Cuộc đua smartphone: Thất bại sẽ là ... Apple?

06:59, 13/01/2013
|

(VnMedia) - Không chỉ Nokia hay RIM và ngay cả gã khổng lồ Apple cũng có dấu hiệu đuối sức trong cuộc chiến smartphone. Do đó, Apple cần “vũ khí” lợi hại hơn để có thể trụ vững trong cuộc chiến này.

Năm 2012 tuy đặc quyền đặc lợi của cuộc chiến smartphone nằm chủ yếu trong tay hai công ty Google và Apple. Nhưng đã có bước ngoặt lớn khi đội quân Android, dẫn đầu là Samsung đã vượt mặt Apple. Theo hãng nghiên cứu thị trường, thị phần của Android tăng trưởng gần 20% trong quý 3/2012 so với năm trước trong khi iOS giảm 1,1%. Điều đó là do iPhone 5 của Apple mới được bán ra thị trường trong khi các thiết bị Android hàng đầu đã có mặt trước đó tới 5 tháng.

Một báo cáo cập nhật mới đây cho biết, thị phần cao nhất chưa từng có của Apple tại Mỹ đã đạt 53,3% nhờ vào iPhone 5. Điều đó có nghĩa rằng, vấn đề đối với Apple không phải là ở thị trường Mỹ mà ở thị trường toàn cầu.

Giá quá đắt

Phải nói rằng các sản phẩm của Apple vẫn được xếp vào hàng xa xỉ. Tuy nhiên, giá cả không phải là vấn đề lớn đối với thị trường nhà của Apple khi chúng được bán với giá 199USD kèm thèo hợp đồng 2 năm đối với phiên bản 16GB, trong khi đó nếu không kèm hợp đồng chúng có giá 649USD. Nhưng mức giá này lại có sự chênh lệch khá rõ nét ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Chẳng hạn ở Trung Quốc, sản phẩm được phân phối có giá 947USD, còn ở Ấn Độ là 928USD. Đây là hai quốc gia có dân số đông nhất thế giới.

Chính mức giá khá cao đã khiến cho các smartphone bình dân có cơ hội “ăn điểm” tại thị trường đông dân này. Ở Trung Quốc, các nhà sản xuất Xiaomi, ZTE, Huawei và các công ty khác chiếm khoảng 70% thị trường. Điều đó được lý giải là do sản phẩm bán được ở mức giá thấp và cũng đáp ứng được trải nghiệm cao cấp với một mức giá chỉ bằng 1/3 so với iPhone.

Thị trường này được lấp đầy bởi các công ty sản xuất điện thoại Trung Quốc và ngay cả Samsung – công ty cũng cung cấp các thiết bị giá bình dân- cũng cảm thấy khó có thể cạnh tranh được.

Trong khi đó, tại Ấn Độ - thị trường đông dân thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, thậm chí còn tồi tệ hơn. Đầu tiên, một chiếc iPhone 5 không kèm theo hợp đồng có giá 928USD, cao hơn cả Samsung Galaxy Note 2 (giá 688USD). Mức giá cao ngất đã khiến cho iPhone trở thành sản phẩm xa xỉ và tạo cơ hội cho Note 2 và Galaxy S3 hút khách mua. Thị phần của Apple tại Ấn Độ khá ít ỏi – 1,2%, trong khi Samsung chiếm tới 51%.

Do đó, với giá quá đắt ở Ấn Độ và “con đường đầy chông gai” ở Trung Quốc khiến cho Apple rất khó khăn để tìm được thành công trong hai thị trường chiếm tới 36,5% dân số toàn cầu. Hơn nữa, công ty tiếp tục bị Samsung cạnh tranh quyết liệt tại Châu Âu, thậm chí phiên bản hai năm tuổi – Galaxy S2 còn đánh bại cả iPhone 5 tại thị trường Anh.

