(VnMedia) - Để tồn tại và phát triển trong môi trường đầy cạnh tranh hiện nay, bản thân các hãng công nghệ lớn của thế giới cũng trải qua nhiều thăng trầm. Có hãng lấy đó làm bài học để tiếp tục đi lên. Có hãng thì lại đánh mất cơ hội đó để rồi dần chìm vào quên lãng. Những “gã khổng lồ” như Facebook, Apple, Microsoft, Sun, Yahoo…, đều tồn tại trong mình nhiều vấn đề và không phải con đường nào cũng trải toàn hoa hồng.
Microsoft: Thử thách đối mặt
Thành công của “ông trùm” phần mềm này đương nhiên gắn kết chặt chẽ với phần mềm máy tính, nhưng cũng không thiếu dấu ấn của phần cứng, chẳng hạn như máy chơi game Xbox. Ý tưởng lớn nhất của Microsoft có lẽ chính là việc cung cấp dịch vụ thuê ngoài phần mềm. Điển hình là việc hợp tác với Apple và sau đó là IBM, mà Office và Windows chính là các kết quả cụ thể. Tuy nhiên, do lo ngại bị qua mặt mà hai “gã khổng lồ” này đã bất đồng quan điểm với nhau, để rồi “trùm phần mềm” quyết định bán trực tiếp sản phẩm cho doanh nghiệp chứ không qua IBM.
MSN cũng là một trong những dịch vụ được tạo ra từ lo ngại bị “qua mặt” khi Microsoft xem AOL như đối thủ tiềm tàng. Rồi trong quá trình phát triển, Microsoft mất dần sự tập vào các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và người dùng. Hãng cũng bắt đầu lo ngại rằng Sony sẽ biến hệ thống chơi game PlayStation thành chiếc máy tính, và rồi Xbox được ra đời trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, Xbox lại làm khoét sâu hố ngăn cách với các OME và dần giết chết ngành kinh doanh game trên PC.
Thế rồi khi Google xuất hiện, Microsoft cũng lại trải qua những “cơn đau đầu” khủng khiếp. Hãng phần mềm này đã phải chi hàng tỉ USD chỉ để cố không bị Google qua mặt, nhưng rút cuộc kết quả cũng không như mong đợi. Tất nhiên, mọi thứ với Microsoft cũng chưa đến mức quá tồi tệ nhưng các OEM, từng giúp cho hãng này trở thành đối thủ không thể đánh bại, giờ đây lại đang sử dụng cả sản phẩm Google, và Microsoft cũng đang bị phủ bóng mờ trong một số lĩnh vực lớn như smartphone máy tính bảng.
Apple hồi sinh
Khởi đầu là công ty cung cấp PC cho người tiêu dùng, Apple từng bị tên tuổi của Commodore, vốn tập trung tốt hơn vào lĩnh vực người tiêu dùng, che khuất. Sau khi Jobs bỏ công ty ra làm ngoài thì Apple mất phương hướng hoàn toàn khi cố trở thành những khuôn mẫu như kiểu Compap, Sony/HP hay sau này là Microsoft. Mở rộng phần cứng tràn lan, gồm cả máy ảnh, máy in, máy tính cầm tay, rồi sau đó là phần mềm (MacOS), có vẻ như Apple không đặt trọng tâm vào lĩnh vực cụ thể nào cả.
Tuy nhiên, mọi việc đã khác đi khi Jobs quay trở lại lãnh đạo công ty. Ông đã điều hành công ty tái tập trung vào lĩnh vực kinh doanh PC người dùng, rồi sau đó chuyển sang lĩnh vực giải trí. Với sự tái cơ cấu tập trung chủ yếu vào người tiêu dùng và những trải nghiệm đỉnh cao đã giúp cho “Quả Táo” lấy lại hình ảnh của mình. Apple là công ty duy nhất cho tới nay đi theo lộ trình: đánh mất mình rồi lại trở lại và mạnh hơn bao giờ hết.
Netscape: “Chết” vì kèn cựa
Netscape chính là điển hình của việc “quên mất mình là ai”. Khởi nguồn của Netscape là công ty Internet, và khi đó bất cứ ai muốn vào web đều phải sử dụng công cụ của hãng này. Thế nhưng Netscape lại không thể xác định là cần phải làm gì để tồn tại và lớn mạnh, đặc biệt là ko biết kiếm tiền như kiểu của Google. Thay vào đó, hãng này lại đi theo hướng cạnh tranh để nhằm thay thế Microsoft. Netscape đã lặp lại bài học xương máu y như khi Microsoft muốn “kèn cựa” với Google, và đương nhiên cái nhận về là sự thất bại. Giả sử bây giờ bạn có nói chuyện với vị lãnh đạo cũ nào đó của Netscape thì họ rằng Netscape đã bị chính Microsoft “tiêu diệt”.
Sun muốn thành Microsoft “phẩy”
Sun cũng có tác động tương tự với IBM như trường hợp của Google với Microsoft. Sun chính là tác nhân khiến cho IBM đánh mất mô hình thành công của hãng và phá bỏ các rào cản định sẵn, thế nhưng Sun lại không thể sống sót trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Sun cũng khiến cho Microsoft thiệt hại ít nhiều nhưng rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu.
Sun cũng là một trong những khuôn mẫu điển hình của việc “quên mất mình là ai”, và quá tập trung vào việc bắt chước mô hình của công ty khác. Thực tế thì Sun có lẽ cũng đã nhận ra là không thể cạnh tranh với Microsoft, trong khi lại là đối thủ cạnh tranh của nhiều tên tuối khác như IBM, HP và Dell. Thay vì như Apple, chỉ tập trung vào những giải pháp toàn diện và làm chủ giải pháp đó, thì Sun lại cố trở thành một Microsoft khác.
Yahoo: Câu chuyện buồn
Có lẽ “buồn” nhất trong nhóm các công ty đề cập ở đây là trường hợp của Yahoo, vốn sở hữu cả một mạng xã hội rất mạnh ngay trước khi chúng ta gọi chúng là mạng xã hội, thì nay sức cạnh tranh đã bị thui chột và hầu như người dùng không còn thấy vai trò quyết định của hãng này trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Thách thức Yahoo chính là Google, vốn được đầu tư mạnh tay hơn và có nhiều tham vọng hơn. Thế nhưng thay vì tăng cường hợp tác và nhận thức đúng vai trò chỉ là nhà cung cấp thông tin quảng cáo có giá trị thì giới lãnh đạo Yahoo lại theo đuổi các dự án bóng bẩy khác và kiên định với lĩnh vực tìm kiếm web.
Thật khôi hài là Facebook hiện chính là đe dọa lớn nhất đối với Google, chứ không phải Microsoft hay Yahoo. Giờ đây Yahoo đã mất hoàn toàn phương hướng và buộc phải kiện Facebook vi phạm các công nghệ mà thực tế đã không được còn dùng nữa. Thế mới nói thay vì trở thành nhà cung cấp mạng xã hội lớn mạnh thì Yahoo lại là một ví dụ “đầy nước mắt” của những sự cố khi bạn quên mất mình là ai.
Google: Không phải mọi thứ đều màu hồng
Nguồn thu chính của Google là bán quảng cáo. Chính vì thế mà hãng phải tìm mọi cách để biến các quảng cáo trên web trở nên giá trị hơn. Hiện Google cũng đang là nguồn quản lý doanh thu quảng cáo chính của cư dân mạng. Công thức chính của Google là kiếm tiềm từ Web, thế nhưng con đường phát triển của hãng đang gặp khó khăn không ít.
Đáng ra Google nên coi Microsoft và Facebook là đối tác thay vì đối thủ. Một nhân viên của Google từng nhận xét rằng có vẻ như hãng đang cố theo đuổi một mô hình như Facebook thay vì Microsoft, nhưng khó có thể đạt được. Google luôn xuất hiện với khẩu hiệu chống đối với Microsoft và luôn cố tạo cho mọi người cảm giác Microsoft là “quỷ dữ”, nhưng thực tế lại cho thấy Google làm nhiều thứ còn “tệ” hơn Microsoft.
Liệu Facebook có tránh được vết xe đổ?
Hiện Facebook đang rất phát triển và được coi là một hiện tượng mới. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Facebook sẽ lặp lại sai lầm của các hãng khác – có nghĩa là “quên mất mình là ai” và phát triển công ty theo mô hình của hãng khác. Một trong những đối thủ tiềm tàng của Facebook hiện nay là Pinterest nhưng cũng mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, cũng khó có thể nói trước điều gì trong bối cảnh hiện nay. Sở dĩ Facebook mạnh là chưa có một đối thủ ngang tài ngang sức, còn nếu có thì đương nhiên Facebook không thể cứ “làm mưa làm gió” trong mảng mạng xã hội được.
Tuệ Minh -
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc