(VnMedia) - Cùng với sự bùng nổ Internet và thương mại điện tử ở Việt Nam, các doanh nghiệp và cá nhân đã dần nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của tên miền. Tuy nhiên, mức nhận thức vẫn chưa thực sự được nhanh nhạy và thường rơi vào tình thế “mất bò mới lo làm chuồng”.
Rất nhiều trường hợp khi đi mua tiền miền mang chính công ty hoặc thương hiệu của mình thì mới ngã ngửa ra là đã có người đăng ký từ trước rất lâu rồi. Chính vì vậy, họ buộc phải đàm phán để mua lại, nhưng nhiều khi tên miền lại bị hét giá cao… ngất trời.
Có cung ắt sẽ có cầu. Hiện có khá nhiều trang giao dịch tên miền trực tuyến được mở ra để đáp ứng nhu cầu của “Thượng đế”. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng số người bán tên miền và giá cả quá cao, nhiều người cho rằng giới đầu cơ đã chú ý tới lĩnh vực này từ rất lâu rồi, và do vậy họ đã ém sẵn cả đống tên miền để chờ bán với giá “trên trời”, có khi lên tới hàng trăm nghìn USD/1 tên miền. Nhưng thực chất mức giá mua thành công là bao nhiêu? Có cao đến thế và giới đầu cơ có thực sự hốt bạc?
Treo giá để... chơi
Lướt qua các sàn giao dịch như raovatdomain, tenmienthuonghieu, moigioitenmien, shoptenmien,… mọi người sẽ không khỏi bất ngờ với những tên miền được rao bán lên tới 200.000USD/1 tên miền. Các tên miền này thường được liệt vào hàng “đặc sản”, tên miền người nổi tiếng,…
Nhiều tên miền được rao giá hàng trăm nghìn USD hay thậm chí tên miền nước ngoài còn có giá tới hàng triệu USD. |
Tuy nhiên, việc rao bán tên miền trên các trang web hiện nay không theo một quy tắc hay quy luật nào cả. Theo chị Dung, quản trị sàn Tên miền thương hiệu, những người đầu cơ có kinh nghiệm thường dựa vào sự nổi tiếng của các cá nhân, tổ chức liên quan đến tên miền để “hét” giá. Có tên miền hét giá lên tới cả chục nghìn USD nhưng thực ra họ bán được chỉ vài trăm USD. Thường thì 80% các giao dịch tên miền thành công trên sàn Tên miền thương hiệu có giá từ 350 - 500 USD, còn trên raobantenmien cũng chỉ khoảng dưới 500 USD.
Những tên miền rao giá cao nhất trên tenmienthuonghieu.com. |
Vấn đề đầu cơ tên miền diễn ra khá lâu và nổi tiếng nhất là ở các nước phát triển. Riêng Việt Nam hiện nay có rất nhiều các cá nhân, tổ chức đã bắt đầu đầu cơ tên miền. Nhưng thực chất không phải ai đầu cơ tên miền cũng thành công. Theo anh Khải, phụ trách trang raobantenmien, thành công thường rơi vào tay một số cá nhân ở nước ngoài. Vì họ sống ở đất nước phát triển và nhận thức khá sớm về vấn đề này nên đã mua được nhiều tên miền đẹp, tên miền của các thương hiệu lớn.
Hay như chính anh Khải cũng từng ôm trong tay vài chục tên miền nhưng rồi cũng phải bỏ vì bán không mấy ai mua nên giờ anh chỉ giữ lại một vài tên miền thấy hay hay để chơi cho vui. Theo anh Khải, giá rao trên trời vậy thôi chứ bán thực sự không cao, chủ yếu phục vụ thú vui, thường không mang lại lợi nhuận và lỗ vì không phải có là bán được ngay và phải trả chi phí duy trì tên miền hàng năm.
Biết nhưng không… thừa tiền
Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp lớn và vừa thực sự đã nhận thức rõ ràng về tên miền, đặc biệt là thương hiệu. Tuy nhiên, theo chị Dung, mức chi phí khoảng 350 USD đến 500 USD đối với họ là tương đối hợp lý cho việc duy trì và bảo vệ thương hiệu. Ngoài ra, mức chi phí khoảng vài 1000 USD thì chỉ một số ít doanh nghiệp có thể chấp nhận được. Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ, họ cũng nhận thức về vấn đề tên miền gắn liền với thương hiệu, nhưng đối với họ chi phí khoảng 500 USD để lấy lại tên miền là không khả thi, hoặc chỉ có một số ít trường hợp chấp nhận mức giá đó.
Chẳng hạn như thegioididong cách đây mấy năm mua lại tên miền chỉ khoảng 200 - 300 USD. Theo anh Khải, mức giá này cũng phản ánh đúng thực tế nhu cầu của người mua, chứ ít ai chịu bỏ ra khoản tiền lớn để mua lại. Hơn nữa, người Việt Nam chưa thực sự quan tâm nhiều tới các tên miền quốc tế.
Hay như tên miền của người nổi tiếng, thực sự là do hâm mộ người đó và hy vọng người nổi tiếng sẽ bỏ tiền ra mua lại tên miền (tên của người nổi tiếng) nhưng những người nổi tiếng không quan tâm. Trên trang raovattenmien có rất nhiều tên miền của người nổi tiếng như damvinhhung.com (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), trandinhlong.com (ông chủ Tập đoàn Hòa Phát),… được rao bán với giá không dưới 1000 USD và đã rao từ rất lâu nhưng chưa có ai hỏi mua. Chủ nhân sở hữu tên miền trandinhlong.com dự đoán: “Hiện giờ, tên miền người nổi tiếng chưa được chính bản thân họ chú ý. Nhưng vài ba năm nữa thôi khi thương mại điện tử thực sự phát triển và trở thành công cụ thiết yếu của công việc, những tên miền này sẽ rất có giá trị".
Gia tăng chóng mặt tên miền .vn
Theo ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), kể từ ngày 10/1/2011, thông tư 189/2010/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí tên miền quốc gia và địa chỉ Internet của Việt Nam có hiệu lực, thì phí đăng ký và duy trì tên miền đã giảm từ 30-70%, thậm chí có tên miền giảm gần 100%. Hơn nữa, chủ trương cấp phát miễn phí tên miền tiếng Việt cũng đã tạo ra một “làn sóng” đăng ký mới.
Với mức phí đăng ký tên miền mới, một tên miền .vn thông thường có phí đăng ký là 350.000 và 480.000/1 năm duy trì. Theo số liệu thống kế của Trung tâm Internet Việt Nam, chỉ tính từ ngày 14 - 18/2/2011 đã có tới 1.445 tên miền .vn được VNNIC cấp phép. Sau khi biểu phí mới được áp dụng chính thức từ 10/1/2011, thì nhu cầu sử dụng .vn và tên miền tiếng Việt đã gia tăng rất nhanh trong hơn tháng qua.
Ý kiến bạn đọc