Không thể phủ nhận vai trò to lớn của báo điện tử

07:25, 02/08/2013
|

(VnMedia) - Cả bốn vị khách mời tham gia tọa đàm - giao lưu trực tuyến "Báo điện tử và sự nổi tiếng" đều có chung quan điểm, không ai có thể phủ nhận được sức lan tỏa thông tin cũng như giá trị mà báo điện tử mang lại hiện nay. Báo điện tử đóng góp được nhiều lợi ích cho xã hội. "Công" của báo điện tử nói chung không thể không thừa nhận, dù còn có những vấn đề bất cập nhưng những lỗi này vẫn là tỷ lệ rất nhỏ...

Đúng 9 giờ 30 phút sáng nay, 1/8, bốn vị khách mời của Báo điện tử VnMedia là ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia cùng ba nghệ sĩ, MC - những tên tuổi vốn đã rất thân quen với độc giả báo điện tử là ca sĩ Tấn Minh, ca sĩ Mỹ Linh và Á hậu Thuỵ Vân đã có mặt tham gia tọa đàm - giao lưu.

 Ảnh minh họa

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến, Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia Võ Quốc Trường đã cảm ơn bốn vị khách mời tham gia tọa đàm - giao lưu trực tuyến cùng Báo điện tử VnMedia. Sự kiện được diễn ra trong thời điểm Báo điện tử VnMedia sắp tròn 10 năm thành lập, cũng là thời điểm báo điện tử Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Và nội dung của buổi giao lưu sẽ là sự minh chứng cho sự phát triển của Báo điện tử VnMedia cũng như sự phát triển, bùng nổ của Internet, của truyền thông mạng hiện nay.


Trong giai đoạn hiện nay, Báo điện tử đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của rất nhiều người. Với sự phong phú, cập nhật trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá, giải trí, thể thao, công nghệ… các báo điện tử đã thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày. Sự phát triển mạnh mẽ trên đã góp phần tạo nên một thị trường báo chí đa dạng, mới mẻ. Với sức lan toả nhanh của báo điện tử, mọi thông tin từ các ngõ ngách đời sống, xã hội đều được truyền tải tới bạn đọc, cập nhật từng giây, từng phút.

 

Nhờ sức lan tỏa của báo điện tử, có rất nhiều cá nhân đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ra cả quốc tế. Các nghệ sĩ trong giới showbiz có lẽ là ví dụ điển hình nhất. Dĩ nhiên, với tài năng của bản thân, họ đã có tiếng, thương hiệu trong lòng người xem, người nghe, song cũng nhờ có những bài viết trên các báo điện tử, họ càng nổi tiếng hơn. Nhờ báo điện tử, các nghệ sĩ cũng có những lợi ích nhất định.

 

Chẳng hạn như ca sĩ Mỹ Linh, nữ diva của làng ca nhạc Việt Nam . Nhờ sự truyền thông của báo điện tử, hàng loạt các dự án của cô đã được nhiều người biết tới hơn và đem lại sự thành công lớn. Hay Á hậu Thuỵ Vân, giờ cô không chỉ được biết tới là một người đẹp mà còn là một MC của chương trình Bản tin Tài chính được biết đến như mẫu người phụ nữ hiện đại, tài năng và xinh đẹp. Bên cạnh những nỗ lực của chính bản thân những nghệ sĩ, người đẹp, cũng không thể phủ nhận vai trò của truyền thông, báo điện tử đã giúp họ đến được gần hơn với đông đảo công chúng. Và dĩ nhiên, thêm nổi tiếng hơn.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực được ghi nhận, hiểu được vai trò, sức mạnh của báo điện tử trong việc lan tỏa thông tin, sự nổi tiếng mà nhiều người có được hay cố tìm cách để có trên môi trường báo điện tử một cách phản cảm. Cũng trong giới showbiz, một số nghệ sĩ đã và đang dùng báo điện tử như là một công cụ lăng xê tên tuổi mình thái quá. Gần đây nhất là hiện tượng “bà Tưng” hay một số hotgirl khác tìm cách nổi tiếng bằng cách khoe thân, khoe ngực...

 

Trong khi hầu như các tờ báo điện tử chính thống có quan điểm rõ ràng, đúng đắn về các hiện tượng nêu trên, thậm chí là tẩy chay thì vẫn có một số báo điện tử và đặc biệt là các trang thông tin điện tử vốn là cổng thông tin của doanh nghiệp lại tiếp tay cho sự lố lăng, phản cảm này bằng những thông tin câu khách, rẻ tiền, thậm chí còn ăn cắp cả trí tuệ, chất xám để xào xáo lại thành sản phẩm của mình.

