo xác nhận của lãnh đạo nhiều xã Thiệu Long, Thiệu Hóa (Thanh Hóa), một số xã tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, nhiều đối tượng nghèo được Trung tâm này nhận hỗ trợ nhưng chỉ nhận được “biển chữ hỗ trợ 50 triệu đồng” và bìa sổ tiết kiệm do Trung tâm phát hành chứ không có tiền thật. Thậm chí, nhiều người còn tố cáo họ đã nộp tiền cho Trung tâm nhưng giờ muốn lấy tiền gốc ra cũng không được, chưa tính tiền lãi.
Lật tẩy lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ người nghèo thích mạo danh
Ngay sau khi phát hiện ra tình trạng này, Lãnh đạo Hội nông dân đã có văn bản hỏa tốc gửi Hội nông dân các tỉnh, thành để ngăn chặn, nghiêm cấm các hội viên tham gia tiếp tay huy động vốn của bà con nghèo cho Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới. Đồng thời, Hội nông dân cũng yêu cầu Trung tâm này phải hạ Thư kêu gọi ủng hộ “giả mạo” được treo trên các trang web chính thức của Trung tâm.
Kèm theo đó, lực lượng chức năng cũng yêu cầu Trung tâm này gỡ bỏ toàn bộ các bức thư kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành khác trên website và thực hiện việc xác minh nội dung, con dấu trong các bức thư này.
Hội nông dân yêu cầu Trung tâm chấm dứt việc mạo danh |
Chia sẻ với PV, Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, hội Nông dân Việt Nam, GS. Hoàng Chương - người đã từng nhận đỡ đầu cho chương trình Trái tim Việt Nam và rất nhiều lãnh đạo cao cấp khác đã không khỏi bất bình trước hành động lố bịch, “coi trời bằng vung” của ông Trần Đức Trung và bà Lê Thị Hằng.
Hầu hết các vị này cho rằng, khi bà Hằng và ông Trung đến trình bày về chương trình Trái tim Việt Nam, mọi người đều rất ủng hộ vì nói đến giúp đỡ cho người nghèo là nghĩa cử cao đẹp, ai cũng mong muốn làm. Nhưng, không ai có thể ngờ, bà Hằng và ông Trung lại lợi dụng việc đó để “lừa gạt” người dân.
Mới đây, trong quá trình xác minh thông tin, PV đã thu thập được nhiều tài liệu chứng minh bản chất lừa đảo của ông Trần Đức Trung. Năm 1993, Ông Trần Đức Trung đã từng bị kết án tù về tội danh làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan Nhà nước theo điều 211 - Bộ Luật hình sư.
Hiện tại, mặc dù, không phải là Tổng biên tập nhưng đi đâu ông Trung cũng hênh hoang giới thiệu là Tổng biên tập, phó tổng biên tập của nhiều tờ báo để tạo uy với nhiều cơ quan chức năng.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ nhiều địa phương, Bộ thông tin và truyền thông đã kiểm tra, xác minh và ra quyết định thu hồi một số trang tin tổng hợp có tên ông Trung đứng danh và thu hồi thẻ Nhà báo của ông Trần Đức Trung gửi cơ quan công an xác minh thẻ thật hay giả.
Hai "thánh kiện" của Trung tâm hỗ trợ người nghèo. |
Không dừng giả mạo Tổng biên tập, ông Trung và bà Hằng còn được giới báo chí phong “thánh kiện”. Bởi, đến giờ phút này, ông Trung và bà Hằng đã ký đơn tố cáo, kiện tụng hàng chục tờ báo và các phóng viên vì đã viết bài “lật tẩy” các hoạt động mờ ám của trung tâm. Ngay cả các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra các hoạt động của Trung tâm cũng bị các “thánh kiện” gửi đơn tố cáo.
Đi đến bất cứ cơ quan nào, ông Trần Đức Trung cũng mang chức danh Tổng biên tập “dởm” và tập đơn tố cáo để minh chứng cho sự trong sạch của bản thân. Tuy nhiên, những việc làm ăn khuất tất, lố bịch của ông Trung và bà Hằng cũng sẽ sớm được đưa ra ánh sáng.
Được biết, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng vào cuộc điều tra, làm rõ các vấn đề khuất tất trong hoạt động làm ăn của ông Trần Đức Trung và bà Lê Thị Hằng. Đây là điều mà dư luận cả nước đặc biệt những người dân nghèo đang rất trông đợi.
Ý kiến bạn đọc