Việt Nam và ITU: Những thông số cần biết

09:14, 18/05/2015
|

(VnMedia) - Ngày 17/5 là ngày kỷ niệm lễ ký công ước Điện tín quốc tế đầu tiên và thành lập Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Ngày này, hàng năm đã trở thành Ngày Viễn thông và Ngày Xã hội thông tin thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập tổ chức này , VnMedia xin giới thiệu bài viết về quá trình tham gia của Việt Nam vào tổ chức này cũng như những thông tin cần biết về ITU.


>> ITU: Viễn thông và ICT - động lực của sáng tạo

Phát minh ra thông tin đã là một quá trình khó khăn nhưng việc truyền tải thông tin cũng không dễ, các thông điệp muốn truyền qua biên giới đều bị giữ lại để xử lý trước khi được chuyển tiếp sang nước láng giềng. Trong bối cảnh mà một thỏa thuận chung cần được thiết lập và những tiêu chuẩn chung cần được áp dụng, Liên minh Viễn thông quốc tế được hình thành từ Liên minh Điện tín Quốc tế (1865) đến Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ngày nay.

Từ sau 1975, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là đại diện hợp pháp duy nhất của nước Việt Nam thống nhất tham gia vào Liên minh Viễn thông quốc tế. Được Chính phủ ủy quyền, Ngành viễn thông tích cực tham gia nhằm để xây dựng quan hệ khai thác nghiệp vụ thông qua những Hiệp định/Quy định đa phương về tiêu chuẩn và định mức. Những Hiệp định đa phương này quy định các tiêu chuẩn, thể lệ khai thác, thanh toán quốc tế, băng tần sử dụng cho các loại dịch vụ...mà dựa trên những điều khoản đó, các nước tham gia Hiệp định có thể hợp tác với nhau để cùng khai thác các dịch vụ viễn thông.

Năm 1988, Việt Nam đã ký thông qua Thể lệ viễn thông quốc tế - một văn bản qui định về cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế, thanh toán cước…Năm 2012, Việt Nam tham gia Hội nghị thế giới về viễn thông quốc tế lần 2, có nhiều đề xuất sửa đổi Thể lệ viễn thông quốc tế cho phù hợp với việc cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế, thanh toán cước…hiện nay.

Trong lĩnh vực kinh doanh, ITU đã có những hỗ trợ tư vấn, đặc biệt sự tư vấn “bỏ qua kỹ thuật tương tự, đi thẳng vào kỹ thuật số” vào cuối những năm 90 góp phần giúp Việt Nam tận dụng được nhiều thời cơ. Cũng nhờ tham gia và áp dụng những qui định của Công ước ITU về Viễn thông, Việt Nam vẫn đảm bảo liên lạc viễn thông với các nước, kể cả Mỹ trong thời gian Mỹ cấm vận Việt Nam, bảo đảm nguồn thu chính để tái đầu tư của lĩnh vực viễn thông trong những năm đầu phát triển.

Để mở rộng truyền thông, Việt Nam đã đăng ký thành công 02 vị trí quỹ đạo cho việc phóng vệ tinh riêng của mình phục vụ công tác thông tin tuyên truyền cả nước. Bộ tiêu chuẩn của ITU (hơn 1000 tiêu chuẩn đủ loại) là một cơ sở để Ngành Viễn thông Việt nam ban hành các tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện Việt Nam và cũng là cơ sở để đánh giá các thiết bị, phụ tùng nhập ngoại.


 


 

   Ảnh minh họa 


 

Vào đầu những năm 90 khi Viễn thông Việt Nam phát triển, đi lên từ số không, Ngành Viễn thông đã được Liên minh hỗ trợ tư vấn về chính sách, chiến lược, cước phí và quản lý viễn thông. Nhiều đề án đã được ITU hỗ trợ cho sự phát triển non yếu đó từ chính ITU và từ vai trò đại diện cho LHQ về viễn thông và CNTT như dự án VIE 85/019 về việc củng cố và trang bị mạng thông tin chống bão lụt cho tỉnh Bình Trị Thiên với số vốn trị giá 520000USD; dự án VIE 86/047 về nâng cấp phòng thí nghiệm kỹ thuật số cho Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện với số vốn do UNDP cấp là 700000USD; dự án VIE 89/006 về xây dựng kế hoạch tổng thể mạng viễn thông Việt Nam với tổng số vốn do UNDP cấp là 580000 USD. ITU còn hỗ trợ vốn và chuyên gia xây dựng thí điểm các đề án phát triển viễn thông nông thôn, các Cộng đồng viễn thông đa mục tiêu tại các tỉnh Đắc Lắc, Bắc Giang và Bắc Ninh.

