(VnMedia) - Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thiết bị điện tử tiêu dùng Nhật Bản như Sony, Panosonic và Sharp đang bị lép vế bởi các đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc. Họ đang phải tìm hướng đi mới để có thể trụ vững trên thị trường.
Cách đây không lâu, các công ty Nhật Bản như Sony, Panasonic và Sharp được coi là những thương hiệu cao cấp trên thị trường điện tử tiêu dùng. Họ chế tạo mọi thứ trong thế giới điện tử tiêu dùng, từ tivi tới lò vi sóng và thiết bị nghe nhạc kỹ thuật số. Có vẻ như không có cách nào chặn được đà tăng trưởng của họ. Sản phẩm của họ thường có mức giá cao hơn, thể hiện đẳng cấp chất lượng và người tiêu dùng thường lựa chọn thương hiệu này.
Nhưng hiện nay, những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản đã giảm sút dần, nhiều trong số đó đang phải vật lộn chỉ để giữ được lợi nhuận. Sharp thất bại lớn trên thị trường chứng khoán năm nay đã rơi vào trạng thái “báo động” và đang tìm kiếm gói cứu trợ từ chính phủ Nhật Bản. Lãnh đạo của Panasonic đã báo hiệu sẵn sàng rơi vào trạng thái kinh doanh không lợi nhuận và có thể một ngày nào đó, tivi Panasonic sẽ biến mất khỏi thị trường.
Sự sụp đổ này đánh dấu sự thay đổi đáng kể đối với các công ty từng đứng đầu thế giới điện tử tiêu dùng. Đây cũng đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên mà các công ty Nhật Bản nghĩ rằng, họ có thể hoạt động tốt trên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Trong khi đó, đối thủ đến từ Hàn Quốc - Samsung trong thập kỷ trước chưa là gì nhưng đã vươn lên thực sự thành công hơn nhiều so với các đối thủ Nhật Bản.
Các công ty lớn khá chậm chạp
Vì sao các đại gia công nghệ Nhật Bản không thể trụ được? Nguyên nhân được lý giải rằng, là do các công ty này không chú ý tới xu hướng đang thay đổi cho dù họ trội hơn các đối thủ nước ngoài. Khi thị trường tiêu dùng dịch chuyển sang các thiết bị di động, ứng dụng phần mềm, thiết bị giải trí số, Internet… công ty Nhật Bản vật lộn để theo kịp xu hướng đó. Mặt khác như giá đồng Yên tăng lên cũng khiến cho các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản ra nước ngoài có giá cao lên.
Năm nay, Kazuo Hirai nhậm chức CEO Sony với nỗ lực tạo ra sức sống mới cho công ty. |
Sự sụt giảm kinh doanh tivi Nhật Bản là minh chứng tốt nhất cho sự sụp đổ của những đại gia công nghệ nước này. Sony, Sharp và vô số các công ty Nhật Bản khác chiếm ưu thế trong kinh doanh truyền hình khi các TV ống cồng kềnh chiếm ưu thế.
Một vài trong số họ chuyển sang TV màn hình phẳng nhưng cạnh tranh gia tăng và lợi nhuận giảm sút đã gây không ít khó khăn cho các công ty. Những công ty không trụ được đã bị đánh bật khỏi thị trường này như JVC, Hitachi, Fujitsu, Toshiba, NEC, và Pioneer.
Tivi Panasonic đang vật lộn để giữ chỗ đứng trên thị trường. |
Trong khi đó, LG và Samsung, đặc biệt là Samsung đã tập trung vào các TV màn hình phẳng chất lượng cao hơn với nhiều tính năng hơn và giá cạnh tranh hơn so với các đối thủ. Nhờ đó mà thị phần của hãng đều đặn tăng lên. Đã từ lâu, tivi của Samsung đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản về tính năng và thiết kế. Hiện giờ, hãng đang dẫn đầu mảng kinh doanh TV với thương hiệu tiêu chuẩn vàng.
Bỏ lỡ mảng di động
Các công ty Nhật Bản cũng bỏ lỡ mảng di động. Panasonic và Sharp đã quá thiển cận và tập trung vào thị trường nội địa của họ. Sony bị ràng buộc bởi liên doanh với Ericsson cho dù gặt hái chút ít thành công với điện thoại cơ bản.
Những vài năm trước, Apple đã mở ra một phân khúc smartphone bằng chiếc iPhone đầu tiên, các công ty Nhật Bản nhanh chóng thấy không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm này. Sau đó, Google và Android gia nhập thị trường di động, các công ty Nhật Bản lại chậm chạp trong việc áp dụng nền tảng đang phát triển và tự đẩy mình lại phía sau so với Samsung và HTC.
Smartphone Sony Xperia TL. |
Giống như thị trường tivi, cạnh tranh trong lĩnh vực smartphone cũng vô cùng khốc liệt, chỉ có vài công ty giành thắng lợi. Cùng với Apple, chỉ có Samsung kiếm được lợi nhuận đáng kể với smartphone của mình.
Sony đã quay trở lại thị trường này bằng chiếc điện thoại hàng đầu của hãng - Xperia TL – chiếc điện thoại được James Bond sử dụng trong phim "Skyfall" do Sony sản xuất. Sharp cũng tung ra thị trường Mỹ một vài mẫu điện thoại nhưng ít người biết đến chúng. Panasonic cũng tham vọng mở rộng ra ngoài thị trường Nhật bằng dòng smartphone Eluga nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện điều đó.
Thay đổi bản sắc
Thay vì với thương hiệu hàng điện tử tiêu dùng quen thuộc, Sony và Sharp đang tìm cách cung cấp các bộ phận điện tử cho các công ty lớn hơn. Chẳng hạn như Sony cung cấp camera cho iPhone, còn Sharp cung cấp màn hình hiển thị cho smartphone của Apple.
Nhưng thậm chí công việc kinh doanh màn hình cũng không hoàn toàn an toàn, khi các đối thủ cạnh tranh giá rẻ đe dọa “miếng ăn” của Sharp.
Chủ tịch Kazuhiro Tsuga của Panasonic lại thẳng thắn nói về dự định của mình di chuyển khỏi lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Gần đây, ông nói với những người quản lý rằng, bất cứ mảng kinh doanh nào không kiếm được ít nhất 5% lợi nhuận sẽ không còn tồn tại trong công ty.
Sony, nhà sản xuất thiết bị chơi game cầm tay PlayStation và chủ sở hữu xưởng phim Hollywood có thể tồn tại tốt trong lĩnh vực game và giải trí. Công ty đang tập trung hơn vào lĩnh vực như hình ảnh và game, ngay cả khi họ thiết lập được vị thế của mình trong lĩnh vực điện thoại di động.
Cạnh tranh mới
Sự cạnh tranh không chỉ đến từ các đối thủ Mỹ và Hàn Quốc mà từ chính các đối thủ giá rẻ Trung Quốc. Chẳng hạn, Lenovo đã chứng tỏ sự thống trị của mình trong mảng máy tính. Điều này sẽ gây khó khăn cho Sony và Toshiba. Về điện thoại di động, Huawei và ZTE đang có những bước tiến lớn trên thế giới cả về điện thoại bình dân và cao cấp.
Huawei gây sức ép lớn cho các đối thủ trong lĩnh vực ĐTDĐ. |
Trong lĩnh vực TV, các công ty Trung Quốc cũng là mối đe dọa lớn đối với các công ty Nhật Bản. Các nhà sản xuất TV hàng đầu của Trung Quốc gồm TCL, Hisense, đang bắt đầu di chuyển thâm nhập vào các thị trường khác với TV giá cực rẻ. Hisense đã giới thiệu ra thị trường Mỹ chiếc TV 4K cao cấp.
Đúng là không thể biết trước được công ty nào sẽ còn trụ vững trên thị trường nhưng rõ ràng những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Ý kiến bạn đọc