 Ảnh minh họa
MC cùng trao đổi bàn tròn với 4 vị khách mời.


Chia sẻ quan điểm của mình trước câu hỏi, sau gần 20 năm, sự phát triển của Báo điện tử Việt Nam so với thế giới như thế nào? ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, sự phát triển Internet đem lại sự thay đổi ngỡ ngàng đối với kinh tế xã hội. Ban đầu Internet được coi là môi trường hạ tầng nhưng nay chuyển sang môi trường thông tin. Chính điều đó tạo ra môi trường rất lớn cho báo điện tử. Sự phát triển báo điện tử Việt Nam đang song hành chung với báo điện tử thế giới. Tôi có thể khẳng định Internet Việt Nam không hề thua kém thế giới mà còn nhiều chỉ số tốt hơn mặt bằng trung bình, và thậm chí một số nước phát triển. Tuy nhiên, điều đáng nói chính là phần hồn của Internet. Hiện nay vẫn chưa thắng được Internet phần hồn và nếu làm được điều đó thì mới đáng tự hào và người Việt Nam có thể giành được và vươn lên so với thế giới.


Trả lời câu hỏi: có nên lợi dụng báo điện tử để đánh bóng tên tuổi? theo ông Vũ Hoàng Liên, những người muốn nổi tiếng tận dụng môi trường Internet, Báo điện tử là hoàn toàn đúng. Báo điện tử có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ và Internet trở thành môi trường thông tin và thậm chí trong tương lai, môi trường thông tin này sẽ đóng vai trò thống trị. Hiện Việt Nam có trên 30 triệu người dùng Internet nhưng con số thực chưa đến dừng đó. Điều đó nói lên rằng, một bộ phận lớn của xã hội đang truy cập vào mạng Internet. Đây chính là bộ phận tích cực của xã hội. Chính bộ phận tích cực này đem lại sức lan tỏa của mạng, Tuy nhiên, song hành mặt tốt vẫn còn có mặt trái. Nhưng mặt trái đó không thể đổ lỗi cho báo điện tử, Internet mà là do người dùng đã lạm dụng và không biết sử dụng nó. Những người tận dụng điều này để tạo ra sự nổi tiếng không có gì sai mà sai là ở chủ thể muốn nổi tiếng, họ muốn gì và mục tiêu của họ là gì. Họ đã biết cân đối hợp lý giữa cái được và cái mất hay chưa. Những người muốn nổi tiếng thường chỉ nghĩ tới mục đích của bản thân mình và chưa cân đối được cái lợi và cái hại.

Là một người nổi tiếng với rất nhiều thông tin được cập nhật trên báo mạng, anh có suy nghĩ gì về tác động của báo mạng hiện nay? Trả lời câu hỏi này của MC, Ca sĩ Tấn Minh cho rằng, báo mạng vô cùng tiện ích, hiện giờ các tờ báo giấy cũng đều có trang web. Trong thời đại nhịp sống đang chuyển động rất nhanh, báo điện tử trở thành niềm yêu thích mọi người. Buổi sáng ngủ dậy chỉ cần cầm chiếc điện thoại lên là có thể lướt được các thông tin nóng. Và khi bước chân ra khỏi nhà là đã có những thông tin thời sự để có thể trao đổi mọi người. Tôi nghĩ không chỉ các nghệ sĩ mà tất cả mọi người đang được hưởng lợi từ báo mạng nói riêng và môi trường thông tin Internet nói chung.

 

Là người ít dính scandal trên báo, Tấn Minh có chia sẻ gì về những hiện tượng đang lợi dụng báo mạng để được nhiều người biết đến? Với câu hỏi này, ca sĩ Tấn Minh chia sẻ, với tốc độ phát triển của xã hội như bây giờ, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Câu chuyện Bà Tưng không chỉ có ở Việt Nam , mà ở các nước khác cũng những chuyện như vậy.Điều tôi lo ngại nhất là những hiện tượng này đang ảnh hưởng đến các thế hệ khác, đặc biệt là thế hệ trẻ.Chúng ta có thể đủ lớn, đủ tỉnh táo để phân biệt thật giả, đúng sai. Tuy nhiên, thế hệ trẻ thì lại tin vào những thông tin mà báo chí trong đó có báo mạng đăng tải. Tôi hi vọng các bạn làm báo không biến thành công cụ cho những người thích nổi tiếng kiểu bà Tưng. Và cũng hi vọng mọi người sẽ cân nhắc thông tin đưa lên.

