Doanh nghiệp công nghệ ‘bảo vệ’ cơ quan Đảng, nhà nước: Đúng và trúng

10:19, 17/04/2015
|

(VnMedia) - Vừa qua, VNPT và Văn phòng Trung ương Đảng đã ký kết hợp đồng về ứng dụng công nghệ thông tin. Sự kiện này cho thấy, cùng với các cơ quan nhà nước, các cơ quan Đảng cũng rất quan tâm đến việc thuê ngoài dịch vụ CNTT nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả.

>> Đổi mới Hệ thông tin điều hành của Văn phòng Trung ương Đảng

Đồng thời việc ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu “Chuyển đổi giao diện người sử dụng sang giao diện web và tích hợp chữ ký số, chứng thực số đối với phần mềm Hệ thông tin điều hành tác nghiệp trên Lotus Notes 8.5”cũng cho thấy năng lực của doanh nghiệp VNPT, với khả năng tích hợp, giải quyết đa dịch vụ trọn gói về CNTT và bảo mật cho các dây chuyền công việc đa dạng khác nhau.

Hệ thống điều hành tác nghiệp của Văn phòng Trung ương Đảng là hệ thống quản lý văn bản hành chính sử dụng trong các cơ quan Đảng trên toàn quốc. Để tiếp tục nâng cao ứng dụng CNTT vào công tác khai thác, quản lý, điều hành, xử lý, gửi nhận văn bản, trong hệ thống các cơ quan Đảng, từ năm 2013, Văn phòng Trung ương Đảng đã đề xuất Dự án phát triển các ứng dụng của Hệ thông tin điều hành tác nghiệp trên giao diện Web-based, trong đó tập trung vào việc chuyển đổi giao diện người sử dụng sang giao diện web và tích hợp chữ ký số, chứng thực số đối với phần mềm Hệ thông tin điều hành nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu sử dụng và bảo mật so với hệ thống hiện đang sử dụng.

Ông Lê Quang Vĩnh - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, việc giữ gìn bí mật rất khó khăn. Chỉ cần sơ sảy một chút có thể ảnh hưởng rất lớn tới bí mật thông tin. Do đó, việc lựa chọn VNPT thực hiện gói thầu này là rất tin tưởng vào VNPT.

Theo Phó Tổng giám đốc VNPT Tô Mạnh Cường, việc triển khai gói thầu này sẽ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người sử dụng và bảo mật so với hệ thống hiện nay. Cụ thể, sử dụng thuận tiện hơn trên môi trường công nghệ web, đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình vận hành, phòng chống sự truy cập trái phép của hệ thống, lộ lọt thông tin khi gửi văn bản. Yêu cầu chuyển sang hệ thống chuẩn hóa theo bảng mã tiếng việt có thể mở rộng trong tương lai và tương thích với rất nhiều công nghệ. Yêu cầu máy chủ và máy trạm khi triển khai không cao hơn trước và không yêu cầu mua thêm phần mềm nào khác so với các phần mềm hiện có đang sử dụng trong hệ thống của Cơ quan Đảng.

Ảnh minh họa
Ông Cao Mạnh Hùng - Phó Chánh Văn phòng Tập đoàn, đại diện VNPT (bìa phải) và ông Trần Văn Đông - Cục trưởng Cục Quản trị - Tài vụ, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng
thực hiện ký kết.


VNPT đã được lựa chọn là đơn vị triển khai việc chuyển đổi công nghệ cho Hệ thống này từ công nghệ client server sang công nghẹ web server. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Lịch, Chủ nhiệm dự án của VNPT cho biết, đây là Hệ thống điều hành nội bộ bên trong các cơ quan Đảng, xuyên suốt từ trung ương đến tới địa phương nên tính bảo mật của hệ thống được đặt lên hàng đầu. Do đó, VNPT xác định dùng những công nghệ mới nhất và phải trang bị những tính năng bảo mật như chữ ký số, chứng thực số, những hệ thống mã hóa theo chuẩn.

Bên cạnh yêu cầu phải tuân thủ theo công nghệ xây dựng ứng dụng trên nền tảng, giao diện web (Web-based application), phần mềm mới sau khi nâng chuyển sang giao diện web sẽ có chức năng để quản trị hệ thống, giao diện dễ sử dụng, có tích hợp chữ ký số, chứng thực số của Ban cơ yếu Chính phủ dễ dàng ký, xác thực chữ ký và mã, giả mã, đồng thời đảm bảo có thể tương thích với các trình duyệt Web thông dụng như IE, Firefox, Opera và có khả năng quản trị hệ thống dễ dàng, đào tạo và triển khai hệ thống ít tốn kém.

