ASEAN sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới

10:16, 24/11/2015
|

(VnMedia) - Cộng đồng ASEAN với dân số hơn 600 triệu và GDP đạt 2700 tỷ USD hiện là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và dự kiến trong 10 năm tới, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới với GDP đạt 4700 tỷ USD. Với vị thế và tiềm năng như vậy, Cộng đồng ASEAN sẽ phát huy hiệu quả vai trò của mình ở cả khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung (Vietnam+)
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung (Vietnam+)

 

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung vừa có cuộc trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Dưới đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn:

- Xin ông cho biết trọng tâm và kết quả chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan?

Trong hai ngày 21-22/11/2015, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia đã diễn ra 10 Hội nghị Cấp cao trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, gồm: Cấp cao ASEAN 27, Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Cấp cao ASEAN+1 với 7 đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, New Zealand và Liên Hợp Quốc).

Diễn ra trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, các Hội nghị Cấp cao lần này là sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm và theo dõi của cộng đồng quốc tế. Các Hội nghị lần này tập trung thảo luận ba trọng tâm là hoàn tất các công việc chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, định hướng phát triển của ASEAN trong giai đoạn tiếp theo, đề ra các kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng như trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế.

Kết quả quan trọng nhất của các Hội nghị lần này là việc Lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố lịch sử hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 với sự chứng kiến của Lãnh đạo các nước đối thoại, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cùng đông đảo đại diện giới doanh nghiệp và nhân dân các nước ASEAN. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 thể hiện nhận thức, lợi ích và quyết tâm chung của các nước thành viên ASEAN về nhu cầu nâng tầm liên kết cao hơn để có thể tranh thủ các cơ hội và ứng phó với các thách thức đang và sẽ đặt ra. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong gần nửa thế kỷ qua, với khuôn khổ hợp tác toàn diện và hiệu quả thông qua hơn 800 cơ chế hợp tác, thành công của Cộng đồng ASEAN 2015 khẳng định vị thế quan trọng của ASEAN ở cả khu vực và quốc tế, tạo xung lực để ASEAN tiến tới các mục tiêu liên kết cao hơn cũng như tạo cơ sở để tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.

Cộng đồng ASEAN với dân số hơn 600 triệu và GDP đạt 2700 tỷ USD hiện là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và dự kiến trong 10 năm tới, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới với GDP đạt 4700 tỷ USD. Với vị thế và tiềm năng như vậy, Cộng đồng ASEAN sẽ phát huy hiệu quả vai trò của mình ở cả khu vực và quốc tế.

Ngay sau ký Tuyên bố hình thành Cộng đồng, các Lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đề ra các định hướng thúc đẩy và làm sâu sắc hơn liên kết của ASEAN trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội trong thập kỷ tới. Với hàng trăm biện pháp cụ thể được đề ra, Cộng đồng ASEAN sẽ tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống khu vực cũng như của từng quốc gia thành viên. Có thể nói lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại sẽ trải dài từ những vấn đề vĩ mô tới những vấn đề cụ thể, gần gũi với cuộc sống của người dân, từ việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, các cơ hội mở rộng đầu tư, thương mại, đến lợi ích cho người tiêu dùng với lựa chọn đa dạng hơn về hàng hóa, dịch vụ, du lịch, cũng như nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động, cơ hội về giáo dục, đào tạo cho học sinh, sinh viên ở tất cả các quốc gia trong ASEAN.

Cùng với bước phát triển mới của ASEAN, tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến mới, phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề mà ASEAN và các đối tác cần thảo luận và tìm giải pháp như giảm đà tăng trưởng kinh tế, mối đe dọa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ứng phó thảm họa... Kết thúc các Hội nghị, có 60 văn kiện đã được ký kết, thông qua hoặc ghi nhận trong các khuôn khổ hợp tác ASEAN và ASEAN với các đối tác, trong đó có 3 văn kiện được ký kết là Tuyên bố Hình thành Cộng đồng ASEAN, Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025, Công ước ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và nhiều Tuyên bố được thông qua hoặc ghi nhận về các lĩnh vực hợp tác quan trọng như Tuyên bố EAS về tăng cường hợp tác biển, Tuyên bố ASEAN về biến đổi khí hậu...