Trả lời câu hỏi: Từ ngày bạn đăng quang Á hậu Việt Nam năm 2008 ở Hội An, thì báo điện tử nói chung đã giúp bạn như thế nào trong con đường bạn chọn. Bạn nghĩ thế nào về sức mạnh của báo điện tử khi trở thành người nổi tiếng?, Á hậu Thụy Vân cho hay, sự phát triển của Internet mang lại cho nhân loại và Việt Nam chúng ta rất nhiều thứ. Báo mạng trong thời gian tới sẽ trở thành một phương tiện cực kỳ  chủ lực. Độc giả sẽ ngày càng tiếp cận báo mạng nhiều hơn rất nhiều so với báo giấy vì họ chỉ cần dùng một chiếc điện thoại thông minh hay điện thoại cá nhân, laptop hay Ipad là có thể tiếp cận với mọi thông tin, thậm chí tiếp cận cả truyền hình bằng Internet nhiều hơn việc đến một sạp báo để mua một tờ báo giấy để đọc. Bởi vậy tôi nghĩ rằng không ai có thể phủ nhận được sự tiện lợi của Internet.

Còn riêng với bản thân tôi, năm 2008 khi bước vào cuộc thi hoa hậu Việt Nam, khi đó tôi còn là sinh viên nên chưa thể tưởng tượng được sức lan truyền của báo mạng mạnh mẽ đến như vậy. Báo điện tử có tốc độ cập nhật tin tức rất nhanh và đem đến tin tức mới nhất ở một sự kiện nóng cho khán giả rất tốt. Và Thụy Vân cũng được hưởng lợi từ điều đó, sẽ nhiều người biết đến Thụy Vân hơn và nhiều người ủng hộ Thụy Vân hơn thông qua các bài báo mà các anh chị phóng viên viết về mình. Cho đến ngày hôm nay, 7 năm sau khi đăng quang, tôi nghĩ là sự không quên của khản giả dành cho Thụy Vân có lẽ cũng một phần là nhờ báo mạng, tất nhiên cũng có những bài báo giấy viết về Thụy Vân nhưng sức lan tỏa của báo mạng lại mạnh mẽ hơn cả và sẽ giúp cập nhật những thông tin gần với mình nhất. Qua đó, độc giả có thể biết được cô Á hậu Thụy Vân đang làm gì, hay các sự kiện như Thụy Vân lập gia đình, sinh em bé đều được báo mạng cập nhật thường xuyên để những người yêu quý và quan tâm đến Thụy Vân có thể theo dõi và chia sẽ.


Bên cạnh mặt tích cực, bạn đánh giá thế nào về mặt tiêu cực của báo mạng nói chung, sự lạm dụng báo điện tử như một công cụ để nổi tiếng mặc dù không có tài? Với câu hỏi này, Á hậu Thụy Vân bày tỏ quan điểm, không phủ nhận sự tiện lợi, sự cập nhật thông tin của báo mạng, tuy nhiên việc lợi dụng báo mạng để nổi tiếng cũng thực sự tồn tại. Ở trên thế giới cũng có hiện tượng đó, bởi vậy khi hiện tượng này xảy ra ở Việt Nam cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, trên thế giới họ  phân định rất rõ đâu là báo chính thống, đâu là báo lá cải.

Những tờ báo lá cải có tác động xấu đến cộng đồng. Tuy nhiên chúng ta không thể trách những phóng viên, những nhà báo mà chúng ta cần xây dựng ý thức cộng đồng. Chúng ta cần phải tự chắt lọc thông tin, chắt lọc những tờ báo có chất lượng, những thông tin chính thống nào đáng xem, đáng đọc.

Đôi khi chúng ta nhầm lẫn giữa việc được mọi người biết đến và sự nổi tiếng. Một người nổi tiếng, hay  một sự nổi tiếng cần phải có giá trị đích thực. Nổi tiếng không đơn thuần là để mọi người biết đến mà phải là sự nổi tiếng ở đây phải được mọi người công nhận, ghi nhận bởi những gì chúng ta đã cống hiến. Điều đó mới có giá trị lâu bền lâu dài.

Sau khi tọa đàm trực tuyến, các đại biểu tham dự đã tham gia giao lưu với độc giả VnMedia. Dưới đây là nội dung của giao lưu.

- Tuấn Bình - Nam , 30 tuổi, Tuanbose@yahoo.com hỏi: Ông dự báo gì về sự phát triển của báo điện tử?

 

 Ảnh minh họa
Ông Vũ Hoàng Liên đang trả lời trực tuyến


Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia :
Báo điện tử trong tương lai sẽ có vai trò chính vì xu hướng hội tụ của các media, nên báo in đã từng cuốn vào báo điện tử thì trong tương lai báo hình cũng phải diễn đạt theo hình thức của báo điện tử. Báo điện tử hiện nay cũng có những vai trò lấn át báo in nhưng tương quan so với kênh truyền thông truyền hình, báo điện tử vẫn còn khoảng cách rất xa. Nhưng trong tương lai, báo điện tử sẽ là vai trò chính không dừng lại ở giới hạn Internet.


- Ba Tư - Nam , hỏi: - Nhiều người đẹp thường hay khoe con trên trang facebook, rồi sau đó một số trang mạng lấy lại. Chị có quan điểm thế nào trong việc chia sẻ hình ảnh người thân lên mạng?

 

Á hậu Thụy Vân : Con cái là niềm hạnh phúc, là niềm tự hào của tất cả các bậc làm cha làm mẹ nên dễ hiểu tâm lý muốn chia sẻ hình ảnh con cái với mọi người, và nghệ sĩ thì cũng có chung tâm lý như vậy. Bởi vậy, Vân nghĩ mọi người sẽ có thể đồng cảm về điều này, trừ khi cái sự công khai hình ảnh con cái có ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của em bé.


 Ảnh minh họa
Á hậu Thụy Vân

 

- Fan hâm mộ gia đình Tấn Minh - Nam , 25 tuổi, Hà Nội hỏi: Anh khá kín tiếng và hình như không có scandal trong suốt bao năm, có phải anh trốn tránh truyền thông, hay bí quyết nào đã khiến anh thực hiện được như vậy?


Ca sĩ Tấn Minh :
Tôi sống đúng với những gì tôi suy nghĩ và tôi cho là đúng. Tôi không trốn tránh truyền thông, mà đơn giản là tôi sống lành mạnh, không thích tạo scandal nên có thể truyền thông không khai thác được từ khía cạnh này. Còn những thông tin về hoạt động nghệ thuật của tôi vẫn được các báo đưa tin đầy đủ, vì thế không có lý gì nói tôi trốn tránh truyền thông.

 

- Thanh Thúy - TP Hồ Chí Minh hỏi: Ông hay đọc gì trên báo điện tử? ông có cho rằng báo điện tử đang sa đà vào phục vụ những thị hiếu tầm thường không?

 

Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam , nguyên Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia : Tôi có đọc báo nhưng không giành nhiều thời gian cho báo điện tử. Tôi không nghĩ báo điện tử bị sa đà vào những thứ tầm thường. Bởi vì một tờ báo cũng phải đưa cả thông tin quan trọng, thông tin đi vào đời sống hàng ngày. Tôi nghĩ thông điệp dẫn dắt người nghe để lý giải giá trị cho tin tức đó là gì và báo điện tử nên lưu ý. Cái ý nghĩa của thông điệp muốn truyền tải cho bạn đọc là gì và đó mới là giá trị thực. Nếu thông tin trọng đại mà không truyền tải được thông điệp cho bạn đọc thì cũng không có giá trị. Nói chung quan trọng là cách truyền tải của báo điện tử. Nhiều thông tin chỉ dừng ở hiện tượng nên có thể trở nên tầm thường.

- Khôi Anh - Nam , 22 tuổi, Hà Nội hỏi: Tài năng của một nghệ sỹ được đánh giá bằng sản phẩm của họ. Truyền thông sẽ là người đưa thông tin về sản phẩm đến công chúng. Anh có cho rằng công đoạn “quảng bá” này sẽ là sơ hở để nhiều kẻ bất tài lợi dụng “đánh bóng” khả năng không có thực của họ?


 Ảnh minh họa
Ca sĩ Tấn Minh

 

Ca sĩ Tấn Minh : Truyền thông là phương tiện kết nối tốt nhất giữa nghệ sĩ và khán giả, để mọi người có thể biết đến cuộc sống cũng như những sản phẩm âm nhạc mà các nghệ sĩ đã tâm huyết để cống hiến cho khán giả. Bên cạnh đó, có những người cũng lợi dụng việc này để đánh bóng tên tuổi của mình. Tôi mong là mọi người nên chắt lọc thông tin để tìm cho mình những giá trị đích thực.

