(VnMedia) - Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Người mở đường, Người thầy vĩ đại của thông tin liên lạc Cách mạng Việt Nam. Người từng nói: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.
Ngay từ năm 1923, Báo Người cùng khổ ra đời, Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm, chủ bút, và trực tiếp phát hành tờ báo.
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc mở lớp đào tạo cán bộ lãnh đạo Phong trào của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Lớp vừa học tập, vừa tham gia các hoạt động cách mạng như: tuyên truyền, in và phân phát tài liệu, sách báo cách mạng, tổ chức cơ sở liên lạc, tiếp đón cán bộ trong nước ra, bảo vệ cơ sở...
Cả cuộc đời làm cách mạng của Người gắn liền với thông tin và truyền thông. “Ngay từ khi về biên giới, Bác đã luôn luôn chú trọng vấn đề liên lạc với Trung ương dưới xuôi. Hội nghị Trung ương lần thứ tám quyết định lấy miền rừng núi Việt Bắc để xây dựng căn cứ vũ trang. Sau hội nghị, hai đồng chí Trung ương ở với Bác tại Cao - Bắc - Lạng. Các đồng chí khác trở về miền xuôi để lãnh đạo phong trào. Vấn đề liên lạc giữa Cao Bằng với vùng xuôi trở nên đặc biệt quan trọng. Bác thường nói: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”. Bác Hồ nói tại Pác Bó, Cao Bằng, năm 1941. Theo Sách “Những chặng đường lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Chính trị quốc gia – XB năm 2012, trang 91.
Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương tại Tân Trào khai mạc ngày 13, họp từ 14/8 đến 15/8/1945 đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hội nghị đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Về công tác giao thông liên lạc, Nghị quyết của Hội nghị có ghi: “Lập Ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ”. (Văn kiện Đảng, tập III - Ban nghiên cứu lịch sử Trung ương 1977 trang 420).
Ngày 17/01/1946, trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng" của những ngày đầu xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ để động viên cán bộ viên chức ở đây dốc lòng phục vụ chế độ mới. Ngày 05/01/1946 , trong Chỉ thị "Công việc khẩn cấp bây giờ" cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, đề cập công tác giao thông, Người viết: "Phải đặc biệt chú ý vì giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ".
Ảnh Tư liệu
Trong bài viết của GS TSKH Đỗ Trung Tá, nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông về lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Bưu Điện, thông tin liên lạc có đoạn: "Cho đến những năm cuối đời, dù tuổi cao sức yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm hết sức quý báu đối với công tác thông tin liên lạc. Năm 1966, trong chuyến thăm Đoàn Sóng điện thuộc Bộ đội thông tin liên lạc, Bác nói: "Thông tin liên lạc là dây thần kinh, là mạch máu con người". Ngày 28/1/1969, không lâu trước khi vĩnh biệt chúng ta, trong thư khen gửi cán bộ chiến sĩ thông tin liên lạc, Bác đã đề ra 4 yêu cầu có tính nguyên tắc đối với thông tin liên lạc là: "Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn"."
Ngoài ra, Người còn có những lời dạy đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông nói chung cũng như trong thông tin liên lạc nói riêng:
“Giao thông liên lạc như thần kinh, mạch máu con người. Không được để vi trùng xâm nhập vào mạch máu”. Bác Hồ nói với cán bộ, chiến sỹ thông tin thuộc đại đội 26 Phòng không không quân. Nguồn trích dẫn trong tác phẩm “Giao thông thông tin liên lạc” của tác giả Nguyễn Văn Khoan, NXB Lao động, Hà Nội 1997, trang 26.
“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Trong Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8/9/1962. Nguồn trích dẫn trong tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2009, Tập 10, trang 616.
“… ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu: Hoan nghênh bạn đọc phê bình… Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt”, tháng 6/1968. Nguồn trích dẫn trong tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2009, Tập 12, trang 553.
Đến ngày nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị để những người làm thông tin liên lạc, thông tin truyền thông và thế hệ trẻ cùng học tập, áp dụng vào thực tế công việc của mình.
Ý kiến bạn đọc