Trong trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, cùng với các vấn đề chống khủng bố và biến đổi khí hậu, Biển Đông là vấn đề nổi bật, được nhiều quan tâm ở các Hội nghị Cấp cao. Nhiều nước nêu rõ tầm quan trọng của hòa bình, an ninh ở Biển Đông đối với các hoạt động kinh tế, thương mại, giao thông và ổn định của khu vực và thế giới, và khẳng định có lợi ích quan trọng ở Biển Đông. Các Tuyên bố Chủ tịch các Hội nghị Cấp cao như Cấp cao ASEAN 27, Cấp cao Đông Á, Cấp cao ASEAN-Mỹ, Cấp cao ASEAN-Nhật Bản đã khẳng định các nhà Lãnh đạo chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp, trong đó có việc bồi đắp và cải tạo quy mô lớn làm xói mòn lòng tin và đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); không theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông.

- Xin ông cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam vào thành công của các Hội nghị lần này?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị Cấp cao và các sự kiện quan trọng khác được tổ chức nhân dịp này. Trước đó, để chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao, Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự các cuộc họp trù bị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn, cuộc họp trù bị của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN do Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng làm Trưởng đoàn và cuộc họp trù bị cấp Quan chức Cao cấp ASEAN. Tại các Hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng và có ý nghĩa được các nước hoan nghênh và ghi nhận.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong trao đổi và phát biểu tại các Hội nghị đã cùng các nước đề cao ý nghĩa lịch sử của việc hình thành Cộng đồng ASEAN, nêu cao quyết tâm và cam kết thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp cụ thể và thiết thực để triển khai hợp tác ASEAN và tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực.

Trong suốt quá trình chuẩn bị và tham gia tại các Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong việc xây dựng nội dung của các văn kiện Hội nghị, bảo đảm đồng thuận chung của ASEAN, phản ánh và đáp ứng được quan tâm chung của các nước. Nhiều văn kiện quan trọng như Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Tuyên bố EAS về hợp tác biển, Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị Cấp cao đều mang những dấu ấn đóng góp tích cực của chúng ta.

Có thể nói, những đóng góp của chúng ta tại Hội nghị lần này phản ánh chủ trương chung và quyết tâm của Việt Nam trong tham gia hợp tác ASEAN. Không chỉ nghiêm túc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ thành viên ASEAN, chúng ta đặc biệt góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trong quan hệ với các đối tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN nhằm tranh thủ tốt hơn các cơ hội và ứng phó kịp thời với các thách thức. Bên cạnh đó, những thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội mà chúng ta  đạt được đã nâng cao thế và lực của Việt Nam, tạo điều kiện để chúng ta đóng góp hiệu quả và thiết thực hơn cho ASEAN, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh hơn.

Trong trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, chúng ta khẳng định với các nước việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy thành công hợp tác trên mọi lĩnh vực và cũng là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN, các đối tác và cộng đồng quốc tế.

Về Biển Đông, chúng ta chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh khu vực; nhấn mạnh các bên cần tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; đề nghị các bên cam kết không theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện hiệu quả Tuyên bố DOC, nhất là cụ thể hóa Điều 5 và đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc COC; hoan nghênh các đề xuất và đóng góp xây dựng của các nước nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Lập trường và chính sách nhất quán của chúng ta trong vấn đề này đã nhận được sự đồng tình và chia sẻ của các nước thành viên ASEAN cũng như các đối tác khác.

Bên lề các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có nhiều tiếp xúc với Lãnh đạo các nước và đối tác để thúc đẩy hợp tác song phương cũng như trao đổi các vấn đề cùng quan tâm tại các Hội nghị.


Ý kiến bạn đọc