 

- Nguyễn Hoàng Nam - Nam, 31 tuổi, Ba Đình, Hà Nội hỏi: Chào ca sỹ Mỹ Linh và Tấn Minh, Có ý kiến cho rằng : "Việc sản phẩm âm nhạc của ca sỹ phổ biến miễn phí trên mạng giúp âm nhạc của ca sỹ đến với đông đảo công chúng hơn, giúp ca sỹ đó và sản phẩm âm nhạc đó nổi tiếng hơn, theo đó cat xê ca sỹ tăng cao hơn, thu nhập cũng tăng theo. Dù gì, thu nhập ca sỹ - đặc biệt ca sỹ nổi tiếng - hiện nay cũng đang ở mức cao nhất nhì so với các ngành nghề khác trong xã hội". 2 ca sỹ nghĩ gì về ý kiến này ?

 

 Ảnh minh họa
Ca sĩ Mỹ Linh trả lời trực tuyến với bạn đọc VnMedia.


- Ca sĩ Mỹ Linh :
Tôi không đồng ý với ý kiến này. Tôi nghĩ mỗi sản phẩm được sản xuất, cống hiến cho xã hội cho dù là sản phẩm âm nhạc, nghệ thuật đều cần phải được trao đổi, mua bán, cái đó mới làm cho thị trường phát triển. Và chỉ khi có thị trường tiêu thụ thì nền công nghiệp âm nhạc mới phát triển được. Còn nếu phát miễn phí thì sẽ khó có sản phẩm chất lượng vì nó không có sự quay vòng. Đấy là nói về quy luật thị trường. Tôi nghĩ là không nên so sánh vì mọi sự so sánh đều khập khiễng. Còn nếu bắt buộc phải đặt một phép so sánh nào đó thì hãy so sánh thu nhập của các nghành nghề, ví dụ như ngành y, nhà giáo, hay bất cứ ngành gì của ta với nước ngoài sẽ thấy sự chênh lệch rất nhiều chứ không ai lại đi so sánh giữa các ngành nghề với nhau.

 

- chuotbach024 -Nu, hỏi: - Chị là người đẹp thông minh và sắc sảo, tại sao chị không tham gia showbiz mà chọn nghề báo hình. Chị có sợ sự nổi tiếng không?

 

- Á hậu Thụy Vân : Nổi tiếng đúng nghĩa thì Vân không có sợ (cười). Vân chọn nghề báo không hẳn vì Vân sợ sự nổi tiếng hay sợ Showbiz mà vì Vân yêu nó và muốn gắn bó là công việc cho mình.

 

- Cao Thành Tĩnh - Nam, 35 tuổi, Hải Dương hỏi: Vừa từng là Tổng Biên tập báo điện tử, ông có thừa nhận là báo điện tử là nguyên nhân của sự sa đọa trong lối sống của thanh niên?

 

- Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam , nguyên Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia : Không thể nói như thế được. Báo điện tử đóng góp được nhiều lợi ích cho xã hội. Công của báo điện tử nói chung không thể không thừa nhận. Tuy còn có những vấn đề bất cập nhưng những lỗi này vẫn là tỷ lệ rất nhỏ. Tôi vẫn cho rằng, sự ảnh hưởng của những lỗi này đến số đông của cộng đồng không phải là ảnh hưởng lớn. Bởi vì chân giá trị của cộng đồng và số đông những người hiểu biết vẫn biết chọn lọc và không dễ gì bị cuốn theo và bị chi phối bởi điểu đó.

 

- Hà Linh -Nu, 25 tuổi, hỏi: chị có nghĩ rằng, đối với người quá trẻ, nổi tiếng cũng là một con dao 2 lưỡi không? Vậy những người trẻ nên làm gì?

 

- Ca sĩ Mỹ Linh : Tôi nghĩ việc nổi tiếng khi còn quá trẻ khi mà bản thân chưa có sự chuẩn bị tâm sinh lý đầy đủ về cuộc sống đúng là con dao hai lưỡi. Tôi nghĩ những người trẻ cần có sự chuẩn bị trước những áp lực đó.

 

- Hoàng Hải - Nam , 40 tuổi, Hà Nội hỏi: Ông có đọc về hiện tượng “bà tưng” không và ông có cho rằng cô ta đang nổi tiếng không? Cảm ơn ông và chúc ông mạnh khỏe.

