(VnMedia) - Con số khoảng 60% các tổ chức và doanh nghiệp Châu Á Thái Bình Dương đang sử dụng ít nhất một phiên bản Windows Server 2003 cho thấy những thách thức mà các chuyên gia CNTT phải đối mặt về an ninh, rủi ro về tuân thủ chính sách trong thời gian tới.
Với khoảng thời gian gần 100 ngày, Microsoft đang tiếp cận các khách hàng tại Việt Nam trong nỗ lực khuyến khích những khách hàng sử dụng Windows Server 2003 chuyển dịch sang một nền tảng mới, cập nhật hơn, kịp thời trước thời điểm dừng hỗ trợ Windows Server 2003, ngày 14/7/2015.
Đây cũng đã là thời hạn mở rộng, dựa trên chính sách hỗ trợ tiêu chuẩn cho vòng đời sản phẩm của Microsoft. Theo đó, các nhà lãnh đạo CNTT cần nhanh chóng chuyển đổi để bảo vệ các ứng dụng và thông tin hiện đang vận hành trên các hệ thống máy chủ cũ và coi đây là cơ hội để nhận định những lợi ích doanh nghiệp sẽ gặt hái khi chuyển dịch lên các nền tảng hiện đại, tiêu biểu là Windows Server 2012. Những lợi ích này đã được tổ chức IDC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh trong báo cáo khảo sát mới đây.
Theo Spiceworks, một mạng lưới chuyên nghiệp toàn cầu có hơn 5 triệu thành viên là các chuyên gia CNTT thì 59,8% các tổ chức tại Châu Á Thái Bình Dương đang sử dụng tối thiểu một bản Windows Server 2003 tính đến tháng 1/2015. Con số này đại diện cho khoảng 5% chuyển dịch sang các nền tảng mới hơn, kể từ tháng 6/2014.
Nếu các công ty sử dụng Windows Server 2003 sau thời điểm dừng hỗ trợ, những máy chủ này có thể thường xuyên bị tổn hại vì không được cập nhật các bản vá bảo mật mới. Điều này là nguy cơ nghiêm trọng, nếu tính đến tốc độ phát triển vũ bảo của những hiểm họa an ninh hiện hành. Trong thực tế, chỉ tính từ tháng 1/2015, 47 lỗ hổng mới đã được cập nhật cho Windows Server 2003 theo báo cáo của Secunia, một tổ chức quản trị lỗ hổng phần mềm toàn cầu.
Theo bà Hoàng Song Nga, phụ trách giải pháp Đám mây và Doanh nghiệp của Microsoft thì: “Nhu cầu về CNTT đã thay đổi lớn lao kể từ thời điểm ra mắt hệ điều hành máy chủ Windows Server 2003 hơn 11 năm trước. Các nhà lãnh đạo CNTT thuộc mọi ngành công nghiệp hiện thời đang quản trị những hạ tầng đòi hỏi hỗ trợ được cho Đám mây, Di động, mạng Xã hội và các ứng dụng liên quan mật thiết đến dữ liệu. Hơn thế, việc gia tăng các nguy cơ về an ninh và sự riêng tư đang đặt áp lực lên mọi doanh nghiệp lớn nhỏ khi chuyển đổi sang thế giới của Ưu tiên Di động, Ưu tiên Đám mây. Những điều này không còn thích hợp với nền tảng công nghệ cũ nữa”.
Dù ngừng hỗ trợ cho Windows Server 2003 đánh một dấu mốc quan trọng không thể không cập nhật, nhưng bản thân việc dừng vận hành nền tảng cũ và chuyển dịch lên nền tảng mới như Windows Server 2012 hoặc các nền tảng đám mây của Microsoft như Azure, cũng có những lợi ích hết sức đa dạng cho các nhà hoạch định chính sách CNTT của các Doanh nghiệp.
