Hệ thống mô phỏng giáo dục giao thông sinh động cho trẻ

08:01, 15/11/2013
|

(VnMedia) - Hai trong tám sản phẩm công nghệ thông tin triển vọng lọt vào Chung khảo Nhât tài Đất Việt 2013, "hệ thống mô phỏng giáo dục giao thông cho trẻ em" và nền tảng tích hợp thông minh cho các hệ thống mạng không dây Zigbee" đã được các thành viên giám khảo Nhân tài Đất Việt khảo sát thực tế vào chiều ngày 14/11.  

Việc khảo sát thực tế sản phẩm lọt chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vốn là công tác thường xuyên được Ban Giám khảo của Giải thưởng thực hiện trong những năm qua, nhằm tìm hiểu thêm về sản phẩm cũng như góp ý giúp các thí sinh có thêm kinh nghiệm chuẩn bị cho buổi bảo vệ trước hội đồng Chung khảo diễn ra vào ngày 17/11 tới.

Cả hai sản phẩm này đều nằm trong nhóm sản phẩm CNTT triển vọng và được đánh giá khá thiết thực nếu ứng dụng vào thực tế.  

Hệ thống mô phỏng giáo dục giao thông cho trẻ em - KidBike của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Nam, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Trung Kiên phát triển xuất phát từ mong muốn giúp các em nhỏ hiểu và thực hành các tình huống giao thông khác nhau. Từ đó hình thành dần ý thức chấp hành luật giao thông, tham gia giao thông an toàn.

Ảnh minh họa
Các em nhỏ rất thích hệ thống mô phỏng giáo dục giao thông.

Hệ thống được tích hợp giữa thiết bị cơ khí (xe đạp) và phần mềm mô phỏng. Nguyên tắc thiết kế tương tự như các sản phẩm mô phỏng huấn luyện như hệ thống tập lái xe máy. Tuy nhiên cách thức bố trí, thiết kế các cơ cấu, thiết bị cơ khí, điện tử được xây dựng mới hoàn toàn. Phần mềm sử dụng thư viện đồ họa ba chiều Unity hỗ trợ việc xây dựng các hình ảnh, quang cảnh ba chiều.

Trẻ em chỉ cần ngồi lên xe đạp, điều khiển chọn các nội dung trên màn hình. Với nội dung học tập các khái niệm, luật giao thông thì hệ thống sẽ hiển thị cả hình ảnh, văn bản, lời nói để hỗ trợ trẻ em tiếp thu nội dung. Với nội dung thực hành tình huống giao thông, các em sẽ phải điều khiển xe đạp tùy theo nội dung tình huống đó. Với hình ảnh minh họa sinh động, các em sẽ có cảm giác mình đang chơi, tương tác với các tình huống, môi trường ảo và các em sẽ tự cảm nhận, tự ngấm kiến thức thông qua các hoạt động tương tác đó. Sản phẩm có thể được sử dụng trong các trường học, khu vui chơi hay ngay cả ở nhà riêng.

Ảnh minh họa

Đánh giá về sản phẩm này, tiến sĩ Trần Quý Nam – Vụ CNTT – Bộ TTTT cho rằng, hệ thống này rất có ích và có ý nghĩa giáo dục rất tốt. Về mặt sáng tạo của sản phẩm, bên cạnh thiết kế cơ khí, nhóm tác giả đã xây dựng phần mềm đồ họa và có thể thay đổi hình ảnh, bối cảnh, tình huống giao thông dựa trên các công cụ lập trình đồ họa 3D. Ngoài ra, sản phẩm này có khả năng nhân rộng và mở rộng cho nhiều bạn có thể chơi cùng một lúc cũng như có thể thay đổi vị trí, địa điểm giao thông trên cơ sở dữ liệu, mức độ học luật giao thông nâng cao. Hơn nữa, sản phẩm này có giá thành khá rẻ. Về ứng dụng, sản phẩm này có khả năng nhân rộng ra các trường mầm non khác.

Đồng quan điểm với tiến sĩ Nam, ông Hoàng Quốc Lập, Viện trưởng Viện tin học nhân dân cho rằng, sản phẩm này khá đơn giản, hình ảnh mô phỏng sinh động nhưng lại có ý nghĩa giáo dục rất lớn.

Trong khi đó, nền tảng tích hợp thông minh cho các hệ thống mạng không dây zigbee của nhóm zSmart Framework được tạo ra với mục đích giúp cho những người không cần nhiều kinh nghiệm và đầu tư nhiều thời gian cũng có thể đưa ra một giải pháp điều khiển giám sát tích hợp cả phần cứng và phần mềm.

Ảnh minh họa
Đại diện nhóm zSmart Framework (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sản phẩm
với thành viên giám khảo NTĐV 2013.
 

Tức là, một người biết một chút về phần cứng sẽ không phải mất công thiết kế từ phần mềm đến phần cứng mà chỉ cần tùy chọn một phần cứng, và cắm vào sản phẩm zSmart Framework là có thể điều khiển, giám sát các thiết bị của họ qua điện thoại, qua hệ thống cloud. Thực chất sản phẩm là một Framework và nhóm tác giả xây dựng các module để cho mọi người có thể phát triển từ nền tảng này.

Theo đại diện nhóm zSmart Framework, đối với giải pháp khi dùng trong nhà chỉ cần Bluetooth và mạng không dây zigbee là có thể điều khiển được các thiết bị trong nhà từ xa.

Góp ý cho hai sản phẩm này, ông Hoàng Quốc Lập cho rằng, các tác giả cần nêu bật được ý nghĩa đích thực của sản phẩm, những gì các tác giả sáng tạo để tạo ra sản phẩm này. Đồng thời, cách giới thiệu sản phẩm cũng phải nêu rõ được giá trị của sản phẩm để người nghe có thể hiểu được ngay. Chẳng hạn như đối với nhóm zSmart Framework  có thể lấy ví dụ “một cô gái chuẩn bị tan làm nhấc điện thoại lên và bấm tủ lạnh, cô biết được trong tủ hết thịt bò và biết rằng cần phải đi chợ”. Như vậy khá dễ hiểu để cho thấy sản phẩm của bạn có thể làm được những gì. Sau đó là cách thức để tác giả thực hiện được điều đó, nêu bật được ý tưởng, công nghệ, sự sáng tạo của nhóm…

Ngày 17/11 tới đây, các sản phẩl chung khảo Nhân tài Đất Việt sẽ có buổi bảo vệ trực tiếp sản phẩm trước Hội đồng Chung khảo. Lễ trao giải Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2013 sẽ được tổ chức tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt - Xô, 91 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài THVN vào 20h00 ngày 20/11/2013 và được truyền hình trực tuyến trên Báo Điện tử VnMedia (http://vnmedia.vn).

Thông tin chi tiết về Giải thưởng được đăng tải đầy đủ trên website chính thức của Giải thưởng (http://nhantaidatviet.vnmedia.vn), http://nhantaidatviet.vnpt.vn hoặc trên Báo Điện tử VnMedia (http://vnmedia.vn).


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc