(VnMedia) - Góp ý cho việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, TS. Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) đã chỉ ra những điểm được, những điểm còn hạn chế và những việc cần làm ngay của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Dưới đây chúng tôi xin truyền tải lại những ý kiến đóng góp của thầy giáo, TS. Võ Thế Quân.
TS. Võ Thế Quân |
Xét về mặt kỹ thuật, kỳ thi THPT quốc gia 2015 chưa thành công
Theo TS. Võ Thế Quân, xét trên phương diện chính trị - xã hội thì kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã thành công tốt đẹp.
Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của ngành giáo dục đã có một kỳ thi “hai trong một”, cũng là lần đầu tiên Thủ tướng ra chỉ thị liên quan tới một kỳ thi và trực tiếp đến trụ sở của Bộ GD&ĐT để kiểm tra việc tiến hành kỳ thi.
Tiếp nữa, đây cũng là lần đầu tiên một Phó Thủ tướng phụ trách phải đến thị sát tại ba địa điểm, ba vùng miền khác nhau của Tổ quốc. Thứ tư, kỳ thi đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt để đảm bảo sự thành công cho kỳ thi.
Tuy nhiên, TS. Võ Thế Quân cho rằng về mặt chuyên môn, kỹ thuật thì kỳ thi này chưa thành công, bởi việc sáp nhập hai kỳ thi làm một là một ý tưởng sai lầm. Hai kỳ thi với hai mục đích khác nhau: một bên là thi tốt nghiệp THPT để đánh giá kết quả học tập của học sinh ở bậc THPT, còn tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) là kỳ tuyển chọn đầu vào để chọn ra những em có đủ điều kiện học cao hơn, đào tạo đội ngũ tri thức. Việc sát nhập là khiên cưỡng, chẳng khác gì “ép duyên”.
Bên cạnh đó, việc huy động lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi vừa qua là không phù hợp với nguyên tắc phân cấp quản lý giáo dục hiện nay và nguyên tắc tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục.
Cụ thể, hệ thống các cơ các Sở GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm về giáo dục phổ thông thì lại không được giao quyền chủ trì cho việc thi tốt nghiệp THPT (chẳng khác gì cây trồng đến ngày hái quả thì giao cho người khác hái!), trong khi đó lại giao phần lớn việc này cho cụm các trường ĐH. Các trường ĐH phải lo việc tổ chức thi THPT là không đúng với chức năng của trường đại học. Và mặc dù có cụm thi địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho học sinh không có nguyện vọng thi ĐH nhưng chủ yếu học sinh thi ở cụm ĐH.
Thời gian thi vừa qua cũng quá dài và địa bàn thi quá rộng. Do việc thành lập các cụm thi dẫn tới tình hình học sinh một số tỉnh phải tập trung về một địa phương trong thời gian gần 1 tuần lễ đã gây ra sự phức tạp xã hội không cần thiết, làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu gia đình, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động xã hội. Bởi vì một học sinh đi thi cả gia đình phải lo lắng, ít nhất có một người đi theo để giúp đỡ đã gây ra sự lãng phí lớn về thời gian, sức lực, tiền của trên diện rộng. Tình trạng “người người đi thi, nhà nhà đi thi”, cả xã hội lo lắng cho thi cử, gây tâm lí bất an trong xã hội.
Về đề thi, theo TS. Võ Thế Quân, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có cấu trúc chưa hợp lý, dẫn đến việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp và tuyển sinh đại học không chính xác. Bộ quy định 60% câu hỏi mức cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp (6 điểm), 40% câu hỏi mức nâng cao phục vụ xét ĐH, CĐ (4 điểm). Với thang 10 điểm/1 đề thi.
Trong thang 10 điểm thì có tới 6 điểm là dành cho xét tốt nghiệp, 4 điểm là thi ĐH dẫn tới chất lượng đầu vào ĐH giảm đi 60%. Ví dụ: 1 học sinh đạt 10 điểm thì điểm xét ĐH thực chất là: 6 điểm PT+ 4 điểm ĐH. Như vậy chỉ có 4 điểm làm cơ sở để xét ĐH. Do đó điểm xét vào ĐH thực chất chỉ có 4 điểm. Điều đó có nghĩa là chất lượng vào ĐH giảm đi 60%. (Đây là ví dụ mang tính tượng trưng). Như vậy dẫn đến chất lượng đầu vào ĐH năm nay giảm sút.
Thêm nữa, việc đưa môn thi tự chọn vào các môn thi tốt nghiệp đã dẫn tới tình trạng học lệch nghiêm trọng trong học sinh.
Ảnh minh họa |
Đề nghị 2 phương án cải tiến, đổi mới kỳ thi THPT
Đưa ra phương án thi trong năm tới, TS. Võ Thế Quân đề nghị 2 phương án: phương án một vẫn giữ cách thi “hai trong một” với những điều chỉnh bất cập của kỳ thi vừa rồi, phương án hai là tách kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ thành hai kỳ thi độc lập.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT nên trả về cho các địa phương theo nguyên tắc phân cấp quản lý giáo dục. Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh chịu trách nhiệm, Bộ GD&ĐT chỉ cần làm các việc như ban hành Quy chế thi tốt nghiệp, thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy chế. Trong những năm trước mắt, Bộ quản lý và ra đề thi chung cho cả nước, từ năm 2021 (có thể sớm hơn) giao việc ra đề thi về cho các Sở GD&ĐT tỉnh thành phố, dựa trên bộ Ngân hàng đề thi quốc gia. Như vậy, công việc của bộ sẽ nhẹ nhàng và đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.
Với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TS. Quân đề nghị phải trả lại việc này cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh. Các trường tự quyết định phương thức tuyển sinh, thời gian tuyển sinh (có thể tuyển 1 đợt hoặc nhiều đợt trong năm, thời gian tuyển sinh của các trường không nên trùng nhau để tránh gây căng thẳng cho xã hội). Bộ chỉ ban hành Quy chế tuyển sinh, giám sát, thanh tra quy chế, bộ duyệt chỉ tiêu tuyển sinh để phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục ĐH. Bộ cũng không cần thiết phải xác định điểm sàn như hiện nay mà đây là việc mà các trường ĐH, CĐ phải tự làm vì chất lượng đào tạo của chính mình.
Theo TS. Quân, phương án này khắc phục cơ bản các nhược điểm của phương án thi THPT quốc gia năm 2015 với những thay đổi cơ bản, yêu cầu cao hơn, hợp lý hơn. Trong khi phương án thi năm 2015: dễ cho Bộ (vì làm theo quy chế đã có), khó cho dân, nhưng về thực chất là khó cho Bộ, khó cho dân (vì Bộ phải làm quá nhiều việc của cơ sở), thì phương án đề xuất thi năm 2016: dễ cho Bộ, dễ cho dân. Vì hợp với lẽ tự nhiên, phù hợp với Văn kiện Đại hội XII về GD&ĐT là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục, phân cấp quản lý giáo dục; phù hợp với xu thế chung của thế giới về quản trị ở cấp quốc gia và ở cấp cơ sở.
Bộ GD&ĐT cần bỏ bớt việc sự vụ, tập trung việc quản lý nhà nước. Chỉ có như vậy sự phát triển giáo dục mới thông thoáng và đúng quy luật: “đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, không chen lấn xô đẩy nhau”, do đó xã hội mới phát triển ổn định, nề nếp, kỷ cương.
Cuối cùng TS. Quân nhắn nhủ: “Chỉ còn 8 tháng nữa là tới thời điểm phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, nên việc cấp bách hiện nay là xác định rõ phương án phù hợp cho kỳ thi năm 2016. Đây là việc cần làm ngay để các cơ quan chức năng trong hệ thống giáo dục chủ động triển khai công việc mới kịp tiến độ, đồng thời phụ huynh, học sinh và các nhà trường có sự chuẩn bị về tâm lý và chuyên môn. Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định phù hợp với thực tiễn, đáp ứng mong đợi của hàng triệu học sinh cả nước”.
Thùy Minh (ghi)
Ý kiến bạn đọc