Cần giữ “bánh xe” đổi mới chuyển động

Điều đó dường như không phải là vấn đề duy nhất đối với thiết bị thành công nhất của Apple. Sau khi iPhone 5 phát hành, nhiều người cho rằng, Apple phát hành một thiết bị mới với ít cải tiến và thiếu sự đổi mới sáng tạo. Apple có thể sẽ phải suy nghĩ lại về việc tại sao cần phải đối mới chứ không riêng gì việc làm cho chúng tốt hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến Rim rơi vào “vũng lầy”.

Hệ điều hành lỗi thời của nhà sản xuất BlackBerry đã bị iOS và Android vượt qua và hiện đang phải chiến đấu để tự cứu chính mình. Apple phải luôn ghi nhớ lỗi bất hành của RIM trong tâm chí và họ cần giữ cho bánh xe đổi mới luôn chuyển động. Những cải tiến nhỏ nhặt sẽ không có tác dụng khi Android đã có thâm niên và một vị trí hoàn hảo để cạnh tranh với iPhone và tham vọng của Samsung xuất xưởng gần 400 triệu smartphone cũng nhằm mục đích đó.

Ảnh minh họa

Apple cần tạo được sự đột phá như từng làm với iPhone 4.


Nếu như iPhone 4S, hệ điều hành hoàn toàn trơn tru, sạch sẽ, điện thoại và tất cả mọi thứ hoạt động hoàn hảo, chơi game và các ứng dụng khá tuyệt vời. Điểm hạn chế duy nhất của chúng là thiếu tùy biến so với Android nhưng chúng được coi là một “cỗ máy” hoạt động hiệu quả nhất. Nhưng đến với iPhone 5, người ta đã nhận thấy sự nghèo nàn trong đổi mới trên sản phẩm của Apple. Hơn nữa, Apple lại vội vàng gỡ bỏ ứng dụng Google Maps, vốn khá quen thuộc với người dùng và thay bằng Apple Maps “thảm họa”. Chính sai lầm này đã buộc CEO Tim Cook phải lên tiếng xin lỗi người dùng.

Phân khúc smartphone đang rất sôi động với sự đổi mới sáng tạo, với sự liên tục phát triển của Android và nhen nhóm các nền tảng mới như hệ điều hành Firefox, Ubuntu cùng Bada hay Tizen của Smssung. Trong hoàn cảnh này, Apple sẽ cần tạo ra một thứ gì đó nổi bật hơn trên thiết bị iPhone thế hệ mới như những gì hãng đã làm đối với khi phát hành iPhone 4.

Hơn nữa, một trong những lý do Samsung tiếp tục trở nên hùng mạnh là vì tốc độ gia tăng nhanh sản phẩm phù hợp mới mọi đối tượng người dùng trên toàn cầu, cộng với giá cả hợp lý và các tính năng hấp dẫn. Trong khi đó, iPhone 5 mất khoảng 3 tháng kể từ sau khi ra mắt hồi tháng 9 mới có thể trải khắp trên toàn cầu. Apple cần phải có chiến lược tung sản phẩm ra thị trường toàn cầu nhanh hơn nữa nếu họ muốn giữa được “miếng bánh” của mình trong một thời gian dài.

Do đó, để có thể giữ được chỗ đứng vững chắc trên thị trường smartphone, Apple sẽ cần phải tạo ra được bước đột phá trên sản phẩm của mình, nếu không họ sẽ tự “đào mồ” chôn mình.

Trong khi hệ điều hành Android của Google vẫn là nền tảng phổ biến nhất, đánh bại cả iOS và các nền tảng khác. Nhưng ngay cả Android không phải là không có sai lầm và khả năng các nền tảng khác sớm xuất hiện trên thị trường sẽ gây khó cho chúng. Cho đến nay Samsung và Google vẫn “tay trong tay” nhưng có thể đến một lúc nào đó Samsung sẽ phải quay trở lại “chĩa súng” vào Google để thoát khỏi cái bóng của gã khồng lồ này.


Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc