“Tôi đã 2 lần đi Grab taxi, ưu điểm là giá rẻ và dễ gọi xe. Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh vận tải taxi lâu nay không ai nghĩ ra, không ai làm, đến nay mới có Grab đề xuất kiến nghị làm, đây là một hướng đi đúng”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đã cho biết như vậy tại buổi tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber” diễn ra sáng nay (24/11).
Rẻ và dễ gọi!
Việc tranh luận giữa Grab, Uber và các hãng truyền thống đã diễn ra khá lâu mà chưa có hồi kết. Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hà Nội có kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu tạm dừng hoạt động của 2 loại hình này, Hội nghị mới đây tổ chức ở Sở GTVT Hà Nội cũng có nhiều ý kiến phản đối gay gắt Uber và Grab. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, nhiều đã lựa chọn sử dụng Grab taxi, Uber và thấy hài lòng với dịch vụ kết nối vận tải này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết đã 2 lần đi Grab taxi. |
Là Thứ trưởng của cơ quan Bộ có chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GTVT, ông Lê Đình Thọ cho biết: “Tôi đã đi Grab taxi 2 lần, tôi thấy giá rẻ và dễ gọi xe. Rõ ràng việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Uber taxi cũng có nhiều ưu điểm, như: Giảm thời gian đợi xe của hành khách, giảm chi phí khâu trung gian, giảm giá cước vận chuyển và việc đi lại thuận lợi hơn. Điều này được dư luận đánh giá cao”.
Tuy nhiên, vị Thứ trưởng chuyên trách lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ cũng đưa ra những bất cập nhất định của Grab và Uber. Cụ thể, đã là kinh doanh vận tải hành khách phải có điều kiện, có tổ chức, trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng phải đảm bảo lành mạnh, hiệu quả hơn, nhưng ở đây thì chưa đáp ứng điều kiện đó; phần mềm của Uber, Grab khi liên kết với các đối tượng không hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải thì họ cũng vi phạm quy định của pháp luật.
“Một số xe cá nhân dùng phần mềm này để kinh doanh vận tải, tạo ra sự lộn xộn trong vấn đề kinh doanh, tạo nên một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Việc đón trả khách không đúng quy định cũng gây ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm ở một số thành phố lớn” - Thứ trưởng Thọ cho hay.
Nhiều người đặt câu hỏi về tính pháp lý của Grab và Uber, trong đó nhấn mạnh có phải là đơn vị kinh doanh vận tải hay chỉ cung cấp công nghệ? Grab và Uber có phải là taxi trá hình?
Vấn đề này được ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT - dẫn ra văn bản về đăng ký kinh doanh cho thấy: Uber không phải là đơn kinh doanh vận tải, Uber là đơn vị kinh doanh công nghệ đã được UBND TPHCM cấp phép, Uber đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý chung và quản lý thiết bị. Còn với Grab taxi, đơn vị này được UBND TP HCM cấp là dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ vận tải hành khách công cộng (trừ xe bus); Grab có chức năng kinh doanh vận tải khách đường bộ nhưng họ vẫn đang hoạt động như nhà cung cấp phần mềm kết nối là chính.
Riêng về Grab, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: “Có nhiều người hay nhầm gọi là Grab taxi nhưng thực chất nó là Grab Car. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 86 và Thông tư 63, taxi phải có đèn lắp trên nóc, đồng hồ tính tiền, có biển hiện bề ngoài, có màu sơn riêng, có biểu trưng (logo) riêng, nhưng xe hợp đồng lại không vậy. Bề ngoài không giống nhau thì không thể trá hình được, tôi khẳng định Grab không phải là trá hình”.
Người dân lựa chọn sử dụng Grab và Uber nhiều hơn taxi truyền thống. |
Có cơ chế “sân chơi”, Grab sẽ độc quyền?
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ GTVT triển khai ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, làm thí điểm trong vòng 2 năm theo Đề án của Grab tại các tỉnh và thành phố là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà.
Với cơ chế này, Grab đã được gia nhập “sân chơi” vận tải với lợi thế công nghệ đi đầu, điều này khiến nhiều người lo ngại sẽ dẫn tới sự độc quyền. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng: Vấn đề ứng dụng phần mềm trong kinh doanh vận tải taxi lâu nay không ai nghĩ, không ai làm, đến nay mới có Grab đề xuất kiến nghị và được chấp thuận làm. Trong quá trình thực hiện nếu thấy có gì không phù hợp thì có thể loại bỏ và sửa đổi bằng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, thời gian tới các đơn vị, các doanh nghiệp, HTX sẽ quan tâm hơn và đổi mới phương thức kinh doanh vận tải của họ, với một mục tiêu mọi người và doanh nghiệp đều mong muốn là sự hài lòng, sự an toàn của người dân và giảm được chi phí trung gian.
“Việc triển khai thí điểm Grab taxi sẽ tạo ra sự cạnh tranh, thứ nhất là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách với nhau, thứ hai là cạnh tranh giữa các đơn vị có phần mềm quản lý với tính ưu việt cao hơn với doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống. Không phải Grab hay Uber mà bất cứ doanh nghiệp nào đó có phần mềm ưu việt hơn thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào mà có phần mềm nào ứng dụng hiệu quả hơn thì người ta sẽ lựa chọn, như vậy là phù hợp với quy luật của thị trường” - Thứ trưởng Thọ khẳng định.
Về vấn đề cước giá rẻ của Grab và Uber khiến các hãng taxi truyền thống bị “ám ảnh”, trước câu hỏi Grab và Uber tự xây dựng giá có vi phạm các quy định về quản lý giá của Nhà nước? Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: Theo luật, nếu như khuyến mãi mà không đăng ký là vi phạm, còn đây là xe hợp đồng chứ không phải taxi như Luật Quản lý giá thì không phải tuân thủ theo Luật Quản lý giá và lệ phí của Nhà nước. Theo hợp đồng, giá có thể giá rất rẻ hay rất đắt. Grab đặt ra giá thấp điểm, cao điểm là hoàn toàn hợp lý.
Ý kiến bạn đọc