Nokia: Sự sụp đổ của một “tượng đài” công nghệ

06:53, 02/01/2015
|

(VnMedia) - Từng là “trùm” trong lĩnh vực thiết bị di động, đến nay hầu như Nokia chẳng còn lại gì, tên tuổi không, cơ hội không và tương lai trong mảng này cũng không nốt. Cái tên “Nokia” đã dần lùi xa vào dĩ vãng và giờ chỉ còn lại những hoài niệm về một thời xa xăm nào đó.

Từ thành công tới thất bại

Nhiều người vẫn không quên được cảm giác cầm trên tay những chiếc điện thoại Nokia đời đầu. Nếu so với những chiếc smartphone mạnh mẽ ngày nay thì đúng là chúng khác một trời một vực, vừa to, vừa cồng kềnh và vừa ít chức năng. Nhưng cách đây hơn 20 năm thì đó đúng là thứ luôn khiến bạn tự hào. Chúng thật hoàn hảo và toàn mĩ.

Ảnh minh họa
Những thiết bị "để đời" một thời của Nokia.

Như giờ đây thì sao? Trong mảng smartphone, Nokia là cái tên hoàn toàn lu mờ. Cách đây 8 tháng, công ty của Phần Lan này xác nhận việc bán toàn bộ mảng thiết bị và dịch vụ cho Microsoft đã hoàn tất. Nói cách khác, những gì liên quan tới smartphone của Nokia hoàn toàn không còn dính dáng gì tới hãng này nữa. Microsoft đã sở hữu toàn bộ chúng sau khi chi ra 7,2 tỉ USD và đổi tên bộ phận này thành Microsoft Mobile Oy.

Trong suốt 6-7 năm qua, tình hình làm ăn của Nokia luôn giảm sút và người ta dễ dàng quên vai trò chủ đạo của hãng này trong lĩnh vực điện thoại di động. Năm 2007 chính là đỉnh cao của Nokia khi chiếm tới 41% thị phần thiết bị di động. Ngay cả với Apple hay Samsung ngày nay thì việc chiếm tới 41% thị phần thiết bị di động là điều hoàn toàn không tưởng. Tính tới cuối năm 2013, thị phần của Nokia chỉ còn 15% - nhờ chủ yếu vào các mẫu điện thoại giá rẻ tại các thị trường mới nổi.

Khi Nokia đang ở đỉnh cao thành công, không ai có thể chạm vào. Đây là loại hình thành công rất dễ gây ra tâm lý chủ quan, bảo thủ và không chịu thay đổi. Và bài học đầu tiên mà Nokia vấp phải đó chính là Motorola Razr rồi sau đó là iPhone của Apple. Nokia gần như là kẻ ngoài cuộc khi CEO Stephen Elop - vốn là người của Microsoft lên tiếp quản năm 2010. Stephen Elop đã gần như gây sốc bằng quyết định gây nhiều tranh cãi - từ bỏ nền tảng phần mềm kế thừa của Nokia và quay sử dụng hệ điều hành di động Windows Phone của Microsoft. Phải mất 3 năm sau đó người ta mới quen với Windows Phone trên smartphone Lumia của Nokia.

Ảnh minh họa
CEO Stephen Elop giới thiệu Lumia 1020.

Giờ đây, mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia đã nằm dưới sự quản lý hoàn toàn của Microsoft. Trong câu chuyện này, Nokia có thể coi như một “tấn bi kịch”, một sự sụp đổ quá dễ dàng từ một tượng đài công nghệ thành kẻ trắng tay sau một thời gian không thể xem là quá dài.

Nokia không biến mất hoàn toàn. Ngoài mảng thiết bị di động ra, thị hãng này còn có mảng kinh doanh hạ tầng viễn thông, dịch vụ bản đồ và một nhánh chuyên nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến. Hãng có tuổi đời 150 năm này từng xuất thân từ một hãng kinh doanh chẳng dính dáng gì tới công nghệ. Nokia từng là một tập đoàn công nghiệp kinh doanh trong nhiều lĩnh vực trước khi Jorma Ollila lên nắm quyền điều hành vào năm 1992. Trước đó, Nokia từng vấp phải nhiều trở ngại khi cố đầu tư mới để chuyển đổi từ ngành kinh doanh giấy.

Dưới thời Jorma Ollila, Nokia đầu tư rất mạnh tay cho hạ tầng viễn thông và là tên tuổi lớn trong lĩnh vực phát triển công nghệ không dây GSM. Ollila cũng thành lập dây chuyển cung ứng sản suất nội bộ cho phép công ty có thể nhanh chóng tạo ra những chiếc điện thoại của riêng mình.

Ngành điện thoại di động khi đó khá phân mảnh với nhiều nhà cung cấp khác nhau nhưng chỉ tập trung vào từng quốc gia riêng lẻ. Nokia là hãng đầu tiên có tầm nhìn thị trường toàn cầu, tạo nên những chiếc điện thoại có thể sử dụng tại nhiều quốc gia cùng lúc. Đồng thời, hãng này cũng rất quan tâm tới vấn đề giá cả sản phẩm. Nokia xuất hiện mạnh mẽ tại các thị trường cao cấp Phương Tây, nhưng cũng rất chú trọng tới các thị trường mới nổi, như Ấn Độ chẳng hạn – nơi một chiếc điện thoại được bán với giá khoảng 40USD.  

