(VnMedia) - Thị trường điện thoại di động năm 2014 diễn ra thật sôi động với sự bùng nổ của nhiều xu hướng công nghệ mới nhưng không kém phần thăng trầm với sự thụt lùi đầy luyến tiếc của một số thương hiệu lớn. Tuy nhiên, tựu chung đó vẫn là bức tranh sáng màu với sự phát triển và mở rộng không ngừng của một trong những lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh nhất hiện nay.
>> Thương hiệu smartphone đắt khách nhất 2014
>> Những smartphone gây thất vọng nhất 2014
>> Những công nghệ smartphone ấn tượng nhất 2014
1. Microsoft mua lại mảng dịch vụ và thiết bị của Nokia
Mặc dù chính thức mua lại từ năm ngoái nhưng phải đến năm nay, thương vụ mua lại mảng dịch vụ và thiết bị Nokia của Microsoft mới hoàn tất. Sau khi thương vụ này kết thúc, Microsoft đã quyết định “khai tử” thương hiệu Nokia và thay tên Microsoft trên các dòng smartphone bán ra. Điều này khiến không ít người yêu thích hãng điện thoại Phần Lan cảm thấy tiếc nuối. Trong thời gian qua, Microsoft liên tục phát hành các điện thoại bình dân và tầm trung nhưng chưa thực sự có một siêu phẩm hàng đầu chạy trên Windows Phone.
Trong khi đó, tuy bị cấm phát hành smartphone từ nay cho tới năm 2016 nhưng gã khổng lồ Phần Lan vẫn đeo đuổi tham vọng trở lại thị trường phần cứng và đã sẵn sàng phát hành máy tính bảng hoạt động trên Android – Nokia N1 vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, dù gì đi nữa, năm 2014 vẫn là năm rất quan trọng đối với Nokia.
2. Lenovo mua lại Motorola từ “tay” Google
Không giống như thương vụ mua lại ở trên, ý định mua lại Motorola của Lenovo chỉ lóe lên từ đầu năm 2014. Sau khi mua lại Motorola, gã khổng lồ Trung Quốc này đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 trên thế giới trong quý 3 vừa qua. Lenovo đã mua lại Motorola từ Google với giá chỉ 2,91 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức giá ban đầu Google chi ra để có được Motorola.
Hiện 3.500 nhân viên trên toàn thế giới của Motorola đã trở thành một phần của Lenovo nhưng may mắn cho những người yêu thích thương hiệu Motorola là Lenovo hứa hẹn sẽ giữ nguyên thương hiệu này.
Mặt khác, Google giữ lại hầu hết 24.000 bằng sáng chế của Motorola, cũng như chi nhánh của Motorola chịu trách nhiệm phát triển dự án smartphone Project Ara của Google – sẽ phát hành vào năm 2015.
3. Samsung mất thị phần và giảm lợi nhuận
Samsung đã có một năm khó khăn trong việc kinh doanh điện thoại di động, khi báo cáo tài chính quý 2 và quý 3 năm nay cho thấy doanh thu giảm mạnh. Đồng thời công ty cũng đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ như Xiaomi tại thị trường Trung Quốc và Apple hiện nay tại chính quê hương của họ. Thị trường thiết bị cầm tay đã trở thành “chiến địa” cạnh tranh gay gắt, nơi mà hầu hết các “tay chơi có máu mặt” đã bắt đầu mất mát tiền bạc và Samsung cũng phải gia nhập những đội ngũ “thương binh”. Nếu tiếp tục xu hướng này, Samsung có lẽ sẽ có thời gian khó khăn trong năm 2015.
4. Apple ra iPhone cỡ lớn
Từng mỉa mai các smartphone cỡ lớn và bảo thủ giữ nguyên kích cỡ 4-inch trên các model điện thoại iPhone trong nhiều năm nhưng đến năm 2014, Apple buộc phải thay đổi suy nghĩ bảo thủ đó để đáp ứng theo nhu cầu của người dùng. Năm nay Apple đã phát hành ra thị trường iPhone 6 và iPhone 6 Plus với kích cỡ tương ứng 4,7-inch và 5,5-inch. Đây chắc chắn là một lựa chọn tuyệt vời cho những người yêu thích thiết bị iOS và đáp ứng xu hướng phát triển hiện nay.
5. Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc trong năm nay lại có sự trỗi dậy thực sự mạnh mẽ. Hầu hết các nhà sản xuất này đã có một thời gian khá dài bán điện thoại chỉ trong thị trường Trung Quốc và bắt đầu tham vọng vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2014 các đối thủ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Lenovo, Huawei… bắt đầu khiến cho các “tay chơi nặng ký” cảm thấy thực sự áp lực.
Áp lực này dẫn đến doanh số bán hàng của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu thấp hơn, và Samsung là ví dụ điển hình nhất. Mặc dù vẫn dẫn dầu thị trường nhưng doanh số bán hàng của Samsung nhanh chóng sụt giảm mạnh trong năm nay và các nhà sản xuất Trung Quốc không ngừng lớn mạnh khi 3 trong số Top 5 nhà sản xuất smartphone toàn cầu đến từ Trung Quốc gồm Huawei, Xiaomi và Lenovo. Do đó, xu hướng này có lẽ sẽ tiếp tục trong năm 2015.
6. onePlus – tự hủy hoại siêu phẩm chỉ vì sai lầm trong chiến lược phân phối
Được mệnh danh là “kẻ hủy diện các siêu phẩm 2014”, onePlus one được coi là smartphone đáng giá nhất để mua. Vì với mức giá 299USD, sản phẩm sở hữu thiết kế đẹp và cấu hình cao cấp ngang các siêu phẩm hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, onePlus one sẽ chỉ được bán ra thông qua hệ thống khách mời của hãng. Đây chính là những phiền toái khó khăn để có được sản phẩm này.
Cuối cùng, onePlus one đã được bán ra thị trường thông qua các nhà bán lẻ nhưng chúng được bán với mức giá cao hơn nhiều. Do đó, thay vì tạo đựng được một sản phẩm công nghệ được thèm khát nhất trong năm nay, onePlus đã nhận ra thất bại của mô hình mua bán này và đến tháng 9 đã buộc phải đóng cửa mô hình mua bán thông qua giấy mời và trở lại hệ thống đặt hàng như các sản phẩm khác.
7. Điện thoại “tự sướng” lên “ngôi”
“Tự sướng” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong năm 2013 nhưng phải đến năm nay, xu hướng này mới được các nhà sản xuất smartphone theo kịp. Chính vì thế, năm nay các smartphone đua nhau nâng “chấm” cho camera trước để phục vụ cho nhu cầu “tự sướng” của người dùng. Một số điện thoại chụp ảnh “tự sướng” đáng chú ý nhất là Sony Xperia C3 và HTC Desire EYE…
8. Đồng hồ thông minh (Smartwatch) bùng nổ
Trên thực tế smartwatch đã xuất hiện trên thị trường cách đây nhiều năm, tuy nhiên thị trường smartawtch mới thực sự “bùng nổ” trong năm 2014, khi hàng loạt “ông lớn” cùng đặt chân vào thị trường này. Sau Sony hay Samsung, Google cũng không bỏ qua thị trường smartwatch giàu tiềm năng khi phát hành nền tảng Android Wear, biến thể của Android cho các thiết bị đeo. Motorola, LG và Samsung đã nhanh chóng ra mắt những mẫu sản phẩm sử dụng nền tảng này của Google. Mặt khác, Apple cũng không thể “ngồi” ngoài cuộc chơi khi ra mắt Apple Watch. Sản phẩm này sẽ được bán ra thị trường vào đầu năm 2015.
9. Smartphone Samsung sử dụng vỏ kim loại
Trong nhiều năm, Samsung thường trung thành với việc sử dụng cho các smartphone của hãng, kể cả những siêu phẩm hàng đầu. Điều này khiến các siêu phẩm của hãng bị chê kém cao cấp hơn so với các sản phẩm khác và năm nay, không chịu nổi áp lực của người tiêu dùng, Samsung đã tung ra smartphone vỏ kim loại đầu tiên của hãng - Galaxy Alpha. Không giống như các smartphone hiện có, Galaxy Alpha có thiết kế khá mảnh mai với khung viền kim loại được thiết kế khá kĩ càng và công phu. Các sản phẩm sử dụng kim loại khác tiếp tục ra đời gồm Galaxy Note 4, Galaxy Note Edge, và Galaxy A5 và A3 tiết lộ gần đây.
10. Smartphone Android và cuộc đua chip 64 bit
Kể từ khi Apple tiết lộ iPhone 5s, các fan hâm mộ “Quả Táo” đã xem kiến trúc chip 64 bit như một trong những bằng chứng về sự quyền uy so với hệ sinh thái Android. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi hoàn toàn trong năm nay khi một loạt smartphone Android sử dụng chip 64 bit ra đời. Chẳng hạn như HTC tung ra smartphone tầm trung HTC Desire 510 sử dụng chip 64 bit. Hơn nữa, phiên bản mới nhất của Android - 5.0 Lollipop cũng đã hỗ trợ 64 bit. Điều này hứa hẹn sẽ mở đường cho ngày càng nhiều smartphone mang sức mạnh chip 64 bit thế hệ mới ra đời.
Ý kiến bạn đọc