Việc được lựa chọn là đơn vị thực hiện gói thầu “Chuyển đổi giao diện người sử dụng sang giao diện web và tích hợp chữ ký số, chứng thực số đối với phần mềm Hệ thông tin điều hành tác nghiệp trên Lotus Note 8.5” của Văn phòng Trung ương Đảng, cũng khẳng định năng lực, uy tín và thương hiệu của VNPT trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp ứng dụng CNTT, là một hướng đi mới trong chiến lược phát triển của VNPT. Gói thầu này được triển khai trong vòng 180 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

VNPT đồng hành nhiều năm ‘bảo vệ’ các cơ quan nhà nước

Từ cuối năm 2013 đến nay, VNPT đã hợp tác chiến lược với khoảng 40 bộ/ngành và UBND các tỉnh/thành phố để đẩy mạnh ứng dụng VT-CNTT và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, triển khai chính phủ điện tử cũng như đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa
VTN, một đơn vị thành viên của VNPT, thực hiện Hội nghị trực tuyến toàn quốc cho Thanh tra Chính phủ .

Tháng 10 vừa qua, Bộ Nội vụ và Tập đoàn VNPT đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược giai đoạn 2014 - 2020 để tiếp tục phối hợp đẩy mạnh ứng dụng CNTT - Viễn thông trong mọi hoạt động của Bộ Nội vụ, góp phần xây dựng Chính phủ Điện tử tại Việt Nam. Mục đích của thỏa thuận này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động, quản lý điều hành của Bộ Nội vụ, hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử của cơ quan này, đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi phí hoạt động, cải thiện thứ hạng của Bộ Nội vụ về mức độ ứng dụng CNTT.

Từ năm 2009 VNPT đã thực hiện ký kết với Bộ Tài chính  về việc áp dụng chữ ký số cho các dịch vụ hành chính công điện tử của Bộ Tài chính. Theo nội dung Thỏa thuận, VNPT và Bộ Tài chính sẽ đầu tư và hợp tác lâu dài trong các hoạt động thiết lập, cung cấp, sử dụng hạ tầng chứng thực chữ ký số công cộng và thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong các dịch vụ hành chính công điện tử của ngành Tài chính; đồng thời hợp tác, hỗ trợ triển khai thành công Dự án thí điểm “Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet” và áp dụng chữ ký số vào các thủ tục hải quan điện tử trong giai đoạn 2009-2010. Đây có thể coi là bước đi đầu tiên trong việc triển khai quy mô lớn chữ ký số vào hành chính công cũng như cho doanh nghiệp.

Từ năm 2010, VNPT cũng đã hợp tác với Ủy ban chứng khoán nhà nước thống nhất tổ chức triển khai áp dụng chữ ký số cho các giao dịch điện tử trong hoạt động chứng khoán. Tập đoàn VNPT  tư vấn kỹ thuật, tư vấn công nghệ về tích hợp chữ ký số vào ứng dụng, xử lý các ảnh hưởng của việc cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng tới các hoạt động của giao dịch chứng khoán điện tử…

Hai bên nhất trí hợp tác lâu dài trong các hoạt động thiết lập, cung cấp, sử dụng hạ tầng chứng thực chữ ký số công cộng, thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử của hoạt động chứng khoán.
 
Sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của ngành Chứng khoán là mục tiêu ưu tiên của ứng dụng công nghệ trong thời gian tới của UBCKNN. Trong hoạt động quản lý và giám sát của UBCKNN, việc áp dụng chữ ký số đảm bảo việc tiếp nhận và trao đổi các báo cáo, thông tin giữa cơ quan quản lý và các đối tượng quản lý được nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, góp phần cải cách các thủ tục hành chính. Trong các hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán, việc triển khai áp dụng chữ ký số giúp thúc đẩy các hoạt động giao dịch của nhà đầu tư do thủ tục giao dịch đơn giản, an toàn với chi phí thấp.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, thuê dịch vụ CNTT đang là xu hướng mới tại các nước phát triển. Hiện tại, các cơ quan như Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội đều đã đi đầu trong việc thực hiện thuê dịch vụ CNTT trọn gói.

Vừa qua, Bộ trưởng cũng đã biểu dương và đánh giá cao VNPT là đơn vị thi công Công trình Thông tin Nhà Quốc hội hoàn thành tiến độ đúng thời hạn. Bộ trưởng cũng khẳng định, việc Bộ TT&TT có các đơn vị được tham gia thi công công trình quan trọng, tầm cỡ quốc gia này là niềm vinh dự của Bộ.

Các chuyên gia cho rằng, mua sắm chính phủ, cơ quan nhà nước chính là "đầu ra” cho doanh nghiệp và cơ hội dành cho doanh nghiệp trong nước là rất lớn nếu doanh nghiệp có đủ năng lực. Nếu theo quy trình đầu tư thông thường, một dự án về CNTT phải mất hàng năm để hoàn tất thủ tục nên có khi được phê duyệt thì mất nhiều thời gian hơn thế và công nghệ đã lạc hậu.

Cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẽ giúp khắc phục được tình trạng này, bởi nó sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đầu tư, xây dựng hệ thống ban đầu và các cơ quan Đảng, chính phủ, nhà nước không cần phải đầu tư nhiều vào một đơn vị nhân sự chuyên môn về CNTT mà vẫn có được chất lượng bảo đảm, bảo mật, an toàn, chuyên môn cao cũng như giảm được gánh nặng đầu tư công.

 


Thảo Hoàng

Ý kiến bạn đọc