(VnMedia) - Ngoài nhu cầu xem phim độ phân giải cao, TV 4K cũng là lời mời gọi rất hấp dẫn đối với game thủ. Thế nhưng, liệu ở thời điểm này, TV 4K đã phù hợp cho nhu cầu chơi game cao cấp hay chưa? Hãy cùng xem qua các thông tin tham khảo sau đây.
Nếu đang sở hữu trong tay các game console mới nhất như PlayStation 4 hoặc Xbox one sẽ không đồng nghĩa với việc bạn có thể chơi được các game 4K. Kể cả PS4 hoặc Xbox one có hỗ trợ 4K đi chẳng nữa thì chúng cũng không thực sự chơi được 4K, mà chỉ tối đa tới 1080p. Việc nâng cấp này cũng giống như việc PS2 có thể phát được nội dung 1080i hay PS3 và PS360 chơi được 1080p mà thôi.
Cách duy nhất hiện nay để chơi được game 4K là bạn phải dùng tới máy tính để bàn (PC).
Cần một chiếc PC mạnh mẽ
Việc tăng độ phân giải lên 4K rõ ràng sẽ cần rất nhiều năng lực xử lý của card đồ họa trên PC. Với nền tảng phần cứng hiện tại, bạn đã có thể chơi được game 4K nhưng không ở cấu hình tối đa. Một game có thể chơi ở tất cả các cấu hình đồ họa 1080p chỉ có thể chơi ở các thiết lập trung bình và thấp của 4K.
Thử nghiệm được tiến hành với chiếc PC cao cấp chạy bộ đôi card đồ họa Nvidia Titan X cực mạnh: Maingear Shift (8.800USD) và Origin Millennium (7.800USD) đạt độ phân giải gấp 3 lần 1080p và cận mức 4K. Hay như chiếc laptop Asus ROG G751 (2.300USD) cũng có thể phát được các khung hình ở mức gần 4K.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, kể cả khi được thiết lập tối ưu, không phải game nào cũng ổn ở độ phân giải 4K. Nếu game đó không hỗ trợ 4K, trông hình ảnh sẽ khá hơn nhưng thiếu mất cả chi tiết đồ họa mà chỉ ở 4K mới có. Chẳng hạn bạn có thể chạy Battlefield 4 ở 4K với độ sắc nét rất cao nhưng vẫn không phải 4K thực thụ. Để các game thực sự là 4K sẽ cần một khoảng thời gian vài năm nữa.
Một chiếc TV 4K
Không phải chiếc TV 4K nào cũng phát được hình ảnh 4K ở mức tối đa. Hầu hết những chiếc TV 4K đời đầu đều sử dụng chuẩn kết nối HDMI 1.4 cũ chỉ hỗ trợ hình ảnh tới 3.840 x 2.160 pixel, 30 khung hình/giây. Trong khi đó, gần như tất cả các game trên console đều được thiết kế chạy ở tốc độ 60 khung hình/giây, và để đạt được điều đó đôi khi phải giảm mức cấu hình độ phân giải xuống.
Với dòng tivi BRAVIA 4K Android TV 2015 vừa được Sony ra mắt vào ngày 25/5, người dùng có thể tận hưởng các hình ảnh chất lượng tốt nhất từ bất kỳ nguồn phát nào. Với màn hình độ phân giải 3840x2160, BRAVIA 4K Android TV 2015 được tích hợp công nghệ TRILUMINOS Display để tái hiện trung thực các sắc thái từ 3 màu cơ bản là đỏ, xanh lá và xanh dương. Màu sắc sẽ trở nên sống động trên màn ảnh với dải màu rộng hơn bao giờ hết, công nghệ điều chỉnh màu động đảm bảo sự đồng nhất và chính xác nhất có thể mỗi khi trình diễn. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hình ảnh, các mẫu TV 2015 cũng sẽ được tích hợp công nghệ cải tiến độ tương phản danh tiếng X-tended Dynamic Range nhằm đem lại độ sáng tối đa của LED cũng như màu đen sâu hơn.
Dòng Sony BRAVIA X9000C có thiết kế siêu mỏng, chỉ 4.9mm (ở vị trí mỏng nhất).
Mặt khác, những chiếc TV 4K ra mắt trên thị trường năm nay đã sử dụng HDMI 2.0 và tỉ lệ khung hình 4K tối đa đã được nâng lên 60 khung hình/giây. Một số cũng có cả cổng DisplayPort. Nhưng nếu chỉ dựa vào những thông số này khi mua TV 4K cũng chưa đủ. Bạn cần xem card đồ họa đã hỗ trợ HDMI 2.0 hay chưa. Rất ít card đồ họa có kết nối này ở thời điểm hiện tại.
Độ lag tín hiệu đầu vào
Nếu là game thủ khó tính, bạn sẽ quan tâm tới yếu tố này bởi nó tác động khá lớn tới điểm số trong game. Độ lag tín hiệu đầu vào chính là khoảng thời gian mà chiếc TV cần có để tạo ra hình ảnh kể từ thời điểm bạn bấm nút điều khiển. Ở thời điểm bạn có thể quan sát những thứ trên màn hình, chẳng hạn như kẻ thù xuất hiện ở các góc mai phục, thì độ lag tín hiệu đầu vào sẽ làm tăng khoảng thời gian trước khi bạn có thể phản ứng với kẻ thù.
Một số TV 4K có độ lag tín hiệu đầu vào khá tốt (ở dải 40ms). Tốc độ này là rất cao - tương đương với một số mẫu TV 1080p (hoặc màn hình máy tính) nhanh nhất hiện nay. Nói chung, bạn chỉ có một số lựa chọn giới hạn về thương hiệu TV nếu muốn một chiếc TV 4K có độ lag tín hiệu thấp.
Ngồi gần hơn
Một trong những đặc điểm khi chơi game 4K là phải ngồi gần màn hình hơn để có hình ảnh sắc nét hơn. Chẳng hạn, bạn có thể ngồi cách một chiếc TV 102-inch khủng gần 3m, hình ảnh sẽ rực rỡ và chi tiết hơn. Tuy nhiên, cũng có một số trở ngại, nếu chiếc màn hình lớn quá, bạn sẽ không thể quan sát được hết những chi tiết ở góc màn hình. Chẳng hạn trong chơi game, kẻ thù có thể xuất hiện ngoài tầm nhìn của bạn, và điều này rất hay xảy ra.
Nói chung, độ phân giải tăng lên là một trải nghiệm rất hấp dẫn với game thủ, nhưng nếu ngồi quá gần màn hình lớn, tuy hình ảnh sẽ nét và chi tiết hơn, nhưng bạn sẽ bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc trong game nhất là khi chúng xuất hiện ở cạnh hoặc góc màn hình.
Ý kiến bạn đọc