 

- Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam , nguyên Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia : Tôi có lướt qua thông tin về bà Tưng và cũng cho rằng, đã gây được chú ý cho rất nhiều người. Tôi nghĩ rằng chỉ có một bộ phận nhỏ thừa nhận giá trị, còn hầu hết mọi người không thừa nhận giá trị đó và có rất nhiều phản ứng trong xã hội về cách gây chú ý của bà Tưng.

 

- Hoài Anh -Nu, 35 tuổi, hỏi: Một nhà báo đã từng “than thở” trên trang facebook rằng: “Nhiều độc giả cứ chửi báo chí bây giờ lá cải. Nhưng thực tế là, những bài báo viết nghiêm túc về các vấn đề âm nhạc thì chả ai đọc, nhưng những bài nói về hot girl khoe ngực, khoa thân, cướp – giết – hiếp… thì lượng người đọc tăng đột biến” – Chị suy nghĩ gì về điều này?

 

- Ca sĩ Mỹ Linh : Thực tế này phản ánh một xã hội mà văn hóa thưởng thức nghèo nàn, một xã hội có quá nhiều người rảnh rỗi. Điều này hiện tại không có gì lạc quan nhưng hãy tin vào một thế hệ trẻ sẽ có những đời sống tâm hồn tiến bộ hơn, giàu có hơn.

 

  - tuanminh2003 - Nam , hỏi: Theo ông,sự phát triển của báo điện tử đã góp phần thế nào trong sự phát triển của Internet nói chung. Hiệp hội Internet đã có những chính sách, hỗ trợ gì đối với sự phát triển của Báo điện tử?

 

- Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam , nguyên Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia : Báo điện tử kế thừa môi trường Internet để phát huy vai trò của mình. Đồng thời đóng góp tạo nên sức sống thật của Internet. Trước kia người ta chỉ nghĩ Internet như một hạ tầng mạng và bây giờ nhìn thấy sức sống của nó. Hiệp hội Internet có mối quan hệ với các báo điện tử, cộng đồng báo chí nói chung trong các hoạt động của mình, bản thân lĩnh vực Internet của Việt Nam đã được cộng đồng báo chí ủng hộ từ thời kỳ đầu cho đến quá trình phát triển như hiện nay. Có thể khẳng định, Internet phải biết ơn cộng đồng báo chí và báo điện tử. Hiệp hội Internet trong chương trình hoạt động chưa có nội dung cụ thể hỗ trợ cho báo điện tử. Đây cũng là sự nhắc nhở để hiệp hội có sự quan tâm tới báo điện tử.

 

- chuotbach024 -Nu, hỏi: - Một người đẹp bây giờ rất dễ nổi tiếng: Đó là chụp vài bộ ảnh khoe thân, hoặc lên facebook phát biểu một câu gây sốc nào đó,… thế là được chú ý. Chị có thấy cách đó dễ dàng hơn cách đi thi Hoa hậu của chị không? Nếu giờ là một cô gái mới lớn, xinh đẹp, tài năng… chị chọn cách thi Hoa hậu, hay chọn cách tạo scandal để nổi tiếng?

 

- Á hậu Thụy Vân : Hì hì, bạn có nghĩ là sau bộ ảnh khoe thân hay một câu hỏi gây sốc thì độc giả sẽ gọi bạn là gì không? Còn với Thụy Vân, Vân có thể tự hào rằng sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, mọi người đã yêu quý và công nhận danh hiệu Á hậu và gọi Vân với danh hiệu đó kể cả khi Vân đã già. Nói vui vậy thôi, nhưng Vân nghĩ rằng sự nổi tiếng đem lại giá trị cho cộng đồng, được công chúng ghi nhận mới là sự nổi tiếng bền vững.

Với thời hạn 2 giờ đồng hồ, buổi toạ đàm trực tuyến đã phần nào giải đáp được những câu hỏi xung quanh chủ đề Báo điện tử và sự nổi tiếng hiện nay. Tuy nhiên, đây vốn là vấn đề được rất nhiều độc giả cũng như các vị đại biểu, đồng nghiệp báo chí tham dự quan tâm, do đó, chúng tôi vẫn chưa trả lời hết được các câu hỏi mà quý vị đưa ra. VnMedia xin cáo lỗi cùng bạn đọc. Hẹn gặp trong một buổi toạ đàm, giao lưu diễn ra trong thời gian gần nhất có thể.


Báo điện tử VnMedia - Ảnh Ngọc Lân, Thanh Hải

Ý kiến bạn đọc