Giá cước dịch vụ viễn thông sẽ theo cơ chế thị trường

07:21, 03/11/2013
|

(VnMedia) - Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông diễn ra ngày 1/11/2013, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng khẳng định, trong vấn đề quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, nhà nước ngày càng không can thiệp sâu mà tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.

 

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, theo luật giá mới, giá cước dịch vụ viễn thông không nằm trong danh mục các giá cước được nhà nước bình ổn. Trong viễn thông, giá cước kết nối và giá cước viễn thông công ích sẽ được Nhà nước quản lý dưới hình thức quy định hoặc ban hành các quyết định giá cước cụ thể. Tại Hội nghị, Thứ trưởng đã đề nghị Cục Viễn thông sớm ban hành thông tư mới về quản lý giá cước theo hướng tăng thêm quyền chủ động định giá cho doanh nghiệp.


 Ảnh minh họa
minh họa

 

Khi xem xét về giá, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cân nhắc đầy đủ các khía cạnh: mặt bằng quốc tế, giá trong khu vực và cung cầu của thị trường… Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tính toán, xác định giá thành rõ ràng, chính xác, được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mọi chi phí… Và khicác cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu, doanh nghiệp phải báo cáo chính xác giá thành của mình. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, việc quản lý giá cước cần công khai, minh bạch và tuân thủ theo quy định của Nhà nước.


Đề cập tới việc điều chỉnh giá cước 3G vừa qua, Thứ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm có báo cáo chính thức tới Thủ tướng Chính phủ, sau đó có thể sẽ họp báo công khai các thông tin mà Bộ đã báo cáo Chính phủ. Qua đó, Thứ trưởng cho rằng việc điều chỉnh cước dịch vụ viễn thông sẽ cần rút kinh nghiệm trong việc chọn thời điểm và chú trọng hơn vào công tác truyền thông.

 

Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu chất lượng dịch vụ phải đi kèm với giá cước dịch vụ. Và công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ mang tính định lượng nhiều hơn nữa. Sắp tới, việc ban hành kịp thời các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định liên quan tới quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng của di động sẽ được các cơ quan đơn vị chức năng ưu tiên xem xét.

 

Một trong những sự kiện nổi bật khác của ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần qua đó là VNCERT phối hợp với Ban Quản lý dự án phát triển CNTT&TT Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Xây dựng cơ chế phối hợp trong nước/ngoài nước trong các hoạt động ứng cứu khẩn cấp.


Tại hội thảo, Ông Vũ Quốc Khánh cho biết: Gần đây, VNCERT liên tục ghi nhận tình trạng nhiều mạng lưới botnet quốc tế có sự “góp mặt” của các máy tính, địa chỉ IP tại Việt Nam, chẳng hạn mạng lưới Zeus Botnet có 14.075 địa chỉ IP thuộc không gian mạng Việt Nam; các mạng lưới botnet khác như Sality, Downadup, Trafficconverter cũng có tới 113.273 địa chỉ IP Việt Nam…

 

Mối quan ngại hàng đầu là mạng lưới phần mềm gián điệp mạng nhắm tới mục tiêu Việt Nam không chỉ nhằm mục đích phá hoại các hệ thống CNTT, mà còn lấy trộm thông tin từ các cơ quan, tổ chức. Với sự tinh vi, phức tạp, các phần mềm gián điệp này sử dụng kỹ thuật có khả năng tránh bị phát hiện và “nằm vùng” lâu trong hệ thống mạng.

 

Đặc biệt, đã ghi nhận thực trạng mạng botnet razer tham gia tấn công một số doanh nghiệp hosting tại Việt Nam . Razer là mạng botnet cho thuê công khai trên không gian mạng (có thể là một dạng thử nghiệm của tin tặc), những người có nhu cầu chỉ cần đăng ký thông tin và nêu địa chỉ mục tiêu định tấn công sẽ được mạng này thực hiện tấn công “giúp”.

 

Hiểm họa từ botnet được xếp loại “cực kỳ nguy hiểm”, thế nhưng khả năng ứng phó của Việt Nam còn nhiều nhược điểm. Các cơ quan chuyên trách như VNCERT mới chỉ có khả năng cảnh báo botnet dựa trên các báo cáo từ các tổ chức, nạn nhân bị tấn công; sự phối hợp ứng cứu, bóc gỡ botnet của các tổ chức, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, kịp thời.


Nhằm giảm thiểu hậu của của các mạng botnet, ông Vũ Quốc Khánh đề xuất dự kiến hàng năm, tại Việt Nam sẽ có diễn tập mạng lưới (cấp quốc gia, Bộ, ngành, tỉnh, thành) - trong đó phòng chống botnet, mã độc là 1 trong những nội dung trọng tâm. Mặt khác, phải tăng cường biện pháp điều phối chống mã độc (malware) và botnets. Cần có chế tài mạnh và thanh kiểm tra việc thực thi, chẳng hạn cảnh báo của VNCERT có thời hạn xử lý, nếu đối tượng nhận cảnh báo không làm đúng hạn sẽ bị ngăn chặn, cô lập IP/domain/URL...
   


Đức Anh

Ý kiến bạn đọc