Năm 1998, Nokia vượt mặt Motorola trở thành hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Và thời điểm này cho tới gần thập kỷ tiếp theo, cái tên Nokia vẫn được coi là đỉnh cao của thế giới công nghệ.

Sự trỗi dậy của Razr

Trong khi hầu hết thế giới đều quen với thiết kế điện thoại dạng thanh của Nokia thì người dùng tại Bắc Mỹ bắt đầu để mắt tới điện thoại gập, hay còn gọi là thiết kế vỏ sò. Cuối năm 2004, Motorola gây tiếng vang lớn với chiếc điện thoại “dao cạo” Razr. Trong 3 năm liên tiếp, Razr luôn đứng đầu danh sách những chiếc điện thoại bán chạy nhất và là một trong những chiếc điện thoại thành công nhất trên thị trường từ trước tới nay.

Ảnh minh họa


Tuy nhiên, Nokia đã từ chối thay đổi, hãng vẫn trung thành với thiết kế điện thoại dạng thanh và thêm vào các thành phần cao cấp hơn. Cùng với đó, Nokia gần như bỏ rơi thị trường Mỹ, buộc các nhà mạng phải tìm kiếm các nhà cung cấp khác và Samsung và LG sẵn sàng nhảy vào. N95 được “fan” của Nokia coi là chiếc điện thoại đỉnh cao nhưng tại thị trường Mỹ thì chẳng ai nghe tới cái tên này, đơn giản là các nhà mạng Mỹ từ chối cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, quyết định bỏ rơi thị trường Mỹ chưa gây ra những tác động tức thời. Nokia vẫn tiếp tục giành thị phần trên khắp thế giới và đạt đỉnh cao nhất vào nửa cuối năm 2007. Và rồi sau đó là sự xuất hiện của chiếc iPhone đầu tiên.

“Sát thủ” iPhone

Trái với suy nghĩ của nhiều người, Apple không phát minh ra smartphone. Trước khi chiếc smartphone màn hình cảm ứng của Steve Jobs xuất hiện trên thị trường thì Nokia đã là “trùm sò” trong lĩnh vực smartphone, chiếm gần một nửa thị trường. Nhưng iPhone lại mang tới làn gió mới cho thị trường di động. Đó là sức mạnh mà một chiếc smartphone thực sự có thể làm được: ảo hóa mọi thứ và toàn bộ cảm ứng. Apple đã dẫn đầu sự đổi thay làm cho chiếc smartphone của họ thân thiện hơn và dễ sử dụng hơn.

Ảnh minh họa
iPhone đời đầu.


Hệ điều hành iOS cũng là sự cải tiến cần phải nhắc tới. Nó đã thay đổi căn bản cách thức người dùng tương tác với điện thoại. iOS mang tới nhiều điều mới mẻ, khác hoàn toàn với các nền tảng hệ điều hành già cỗi khác như Symbian của Nokia chẳng hạn.

Vẫn như trước đây, Nokia kiên quyết không nhảy vào lĩnh vực smartphone cảm ứng, và một lần nữa lại cho thấy hãng này không thể thích nghi được với xu hướng phát triển mới. Kết quả là ngay sau đó, thị phần smartphone của Nokia bắt đầu sụt giảm, nhưng chưa phải là thảm họa. Phản ứng tức thời của Nokia là đối mới nền tảng Symbian, tăng tốc phần cứng, sử dụng các chất liệu cao cấp camera độ phân giải cao cho điện thoại. Thế nhưng, bản thân Nokia cũng biết rằng, Symbian đã già cỗi và muốn hướng tới một nền tảng hệ điều hành di động mới hơn- đó chính là nền tảng “chết yểu” Meego.

Như đã nói ở trên, Stephen Elop lên nắm quyền điều hành Nokia vào năm 2010 và không lâu sau đó đã quyết định từ bỏ Symbian để chuyển sang Windows Phone cho các dòng điện thoại cao cấp, bắt đầu với Lumia 800 và Lumia 710 từ tháng 10/2011. Công bằng mà nói, sự chuyển đổi này cũng mang lại nhiều tác động tích cực cho Nokia nhưng không đủ để vực dậy một tên tuổi đang trên bờ sụp đổ. Ngay cả với chiếc Lumia 920 được Elop ca ngợi với khả năng sạc pin không dây, trang bị ống kính "PureView” chất lượng cao; hay thậm chí chiếc Lumia 1020 sau đó với camera 41 “chấm” cũng không đủ xoay chuyển tình thế đang xấu đi. Và cái kết cuối cùng thì như mọi người đã biết - tạm biệt Nokia, một “tượng đài” công nghệ với hình bóng chỉ còn trong quá khứ.


Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc