Những phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng về Biển Đông

09:08, 24/11/2015
|

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rất nhiều lần nhấn mạnh trên các diễn đàn quốc tế: Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. 

Chúng tôi xin gửi tới quý độc giả những phát biểu ấn tượng của Thủ tướng về Biển Đông thời gian vừa qua.

"Kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia"

Sáng 18/11 vừa qua, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về tranh chấp chủ quyền, quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ba điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực

Thứ hai, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích  quốc gia theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của nhà nước, cũng như hiến chương Liên Hợp Quốc, luật  pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc; các cam kết khu vực, nhất là DOC; tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử giữa các bên liên quan trên Biển Đông

Thứ ba, đồng thời với phát triển kinh tế xã hội, chúng ta phải tăng cường quốc phòng an ninh, phải nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phải tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Phải tranh thủ sự ủng hộ, sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta.

Gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Thủ tướng nhấn mạnh:
Thủ tướng nhấn mạnh: "Kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia". ảnh: VGP.

"Vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước"

Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 19/11/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những chia sẻ thẳng thắn khi Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ: “Ta với Trung Quốc là láng giềng, dù mưa nắng hay bão lũ gì cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác hữu nghị để gìn giữ hoàn bình ổn định, để hợp tác cùng phát triển cùng có lợi, để thực hiện một cách thực chất hiệu quả phương châm 16 chữ, 4 tốt, để đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Chúng ta mong muốn hai bên chân thành hợp tác để giải quyết những bất đồng giữa hai nước về biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế, theo Công ước luật biển 1982 và theo cam kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Giải quyết thỏa đáng mà hai bên chấp nhận được trên cơ sở luật pháp quốc tế những vấn đề còn tranh chấp, còn quan điểm khác nhau về biên giới lãnh thổ”.

Với lập trường nhất quán như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam áp dụng 6 chữ “Vừa hợp tác vừa đấu tranh” không chỉ với Trung Quốc mà tất cả các nước.

“Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hữu nghị tin cậy lẫn nhau. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, cùng phát triển cùng thịnh vượng.

Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, để bảo vệ quyền lợi của nước ta trên cơ sở nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng cho biết.

“Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được”

Ngày 13/12/2014, tiếp xúc cử tri huyện An Lão, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: “Trong thời đại ngày nay, hội nhập, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng thịnh vượng là nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, những mâu thuẫn về lợi ích buộc mỗi quốc gia phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, trong đó có những phạm trù hết sức thiêng liêng là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và bền vững. Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được”.

Không đánh đổi chủ quyền lãnh thổ để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó

Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines vào cuối tháng 5/2014,trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc theo các cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Bạn hỏi về biện pháp quân sự? Không".

Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước.

Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ.

Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói", Thủ tướng cho biết.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

Tàu Trung Quốc chủ động đâm húc, phun nước vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trong vùng biển Việt Nam. ảnh chụp từ clip.
Tàu Trung Quốc chủ động đâm húc, phun nước vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trong vùng biển Việt Nam. ảnh chụp từ clip.

Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh thổ Việt Nam là bất chấp đạo lý, pháp lý

Ngày 30/6/2014, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2014, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tháng 6 và 6 tháng đầu năm, thảo luận và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Thời gian này, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ, Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hành động này của Trung Quốc không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt Nam- Trung Quốc mà còn đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về lòng tin và an ninh khu vực

Ngày 12/12/2014, tại Thành phố Busan đã diễn ra Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chỉ khi có lòng tin, chúng ta mới đảm bảo được vững chắc hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian gần đây cho thấy sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực; tất cả các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Việc các bên liên quan không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động làm gia tăng căng thẳng chính là biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.


Ý kiến bạn đọc