(VnMedia) - Năm 2014 được coi là một năm đáng quên của Samsung nhưng có lẽ sẽ còn bi đát hơn trong năm 2015 khi đối thủ “nặng đô” không chỉ có Apple mà chính là “thế lực” mới đến từ Trung Quốc. Liệu năm 2015, Samsung có gặp hạn?
>> Samsung “chột dạ” vì kinh doanh smartphone giảm sút
>> Những sự kiện di động đình đám nhất năm 2014
Thị trường mới nổi nhiều chông gai
Từ lâu Apple luôn được coi là đối thủ “sừng sỏ” mà Samsung cần đối phó để chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu thị trường smartphone, nhưng điều đó sẽ hoàn toàn thay đổi trong năm 2015. Mục tiêu trong năm tới “gã khổng lồ” Hàn Quốc cần phải đối phó chính là những các công ty đến từ Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Chẳng hạn như Xiaomi và Micromax, đây mới thực sự là mối bận tâm lớn đối với Samsung trong năm tới.
Ngành công nghiệp điện thoại thông minh đã và đang thay đổi nhanh chóng, những thị trường mới nổi là nơi đem lại nguồn thu quan trọng và tăng trưởng rất nhanh. Những thị trường phát triển như Mỹ không còn là mục tiêu có thể đem lại doanh thu lớn về cho các hãng sản xuất trong tương lai. Thay vào đó, phân khúc thiết bị giá rẻ ở Trung Quốc và Ấn Độ đang được các nhà sản xuất thiết bị cầm tay nhắm tới.
Đối với Samsung, năm 2015 sẽ là áp lực lớn đối với họ khi phải cạnh tranh gay gắt với các nhà sản xuất địa phương tại các thị trường đó. Samsung đã tăng trưởng rất nhanh, quy mô kinh doanh rất rộng trong vài năm qua nhưng chưa có nhiều bằng chứng cho thấy, họ sẽ có một tương lai tươi sang như thời gian qua, nhà phân tích Jan Dawson của hãng nghiên cứu Jackdaw Research nhận định.
Xiaomi tiếp tục tăng trường trong khi Samsung giảm sút.
Hiện tại 2/3 smartphone bán ra trên toàn cầu có giá thấp hơn 200USD, theo số liệu của IDC. Tỷ lệ này vẫn giữ ổn định nhưng số lượng các thiết bị giá rẻ nhanh chóng tăng lên. Các thiết bị cao cấp có giá trên 500USD như iPhone 6 và Galaxy S5 sẽ giảm xuống từ 16% của năm nay xuống 14% sản lượng smartphone xuất xưởng vào năm 2018, IDC dự đoán. Riêng thị trường Trung Quốc, nơi mà hầu hết người tiêu dùng tìm kiếm các điện thoại giá rẻ sẽ chiếm gần 1/3 doanh số smartphone bán ra năm 2015.
Các thị trường mới nổi sẽ là một trong những mục tiêu chính của Samsung. Công ty đã có một thời gian dài cạnh tranh với Apple trong phân khúc cao cấp nhưng họ đã thống trị tại các phân khúc giá rẻ hơn mà Apple không tham gia. Trong quý khứ, Samsung đã đạt được vị trí vững chắc tại các thị trường như Trung Quốc thông qua các smartphone cũ, giá rẻ. Nhưng đó sẽ là bước tính toán sai lầm lớn vì người tiêu dùng tại các thị trường mới nổi giờ không còn muốn mua công nghệ cũ, thấp kém. Họ muốn các thiết bị cao cấp với giá thấp. Xiaomi và các công ty khác đã đáp ứng được nhu cầu đó và nhanh chóng tăng trưởng thị phần trong năm qua và lấy đi từng “miếng bánh” trong tay Samsung.