Vào tháng 12/2014, tổ chức IDC tại Châu Á Thái Bình Dương đã tiến hành khảo sát mang tên “Hiểu về giá trị kinh doanh khi chuyển dịch lên Windows Server 2012” tại 88 Doanh nghiệp khu vực nhằm hiểu rõ hơn về những lợi ích có thể đạt được nếu chuyển dịch lên Windows Server 2012. Khảo sát này được tài trợ bởi Microsoft và Intel, với mong muốn có tầm nhìn sâu sắc về những lợi ích đầy đủ khi đầu tư vào một hạ tầng CNTT hiện đại. Khảo sát đã chỉ ra rằng các công ty khi chuyển đổi có thể đạt được những lợi nhuận tích cực từ 3 khu vực trọng điểm.
Thứ nhất, gia tăng mật độ Ảo hóa giúp CNTT có thể làm được nhiều hơn từ những tài nguyên hiện hành:Năng lực ảo hóa của Microsoft, mang tên Hyper-V, nhúng trong Windows Server 2012 có thể cung cấp được dung lượng lớn hơn cho môi trường ảo hóa mà không đòi hỏi đầu tư nhiều nhân lực. Những tổ chức lớn có trung bình 121 máy chủ và dùng ảo hóa tầm 47.9% còn những tổ chức nhỏ hơn trung bình dùng 20 máy chủ và ảo hóa khoảng 44.5%. Hơn thế, họ có thể gia tăng mật độ ảo hóa máy chủ từ khoảng 12.5% doanh nghiệp lớn tới 16.7% cho doanh nghiệp nhỏ hơn khi chuyển đổi từ Windows Server 2003 lên Windows Server 2012.
Thứ hai, gia tăng mức tự động hóa và giảm đi chi phí, thời gian cũng như sự cố: Điều này có được nhờ tính năng mang tên Windows PowerShell sẵn có trong Windows Server 2012. Tự động hóa là một tính năng quan trọng giúp các chuyên gia CNTT tối ưu thời gian và giảm lỗi với những nhiệm vụ lặp đi lặp lại.Nghiên cứu chỉ ra rằng 37.5% các doanh nghiệp nhỏ sử dụng PowerShell để tự động hóa tầm 10 tác vụ. Trước khi có PowerShell, 15.6% các tổ chức này không dùng tự động hóa hoặc tính năng tương tự. Với các tổ chức lớn, 33.9% đang sử dụng PowerShell để tự động hóa tầm 19 tác vụ. Hầu như hoặc khoảng 94.7% nhóm này đã từng dùng một vài các mức tự động, điều luôn được đòi hỏi ở môi trường doanh nghiệp.
Thư ba là giảm giờ làm, cung cấp thêm thời gian chuyên môn cho nhân viên CNTT:Nhờ năng lực gia tăng về tự động hóa trong Windows Server 2012, các phòng CNTT có thể tiết kiệm được thời gian làm những việc lặp đi lặp lại, nhờ đó nhân viên CNTT có thể tập trung hơn vào những chuyên môn khác. Báo cáo chỉ ra rằng, trung bình 1 nhân viên tiết kiệm được khoảng 20h làm việc tại các tổ chức nhỏ, và 30h tại các tổ chức lớn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, những công ty này đã nâng tầm được độ bảo mật, năng lực bảo trì chính sách công ty, khả năng quản lý cũng như đạt yêu cầu biểu đạt về hạ tầng CNTT sau khi triển khai Windows Server 2012. Ông Simon Piff, Phó Chủ tịch phụ trách Hạ tầng Doanh nghiệp, IDC phát biểu: “Các Giám đốc CNTT có thể vẫn nhận định chưa đúng rằng việc chuyển dịch lên nền tảng mới là tốn kém cho doanh nghiệp. Nhưng việc trì hoãn chuyển đổi có thể phát sinh chi phí lớn hơn về dài hạn, tạo ra nhiều gián đoạn hệ thống do các lỗi an ninh và nguy cơ về tuân thủ chính sách, hơn thế còn đòi hỏi nhiều tài nguyên kèm theo các giải pháp để hỗ trợ một hệ thống không còn hợp thời”.
Ý kiến bạn đọc