Đại biểu đề nghị tăng thời gian để Thủ tướng trả lời chất vấn

20:20, 14/11/2015
|

(VnMedia) - Sáng 14/11, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần dành thời gian thỏa đáng cho Thủ tướng trả lời chất vấn...

Cần tạo điều kiện cho người dân tham dự kỳ họp

Mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, thể hiện sự gần gũi, gần dân, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Do đó, nội quy của kỳ họp cần cụ thể hóa Hiến pháp về công dân được mời dự thính kỳ họp, nhất là quy định mang tính nguyên tắc về những phiên họp mà công dân được dự thính, số lượng và thành phần được mời.

“Đây cũng là dịp để nhân dân giám sát trực tiếp hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội, cũng là dịp để đại biểu Quốc hội báo cáo trực tiếp với cử tri về lời hứa của mình khi vận động bầu cử là tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội.” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Thảo luận tại Nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đảm bảo thuận lợi, an toàn cho công dân khi dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.

“Tôi nghĩ đây là một yêu cầu hết sức quan trọng, có những quy định rất cụ thể như: nhân dân tham gia như thế nào? đăng ký ra sao? đăng ký ở đâu? khi tham gia dự thính thì phải đảm bảo những quy định gì? và ngược lại, Quốc hội sẽ đảm bảo những điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia như thế nào?..., Quy định này phải được công khai, phổ biến tới tất cả mọi người dân. Mọi công dân, mọi cử tri của đất nước Việt Nam chúng ta phải biết điều này và nếu có điều kiện, muốn dự thính thì phải được tổ chức một cách thuận lợi nhất.” – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, “cần phải quy định theo hướng tạo điều kiện để công dân được dự thính các phiên họp Quốc hội. Tôi đề nghị ghi ba chữ "tạo điều kiện" vào trong nội quy” – đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng phát biểu tại Hội trường sáng 14/11

Theo đại biểu tỉnh Thái Nguyên, người dân có quyền giám sát hoạt động của Quốc hội, và việc tham dự trực tiếp là một hình thức giám sát của người dân. Đại biểu cũng đề nghị, hoạt động của Quốc hội nên tiếp cận phát huy và làm sao để người dân đóng góp trí tuệ trực tiếp vào hoat động của Quốc hội ngày càng nhiều càng tốt.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đồng thời đề nghị “không quy định kèm yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong kỳ họp của Quốc hội” ở phần  này, bởi vì yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự an toàn là yêu cầu chung cho cả kỳ họp chứ không phải yêu cầu riêng.

“Quy định liền với việc để cho công dân vào dự họp phiên họp công khai của Quốc hội, tôi cho rằng không thật hay, có vẻ như vẫn ngầm ý hạn chế, tôi  đề nghị không nên quy định kèm yêu cầu này vào phần này.”

Ông cũng đề nghị nên có những quy định về cơ chế và hình thức để cho người dân trực tiếp đóng góp ý  kiến của mình vào hoạt động của Quốc hội, như các hộp thư, các phòng trao đổi có người tiếp… để người dân có thể phản ánh, trao đổi trực tiếp ý kiến của mình.

Cần tăng truyền hình trực tiếp

Góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm cũng đề nghị Nội quy kỳ họp nên quy định tăng các phiên họp được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để nhân dân theo dõi giám sát, nhất là đối với các nội dung thảo luận về các dự án luật và các nội dung quan trọng khác.

“Tôi thấy trong thời gian vừa qua, truyền hình chủ yếu là phần kinh tế - xã hội và nội dung chất vấn. Cũng có một số phiên truyền hình trực tiếp khác nhưng rất ít. Hiện nay có một kênh truyền hình Quốc hội, tôi đề nghị truyền hình trực tiếp nhiều hơn các phiên họp thảo luận về các dự án luật quan trọng để người dân một là theo dõi, đồng thời giám sát chất lượng của các đại biểu khi tham gia vào các dự án luật. Mặt khác, đây cũng là một kênh tuyên truyền rất tốt để người dân có thể tham gia góp ý vào các dự án luật.” - đại biểu nói.

Đại biểu cần thêm thời gian tranh luận

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị Quốc hội nên ghi vào trong Nội quy một nội dung là cần có thời gian để các đại biểu tranh luận trong khi thảo luận.

“Với nội dung bàn về kinh tế - xã hội, một số nội dung về các dự án luật và một số nội dung quan trọng khác thì Quốc hội cần dành 1/3 thời gian thảo luận được bố trí để tranh luận sau phần phát biểu tuần tự theo đăng ký, theo sự chuẩn bị riêng của từng đại biểu… Ai cần thiết tranh luận cứ bấm nút tranh luận và không quy định số lần tranh luận. Tranh luận khi nào hết thời gian thì thôi, khi đại biểu tranh luận nhiều như vậy sẽ giúp cho các đại biểu khác có thêm các thông tin, vì không phải đại biểu nào cũng am hiểu hết được vấn đề. Qua tranh luận, đại biểu khác không tham gia tranh luận cũng có thể chắt lọc được vấn đề mà mình cần phải có chính kiến, như vậy chất lượng kỳ họp sẽ tốt hơn.” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích.

Về vấn đề chất vấn, đại biểu Quyết Tâm đề nghị ghi trong Nội quy phần nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đúng trọng tâm, tránh trường hợp hỏi một chuyện nhưng lại tranh thủ báo cáo hoạt động của đơn vị mình, không đúng với trọng tâm câu hỏi.

Đặc biệt, đại biểu Quyết Tâm đề nghị cần dành thời gian thỏa đáng cho Thủ tướng trả lời chất vấn, có thể dành hẳn một buổi.

“Tôi đề nghị ghi thẳng vào trong Nội quy kỳ họp là dành ít nhất một buổi. Tôi thấy thời gian vừa qua dành thời gian không thỏa đáng. Thủ tướng chuẩn bị nhưng không có thời gian để trả lời hoặc không có thời gian để đưa ra những thông điệp quan trọng mà Chính phủ cần phải nói với nhân dân, đồng bào, với Quốc hội.” – Đại biểu TP. Hồ Chí Minh nói.


Ý kiến bạn đọc