Samsung từng thống trị thị trường smartphone Trung Quốc trong 10 quý liên tiếp trước khi Xiaomi hạ “nốc ao” công ty Hàn Quốc ra khỏi vị trí đó tại thị trường Trung Quốc. Theo Strategy Analytics, sự thay đổi này bắt đầu từ quý 2/2014. Trong quý kết thúc vào tháng 9, thị phần của Samsung tại thị trường Trung Quốc đã giảm từ 9%-13% so với cách đây 1 năm. Tại Ấn Độ, tình hình kinh doanh của Samsung có vẻ khả quan hơn chút khi vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 23% thị phần trong quý 3/2014 nhưng vẫn giảm so với cách đây 1 năm, theo số liệu của Strategy Analytics. Công ty Micromax đứng thứ 2 với 18% thị phần.
“Tác động của các nhà sản xuất mới nổi của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu sẽ phản ánh cuộc đua mới về giá. Người tiêu dùng không còn cần phải trả mức giá quá cao để có thể mua được một chiếc smartphone cấu hình mạnh mẽ. Chính cuộc chiến về giá đã đẩy lợi nhuận quý 3/2014 của Samsung giảm sút. Hồi tháng 10, công ty báo cáo sự giảm sút lần thứ 4 liên tiếp và lợi nhuận hoạt động giảm thấp nhất kể từ quý 2/2011. Báo cáo cũng cho thấy, lợi nhuận quý 3 trong việc kinh doanh di động giảm 74% so với năm trước và cảnh báo rằng, môi trường kinh doanh sẽ còn khó khăn hơn trong phân khúc smartphone khi các đối thủ cạnh tranh ngày càng gây áp lực lớn vào cuối năm 2014.
Samsung tìm mọi cách để thoát hạn
Để chống lại sự suy giảm, Samsung tuyên bố sẽ "cải cách cơ bản" các dòng sản phẩm của hãng bằng cách cắt giảm số lượng các model mà họ cung cấp 25% đến 30%. Công ty cũng có kế hoạch phát hành smartphone mới với "vật liệu mới và thiết kế sáng tạo", cũng như một loạt các smartphone tầm trung và bình dân để cạnh tranh hơn về giá và tính năng phần cứng.
Phó chủ tịch Kim Hyun-joon nhấn mạnh rằng, Samsung đang cần một sự thay đổi mang tính gốc rễ. Trong thời gian tới, hãng sẽ “định hình lại bộ sưu tập sản phẩm của mình một cách cơ bản”, đồng thời cải thiện tính hiệu quả trong việc chi tiêu. Công ty cũng sẽ chuẩn hóa linh kiện dùng trong nhiều loại thiết bị khác nhau và tiếp tục cạnh tranh trên từng phân khúc giá.
Ngoài ra, Samsung có thể chuyển sang hệ điều hành Tizen của hãng để củng cố vị trí tại các thị trường như Ấn Độ. Công ty có kế hoạch ra mắt thiết bị đầu tiên chạy hệ điều hành thay thế Android tại thị trường Ấn Độ vào cuối năm 2014 nhưng đến nay công ty vẫn chưa thực hiện được.
Đó có thể là một cách để Samsung giảm sự phụ thuộc vào Android và Tizen có thể giúp Samsung có được lợi thế cạnh tranh với các đối thủ giá rẻ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Samsung hiện đang nhắm tới sản xuất điện thoại Tizen giá 100USD nhằm chống lại chương trình Android one giá rẻ đang được gã khổng lồ Google triển khai.
Tuy nhiên, những bước đi đó không dễ dàng gì. Samsung có thể lấy lại được thị phần nhưng họ sẽ phải hy sinh lợi nhuân. Công ty cũng không thể bỏ qua thị trường cao cấp, nơi phần lớn lợi nhuận được tạo ra. Apple sớm quyết định chỉ cung cấp các thiết bị cao cấp, cách làm đó đã giúp họ giữ được lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận cao nhưng vẫn bị mất thị phần. Samsung dù vẫn giữ được vị trí số 1 nhưng lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Do đó, có thể thấy, năm 2015 sẽ là một năm đầy khó khăn đối với Samsung để trụ được và không bị đánh bật ra khỏi thị trường này. Liệu chiến thuật đó có giúp Samsung thoát khỏi “vết xe đổ” của Nokia hay BlackBerry trước đây?
Ý kiến bạn đọc