Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Sẽ tăng thời lượng dạy lịch sử

18:16, 16/11/2015
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, dù tích hợp nhưng thời lượng học môn lịch sử sẽ tăng thêm lên thành 4 tiết/tuần với học sinh ban Khoa học Xã hội và thêm 1 tiết với học sinh các ban khác.

Trong phiên họp chiều 16/11,ngoài những vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm thì tiếp tục có nhiều câu hỏi chất vấn và tái chất vấn được các đại biểu đặt ra đối với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Theo Đại  biểu Lê Văn Lai, có thời gian công tác gần 10 năm trong ngành giáo dục nên ông rất quan tâm tới vấn đề của ngành. Về dự án dạy tích hợp môn lịch sử, đại biểu nhận định rằng “gần đây dư luận xáo động tận tâm can.”

Ông đặt câu hỏi: “Trước sự phản ánh mạnh mẽ của dư luận xã hội, đề nghị Bộ trưởng nêu chính kiến của mình về vấn đề này, nhất là tính đúng đắn, tính ưu việt của nó. Bộ trưởng có dự định gì, hoặc hoãn, hay thay đổi chủ trương giảng dạy môn lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp không? Nếu không dừng, không hoãn thì Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?”.

Theo Đại biểu Lê Văn Lai, sai lầm về phương pháp sẽ dẫn tới sai lầm về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ và sẽ không có chỗ cho sự khắc phục hoặc thiếu kinh nghiệm. "Theo tôi, bất cứ sự phá vỡ lớn nào cũng có nguyên nhân từ sự phá vỡ hệ thống. Chứng minh cho nhận định này là vấn đề tôi vừa chất vấn thầy Bộ trưởng về cách dạy môn Lịch sử. Vì đơn giản hóa vấn đề, chỉ chú trọng tới giấc mơ tích hợp mà quên mất hệ lụy khác" - đại biểu tỉnh Quảng Nam nói.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, về vấn đề này, dư luận quan tâm vì chưa thấy tên của bộ môn lịch sử trong chương trình. Tuy nhiên, ông khẳng định: Môn lịch sử không bị coi nhẹ mà được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.

“Hiện nay các cháu học lịch sử 1 tiết rưỡi một tuần, còn trong chương trình dự kiến, các cháu không học chuyên ban Khoa học Xã hội thì tăng thêm 1 tiết, thành 2,5 tiết, còn các cháu chuyên ban thì sẽ học 4 tiết một tuần và đều là tiết bắt buộc. Như vậy nội dung khối lượng kiến thức về lịch sử tăng lên.” – Bộ trưởng cho biết.

Còn về lý do vì sao lại đưa lịch sử vào môn Giáo dục công dân với Tổ quốc, Bộ trưởng giải thích, trước hết, đó là theo tinh thần chủ trương tích hợp. Thứ hai là Luật Giáo dục Quốc phòng an ninh có quy định giảng dạy về lịch sử nên đưa vào đây để tránh trùng lắp.

“Ngoài các nội dung lịch sử được giảng dạy trong môn Giáo dục công dân với Tổ quốc thì các môn khác có giảng dạy về lịch sử như văn học, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật... đều hỗ trợ, gắn kết với lịch sử. Rất nhiều môn học sẽ có hỗ trợ giáo dục lịch sử. Nói tóm lại, trong dự thảo không hề có ý giảm môn lịch sử hay không bắt buộc học.” Bộ trưởng nói. Theo ông, vấn đề cần thảo luận hiện nay là để riêng hay tích hợp môn học quan trọng này.

“Dự thảo hiện nay do Ban soạn thảo chương trình đưa ra sau khi có nhiều hội thảo, có các chuyên gia lịch sử tham gia. Hiện Ban soạn thảo và Bộ đang lắng nghe, trên cơ sở đó sẽ thảo luận tiếp thu, sẽ có báo cáo với Ban tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận trung ương, Ủy ban Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội và sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đây là chuyện hệ trọng, nếu tích hợp làm nhẹ vai trò của môn lịch sử thì không tích hợp, còn nếu làm tăng thì sẽ tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia giáo dục và chuyên gia lịch sử trước khi quyết định” – Bộ trưởng “trấn an”.

Tái chất vấn về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Lai cho rằng, vấn đề quan trọng không phải là thời lượng mà là dạy môn lịch sử như thế nào. “Hiện  nay, trong khi môn lịch sử dạy độc lập có hệ thống, có thày giáo chuyên ngành mà vẫn có nhiều hạn chế bộc lộ rõ. Học sinh làm bài thì “râu ông nọ cắm cằm bà kia”,  phòng thi đại học chỉ có một thí sinh thì liệu rằng khi chuyển sang học mới có nâng cao chất lượng hay không, cá nhân tôi cho rằng rất khó”- đại biểu Lê Văn Lai nói.

Tuy nhiên, điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, đây là phần trao đổi thêm của đại biểu nên đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe và nghiên cứu thêm mà không cần trả lời ngay.

Ngoài vấn đề môn lịch sử, chiều nay, đại biểu Lê Văn Lai cũng băn khoăn về bài thơ “Sông núi nước Nam” mà theo ông, bản dịch mới không thể hay và đúng nghĩa như bản dịch ban đầu - bản dịch đã có chỗ đứng trong lòng dân tộc.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, ông không hiểu lý do bản dịch này được đưa vào sách giáo khoa (năm 2003), tuy nhiên, những thay đổi không cần thiết, không đem lại hiệu quả thì sẽ không đưa vào.


Ý kiến bạn đọc