(VnMedia) - Trong suốt những năm chèo lái Apple, mặc dù đã ở đỉnh cao vinh quang nhưng Steve Jobs vẫn giữ cho mình một hình ảnh bí ẩn – ngay cả về cái chết của ông. Jobs giấu rất kỹ mọi thông tin về đời tư, từ cuộc sống gia đình kỳ lạ cho đến những chi tiết trong cuộc chiến cam go chống lại bệnh ung thư tuyến tụy, một căn bệnh cuối cùng đã đánh gục ông ở tuổi 56.
>> Steve Jobs: "Chết là phát minh vĩ đại nhất cuộc sống"
Mặc dù CEO và người đồng sáng lập Apple luôn lẩn tránh mọi câu hỏi về đời sống riêng nhưng vẫn có những điều mà người ta tìm hiểu được về cá nhân ông, ngoài những chiếc MAC và iPhone. Có lẽ, những chi tiết mơ hồ về cuộc đời ông đã phủ một lớp sơn huyền ảo, nhiều sắc thái về chân dung một trong những con người xuất sắc nhất trong thời đại chúng ta.
Thời thơ ấu
Jobs sinh ra tại San Francisco vào ngày 24 tháng 2 năm 1955. Mẹ đẻ ông, một sinh viên vừa tốt nghiệp, đã quyết định cho ông làm con nuôi ngay từ khi sinh ra. Mặc dù mong muốn ông được nuôi dạy trong một gia đình luật sư, song cuối cùng bà đã đồng ý cho một gia đình công nhân nuôi ông khi họ hứa rằng sẽ cho ông học đại học.
Sau này, Jobs đã đi tìm lại bố mẹ ruột của mình. Mẹ ông, Joanne Simpson, đã trở thành nhà nghiên cứu và diễn thuyết về y tế. Bố ruột ông, Abdulfattah John Jandali, một người Hồi giáo Syria đã rời khỏi đất nước năm 18 tuổi, sau này là phó chủ tịch một sòng bạc lớn ở Nevada. Mặc dù Jobs vẫn giữ liên lạc với mẹ đẻ nhiều năm sau nhưng ông hầu như không liên hệ gì với bố mình.
Bỏ học giữa chừng
Trong bài diễn văn nổi tiếng tại lễ tốt nghiệp năm 2005 của trường Đại học Stanford, Jobs đã kể về những ngày ông bỏ học giữa chừng tại trường Reed, sau khi đã đóng học phí bằng toàn bộ số tiền tiết kiệm của bố mẹ nuôi. “Thời gian đó chẳng lãng mạn chút nào. Tôi không có phòng riêng nên đã ngủ trên sàn trong phòng của bạn bè. Tôi nhận trả vỏ chai để kiếm từng 5 cent mua thức ăn. Tôi đi bộ gần 11 cây số qua thành phố vào mỗi tối chủ nhật để kiếm một bữa ăn tử tế cho cả tuần tại thánh đường Hare Krishna”.
Chơi "không đẹp" với đồng nghiệp
Jobs nổi tiếng về những phát minh cho máy tính cá nhân, công nghệ di động và phần mềm, nhưng ông cũng là người đồng sáng tạo ra một trong những game video nổi tiếng nhất mọi thời đại. Năm 1975, Jobs làm việc cho Atari trong dự án phát triển game Breakout. Atari đã đề nghị trả ông 750 USD cho công việc này và trả thêm 100 USD cho mỗi chip loại ra từ thiết kế cuối cùng.
Jobs đã mời Steve Wozniak (sau này là một nhà đồng sáng lập Apple) cùng ông phát triển dự án này. Wozniak là người đã hoàn thành thiết kế đầu tiên thành công đến nỗi Atari đã trả 5.000 USD tiền thưởng. Tuy nhiên, theo cuốn tự truyện của Wozniak, Jobs đã giữ lại số tiền này và chỉ trả cho người bạn thân 375 USD.
Người vợ doanh nhân
Cũng như toàn bộ cuộc sống gia đình, Jobs luôn giữ cuộc hôn nhân của mình ngoài tầm mắt của công chúng. Hình ảnh Jobs trong tâm trí mọi người luôn gắn liền với vẻ cô độc, uy nghiêm, trong chiếc áo cổ lọ đen và quần jean. Nhưng ông cũng có một gia đình bình thường ở Palo Alto, với vợ mình, bà Laurene Powell. Laurene là một doanh nhân từng học tại trường kinh doanh nổi tiếng Wharton ở Pennsylvania và sau đó tốt nghiệp MBA tại Stanford, nơi bà gặp người chồng tương lai của mình.
Mặc dù dành toàn bộ tâm trí cho việc xây dựng công ty của mình, nhưng Jobs đã từng bỏ một cuộc họp để đi cùng Laurene trong lần hẹn hò đầu tiên. “Tôi đứng trong bãi xe với chìa khóa trong tay và tự hỏi ‘Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, mình sẽ dành nó cho cuộc họp công việc hay cho người phụ nữ này?’ Và tôi đã quyết định mời cô ấy đi ăn tối. Cô ấy đồng ý và chúng tôi bên nhau từ đó”.
Năm 1991, Jobs và Powell tổ chức lễ cưới tại khách sạn Ahwahnee. Nhà sư thuộc phái Thiền Tông Kobin Chino là người làm lễ cho cuộc hôn nhân này.
