Tổng Giám đốc Tổng công ty VNPT Vinaphone Lương Mạnh Hoàng từng khẳng định, trong mô hình mới của VNPT VinaPhone, yếu tố con người là quan trọng nhất, quyết định sự thành công của đơn vị.
Ngày 11/8/2015, Tổng công ty VNPT VinaPhone sẽ chính thức ra mắt. Theo mô hình mới, Tổng công ty VNPT VinaPhone được xây dựng trên cơ sở hợp nhất bộ phận kinh doanh của các Viễn thông tỉnh, các công ty như VinaPhone, VDC, VTN, VNPTI để tập trung kinh doanh toàn bộ các dịch vụ viễn thông, CNTT của VNPT.
Đón chào 15.000 cán bộ, nhân viên đang làm việc trên khắp mọi miền tổ quốc cùng về mái nhà chung, Tổng Giám đốc Tổng công ty VNPT VinaPhone Lương Mạnh Hoàng đã khái quát một cách dễ hiểu nhất về mô hình mới, nhiệm vụ mới, thách thức mới của doanh nghiệp này: "Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh", là mô hình mới đang được Tập đoàn triển khai thực hiện nhằm đáp ứng xu hướng hội tụ công nghệ, hội tụ dịch vụ, quản lý tập trung đem lại hiệu quả kinh doanh cao hơn và đặc biệt là đem lại những tiện ích có giá trị hơn cho xã hội. Trong đó, VNPT VinaPhone thuộc lớp Kinh doanh, lớp đại diện cho Tập đoàn quan hệ và phục vụ với khách hàng, xã hội, lớp trực tiếp đối mặt với thị trường, với những thách thức cạnh tranh gay gắt”.
Tổng Giám đốc Lương Mạnh Hoàng từng khẳng định, trong mô hình mới của Tổng công ty VNPT VinaPhone, yếu tố con người là quan trọng nhất, quyết định sự thành công của đơn vị. |
Tổng Giám đốc cũng đã trao gửi thông điệp tới thị trường, khách hàng những cam kết về dịch vụ mà doanh nghiệp mới sẽ cung cấp: “Chúng ta sẽ tiếp tục đem đến cho khách hàng những dịch vụ viễn thông, CNTT, truyền thông phong phú, đa dạng, nhưng điểm khác và mới là một cửa phục vụ, đem lại những gói giá trị, lợi ích và sự hài lòng cao hơn cho khách hàng… khẳng định VNPT luôn là sự lựa chọn số 1 của khách hàng trong sử dụng dịch vụ viễn thông, CNTT và truyền thông”.
Lần đầu tiên đón nhận những lời tâm thư từ lãnh đạo trong bối cảnh đang sắp xếp lại lao động, đối với 15.000 nhân viên VNPT VinaPhone đang làm việc trên khắp đất nước, đặc biệt những vùng xa xôi như được tiếp thêm khí thế, niềm tin, sức mạnh: “Thay mặt ban Lãnh đạo Tổng công ty, tôi cam kết sẽ sắp xếp công việc hợp lý cho toàn thể 15,000 cán bộ nhân viên, để mỗi người đều có cơ hội được phát huy sự năng động, sáng tạo, đam mê, tâm huyết… được đãi ngộ đúng với những công sức, cống hiến của mình và đều cảm thấy mình là một thành viên trong ngôi nhà mới văn minh, hiện đại này”.
Cơ sở hạ tầng công nghệ mạnh, mạng lưới dịch vụ rộng khắp, số lượng khách hàng lớn và trung thành là những thế mạnh đặc biệt của các dịch vụ VNPT VinaPhone cung cấp. Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy kinh doanh nhằm đem lại những giá trị tiện lợi cho khách hàng và liên tục đổi mới, sáng tạo để khác biệt, vượt qua đối thủ lại là thách thức lớn đối với VNPT VinaPhone. Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc đã định rõ những mục tiêu cùng lời hiệu triệu đối với toàn thể cán bộ nhân viên: “Cùng nhau, chúng ta hãy “Kết sức mạnh - Nối niềm tin”để sớm đạt được các mục tiêu trước 2020: Doanh số đạt 83.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,5%/năm; Lợi nhuận trước thuế đạt 3.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49%/năm; Thị phần dịch vụ di động chiếm trên 30%, dịch vụ băng rộng trên 80%”.
Những mục tiêu này, cũng chính là góp phần đưa VNPT về đúng vị trí ban đầu của mình, đứng đầu trên thị trường Viễn thông, CNTT và Truyền thông.
Việc tái cơ cấu ngày hôm nay, như tất yếu để cùng đón chào một ngày mai ngập tràn niềm vui và tiếng cười trong mỗi gia đình cán bộ công nhân viên Tổng công ty VNPT VinaPhone.
Theo Quyết định số 88/QĐ-VNPT-HĐTV-TCCB, Tổng Công ty VNPT - Vinaphone được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các bộ phận: Kinh doanh, bán hàng, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật dịch vụ, tính cước, thu cước và một số bộ phận quản lý, hỗ trợ của 63 VNPT tỉnh/thành, Công ty Dịch vụ Viễn thông (Vinaphone), Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN), Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-I), Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC). Vốn điều lệ của Tổng Công ty VNPT - Vinaphone là 5.200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của VNPT - Vinaphone là kinh doanh: các SPDV viễn thông – CNTT; dịch vụ phát thanh truyền hình, truyền thông đa phương tiện; các dịch vụ nội dung, dịch vụ GTGT; kinh doanh dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, CNTT, truyền thông; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn, bán lẻ các vật tư, trang thiết bị thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, CNTT; đại lý bán vé máy bay và các phương tiện vận tải khác. Các đơn vị kinh tế trực thuộc VNPT-Vinaphone gồm: Ban kinh doanh khách hàng Tổ chức – Doanh nghiệp; Ban Kinh doanh Khách hàng cá nhân; 63 Chi nhánh Tổng Công ty VNPT-Vinaphone trên địa bàn tỉnh/thành phố; Công ty Dữ liệu VNPT; Công ty Phần mềm VNPT; Trung tâm Hỗ trợ khách hàng; Ban quản lý dự án. Ngoài ra còn có các công ty con và công ty liên kết. Phó TGĐ Tập đoàn Lương Mạnh Hoàng sẽ kiêm chức vụ Tổng Giám đốc Tổng Công ty VNPT-Vinaphone. |
Ý kiến bạn đọc