ITU đã cử nhiều chuyên gia giúp Việt Nam về tư vấn lập kế hoạch và chính sách viễn thông, hỗ trợ tư vấn xây dựng 2 bộ Luật lớn là Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ) và Luật Viễn thông. Trong công cuộc phát triển viễn thông, nguồn lực là một nhu cầu không thể thiếu. Nhiều cán bộ của Việt Nam đã được ITU cấp học bổng cử đi tham quan, thực tập và học tập ở các nước để nâng cao trình độ nghiệp vụ về quản lý, kỹ thuật và kỹ năng khai thác, tham gia nhiều hội thảo chia xẻ kinh nghiệm và khảo sát thực tiễn mạng viễn thông các nước khác.

Tham gia ITU, Việt Nam được nâng tầm quan hệ, củng cố vị thế của mình trên thế giới góp phần hội nhập. Các năm 1994, 1998 và 2002, Việt Nam tham gia các Hội nghị toàn quyền Kyoto (Nhật Bản), Minneapolis (Mỹ) và Marrakesh (Ma rốc) và được bầu vào Hội đồng điều hành ITU trong 3 nhiệm kỳ lien tiếp: 1994-1998, 1999-2002, 2003-2006.

Năm 2014, một ứng cử viên của Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban Thể lệ Thông tin vô tuyến – cơ quan có trách nhiệm về ấn định và phân bổ tần số, là dịp để tham gia sâu hơn vào quản lý tài nguyên quý hiếm của thế giới.

Việt Nam tham gia các hoạt động của ITU đã phần nào đáp ứng nhu cầu của Ngành, phù hợp với tình hình kinh tế, tài chính và sự phát triển viễn thông hiện nay; từng bước nâng tầm ảnh hưởng trong ITU nói riêng và trên thế giới nói chung, từ việc tiếp cận các khoản viện trợ, tư vấn đã bước sang giai đoạn tiếp cận, làm chủ điều, đóng góp điều hành về viễn thông thế giới.

ITU: Lịch sử và sự cần thiết

Với mục tiêu kết nối các nước trong lĩnh vực VT và CNTT, Liên minh Viễn thông Quốc tế được ra đời năm 1865, là một Tổ chức Liên chính phủ và phi lợi nhuận. Tính đến nay, ITU đã có tới 193 Quốc gia Thành viên chính thức và hơn 700 Thành viên Lĩnh vực, gồm các doanh nghiệp, học viện và tổ chức xã hội. ITU hoạt động trong lĩnh vực VT và CNTT, phân bổ và quản lý tần số và vị trí quỹ đạo vệ tinh, xây dựng tiêu chuẩn viễn thông thế giới, trợ giúp kỹ thuật, tài chính cho các nước đang phát triển.

Vậy tại sao cần trở thành một phần của ITU?

Các ngành công nghiệp công nghệ thông tin đang trải qua những thay đổi nhanh chóng. Nhu cầu hợp tác chiến lược và sự hiểu biết giữa các bên liên quan là rất quan trọng khi quyết định một vấn đề, đặc biệt nếu vấn đề đó có thể có những hậu quả chính trị, xã hội và tài chính rất lớn.

ITU là điểm kết nối cho những mục tiêu đó. ITU hoạt động trong lĩnh vực VT và CNTT, phân bổ và quản lý tần số và vị trí quỹ đạo vệ tinh, xây dựng tiêu chuẩn viễn thông thế giới, trợ giúp kỹ thuật, tài chính cho các nước đang phát triển. Vì vậy, ITU cung cấp một diễn đàn duy nhất toàn cầu và trung gian để:

Mọi người đến với nhau; chia sẻ những ý tưởng và kiến thức, trao đổi kinh nghiệm thực tế tốt nhất; cùng thông qua tiêu chuẩn trong một môi trường minh bạch và công bằng dựa trên đồng thuận; liên kết trực tiếp với chính phủ, các nhà quản lý và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp; thiết lập quan hệ đối tác; có ảnh hưởng trực tiếp trong việc hình thành ngành công nghiệp và tương lai; đảm bảo rằng các sản phẩm được an toàn, đáng tin cậy, phù hợp trên toàn cầu và tương lai; được hưởng lợi từ số liệu thống kê đầy đủ về CNTT trên thế giới; có quyền truy cập vào các ấn phẩm cao cấp; lợi nhuận từ sự hỗ trợ của đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, quốc tế và đa ngôn ngữ; thâm nhập kiến thức địa phương thông qua các văn phòng ITU khu vực.

Thành viên của ITU có một loại những ích lợi không phải ai cũng biết:

Thứ nhất, là thành viên của một tổ chức liên chính phủ CNTT toàn cầu duy nhất, sẽ giúp bạn có những mối quan tâm của bạn bè trên toàn thế giới. Thứ hai, là thành viên của ITU giúp bạn tiếp xúc với các đại diện cấp cao từ cả phía chính phủ lẫn ngành công nghiệp.Thứ ba, là thành viên của ITU cho phép bạn tận dụng lợi thế vô kể về hồ sơ, tài liệu của ITU trong việc xây dựng sự đồng thuận – nguồn kinh nghiệm từ 150 năm nay.

Ai nên tham gia ITU?

Qua nhiều giai đoạn khác nhau, ITU đã được xây dựng và đạt đến một cơ cấu phù hợp nhất hiện nay.

ITU là tổ chức liên chính phủ, vì vậy thành viên chính của ITU là các Nhà ước, Chính phủ: Quốc gia Thành viên của ITU. Với cơ cấu tổ chức của ITU và với tiêu chí đề ra, Quốc gia Thành viên được quyền tham gia mọi hoạt động của ITU và có quyền ngang nhau giữa các Quốc gia Thành viên. Thực tế cảu VN hiện nay thì ITU là tổ chức chuyên ngành về VT và CNTT nên CP giao Bộ TTTT đại diện CP trong ITU, các Bộ Ngành khác liên quan cùng phối hợp tham gia theo chức năng nhiệm vụ.

ITU hoạt động trong lĩnh vực VT và CNTT, phân bổ và quản lý tần số và vị trí quỹ đạo vệ tinh, xây dựng tiêu chuẩn viễn thông thế giới, qui định về dịch vụ viễn thông quốc tế, trợ giúp kỹ thuật, tài chính cho các nước đang phát triển,..Vì vậy, ITU có hơn 700 thành viên lĩnh vực – có quyền hạn và nghĩa vụ ở mức thấp hơn Quốc gia Thành viên. ITU phân nhánh thành 3 lĩnh vực: thông tin vô tuyến, tiêu chuẩn hóa viễn thông và phát triển viễn thông. Các thành viên của từng lĩnh vực được quyền tham gia các hoạt động thuộc lĩnh vực đó, từ việc đề xuất nội dung, thảo luận đóng góp ý kiến và sử dụng kết quả đồng thuận sau đó. Những đơn vị tham gia là thành viên lĩnh vực của ITU phù hợp với qui định của Quốc gia đó, có thể là các Bộ, Ngành, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Kho kiến thức khổng lồ của ITU cũng là nguồn lợi cho các cá nhân khai thác phù hợp với qui định quản lý và mục đích sử dụng. Đây là những kiến thức được nghiên cứu một cách có hệ thống, với sự tham gia đóng góp của các chuyên gia trên toàn thế giới nên có giá trị cao.

Tham gia ITU như thế nào?

Tùy theo mục tiêu, nhu cầu, thời gian và khả năng, mỗi cơ quan, cá nhân có thể tham gia đóng góp, khai thác theo từng lĩnh vực cụ thể. ITU có hướng dẫn cho việc tham gia với tư cách thành viên của lĩnh vực cũng như tham gia các hoạt động cụ thể tại http://www.itu.int/ . Liên quan đến qui định trong nước, quí khán giả có thể liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông, tel: (04)38229377; fax: (04)38226590; email: dic@mic.gov.vn để có sự hỗ trợ khi cần thiết.


Thảo Hoàng - (TH)

Ý kiến bạn đọc