Người em gái nổi tiếng
Sau này, Jobs cũng đã tìm được người em ruột của mình. Em gái ông, Mona Simpson, là một nhà văn nổi tiếng, tác giả cuốn Anywhere But Here. Câu chuyện về một người mẹ và con gái này sau đó đã được dựng thành phim với diễn xuất của hai ngôi sao Natalie Portman và Susan Sarandon.
Sau khi đoàn tụ, Jobs và Simpson đã có quan hệ rất thân thiết. Ông cho biết :”Chúng tôi là một gia đình. Cô ấy là một trong những người bạn thân nhất của tôi. Vài ba ngày tôi lại gọi điện trò chuyện với cô ấy”. Cuốn sách Anywhere But Here khi in đã ghi lời đề tặng “anh trai Steve của tôi”.
Những mối quan hệ lãng mạn
Trong cuốn hồi ký không chính thống “Sự trở lại của Steve Jobs”, một người bạn tại trường Reed đã tiết lộ rằng Jobs từng có mối quan hệ lãng mạn ngắn ngủi với ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng Joan Baez. Baez cũng khẳng định hai người từng có thời gian “thân mật”, mặc dù khi đó mối quan hệ của cô với Bob Dylan nổi tiếng hơn nhiều. Cuốn sách này cũng cho biết Jobs đã từng qua lại với diễn viên Diane Keaton.
Con gái ngoài giá thú
Khi 23 tuổi, ông và người bạn gái thời trung học đã có một cô con gái tên là Lisa Brennan Jobs. Cô gái sinh năm 1978, ngay khi Apple bắt đầu có chút tiếng tăm trong giới công nghệ. Ông và Brennan không kết hôn và có tin rằng Jobs đã từng có thời gian phủ nhận quan hệ cha con này, thậm chí còn tuyên bố ông bị vô sinh trong một số tài liệu ở tòa án. Tuy nhiên sau đó ông đã có 3 người con với vợ là Laurene Powell. Sau này, khi mối quan hệ cha con được nối lại, Jobs đã trả chi phí cho cô con gái đầu đi học tại Harvard. Cô đã tốt nghiệp năm 2000 và hiện làm việc cho một tạp chí.
Cách sống khác thường
Trong một số ít cuộc phỏng vấn, Jobs đã bóng gió về những trải nghiệm thời trẻ của ông với chất gây nghiện LSD. Trong một lần nói về Bill Gates, ông cho biết :”Tôi luôn mong cho ông ấy những điều tốt đẹp nhất, thực sự vậy. Tôi thấy ông và Microsoft có chút hẹp hòi. Ông lẽ ra có thể trở thành con người phóng khoáng hơn nếu ông từng dùng ‘thuốc’ hay đến một ashram hồi còn trẻ”. (ashram: một nơi tu luyện, ẩn dật)
Jobs từng gọi trải nghiệm của ông với thuốc gây nghiện là “một trong hai hay ba thứ quan trọng nhất mà tôi từng thử”. Thậm chí chính Jobs từng gợi ý, LSD có thể góp phần tạo ra phương pháp “nghĩ khác biệt”, điều đã khiến cho các thiết kế của Apple luôn dẫn đầu các đối thủ cạnh tranh.
Jobs luôn luôn là một người nhìn xa trông rộng và cuộc đời ông cũng phản ánh cách nhìn về tương lai này. Trong một chuyến đi tới Ấn Độ, Jobs đã đến thăm một ashram nổi tiếng tại đây và khi trở về Mỹ, ông đã trở thành một tín đồ đạo Phật phái Thiền Tông.
Jobs cũng là một người ăn chay theo kiểu pescetarian (không ăn gia súc, gia cầm nhưng ăn các loài thủy hải sản). Là một người rất tin tưởng vào y học phương Đông, ông đã tìm cách chữa trị căn bệnh ung thư bằng những phương pháp khác biệt và chế độ ăn uống kiêng khem, trước khi buộc phải phẫu thuật lần đầu tiên năm 2004.
Gia tài để lại
Là CEO của một thương hiệu giá trị nhất thế giới, Jobs đã đề xuất mức lương thấp nực cười là 1 USD/năm. Mặc dù hiện nay, mức lương này không phải là chuyện hiếm trong giới tập đoàn - Larry Page, Sergey Brin và Eric Schmidt của Google đều bỏ túi mức lương tương tự như ông – nhưng Jobs là người duy trì mức lương này từ năm 1997, khi ông làm giám đốc điều hành của Apple.
Hồi đầu năm 2011, Jobs sở hữu 5,5 triệu cổ phiếu của Apple. Sau cái chết của ông, cổ phiếu Apple hiện vẫn có giá 377,64 USD, tăng tới 43 lần giá trị so với hơn 10 năm trước.
Mặc dù nhận mức lương 1 USD mỗi năm, nhưng gia tài Jobs để lại là rất lớn. Phần tài sản lớn nhất ông kiếm được không phải từ Apple mà từ việc bán hãng phim hoạt hình Pixar cho Disney với giá gần 7 tỷ USD năm 2006. Năm 2011, với tổng tài sản ước tính khoảng 8,3 tỷ USD, ông là người giàu thứ 110 trên thế giới theo danh sách của Forbes. Nếu không bán số cổ phiếu Apple khi rời công ty năm 1985 (trước khi trở lại năm 1996), ông sẽ là người giàu thứ năm trên thế giới.
Ý kiến bạn đọc