Kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện 15/8/1945 - 15/8/2013: Chuyện chưa kể về ông Tổng cục trưởng một thời

12:35, 13/08/2013
|

"Bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dạng hóa dịch vụ", đó là chủ trương táo bạo của vị lãnh đạo cao nhất ngành Bưu điện một thời.
 
Chính nhờ sự quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân lúc ấy mà lĩnh vực BCVT và CNTT của Việt Nam mới có cơ hội vượt lên và ngày càng phát triển.
 
Một "đại gia đình" người Bưu điện

 
Gia đình ông Đặng Văn Thân (Ba Thân - tên gọi thân mật của ông) có tới 3 thế hệ đã và đang làm việc trong ngành Bưu điện. Ông - đương nhiên và bà Nguyễn Thị Xuân Hà, vợ ông – cũng vào Ngành sau khi lấy ông. Ông bà có 3 người con. Trừ người con cả - anh Đặng Văn Sơn, làm trong ngành xây dựng, người con gái thứ 2 - chị Đặng Thị Nga, hiện là Giám đốc Bưu điện Tp.HCM và người con út, - anh Đặng Văn Dũng, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm 6 (VMS 6) của Công ty Thông tin di động (VMS-Mobifone). Vợ anh Dũng đang làm việc ở VMS 2; còn con gái lớn của chị Nga cũng làm việc tại VMS 6. Vậy là cả 3 thế hệ của gia đình cùng làm trong ngành Bưu điện, chưa kể phía gia đình, họ hàng của bà Hà (bên ngoại) cũng có nhiều người làm việc trong ngành.
 

Ảnh minh họa

 Thừa ủy quyền của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trao tặng Huân chương Độc lập cho ông Đặng Văn Thân.


Theo lời bà Hà và chị Nga, mặc dù ông là “tổng chỉ huy” của Ngành nhưng không vì thế mà ông lôi kéo người thân vào cùng, hay tạo điều kiện nâng đỡ người trong gia đình. Như chị Nga chẳng hạn, vào năm 1979 khi chị vừa mới lớn (chị Nga sinh năm 1962), cũng đúng vào thời điểm chiến trường biên giới phía Bắc và Tây Nam đang ác liệt, chị đã xung phong vào bộ đội. Biết chuyện, bà Hà lo lắng lắm nhưng ông điềm tĩnh bảo, cứ để nó đi theo nguyện vọng của nó. Thế là chị vào bộ đội. Sau đó chị mới chuyển về ngành Bưu điện làm việc, tự phấn đấu vươn lên từ người công nhân đến chức vụ bây giờ.
 
Mối lương duyên Nam - Bắc
 
Bà Hà, phu nhân ông Ba Thân quê ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm nay bà đã ngoài 70, nhưng bà vẫn khỏe và nhanh nhẹn. Bà Hà cho biết, ngày 04/4/1958 là ngày cưới của bà với ông. Sau 55 năm chung sống với ông, chăm lo từng bữa ăn cho ông và cả gia đình, tuy bận bịu và vất vả thật đấy nhưng bà vẫn thấy vui. Bà bảo, thời còn trai trẻ, ông hăng say với công việc lắm, suốt ngày ở cơ quan, đến tối mịt mới về. Mọi việc trong nhà, nuôi và chăm sóc các con ông giao phó hết cho bà. “Ông rất khỏe, dễ ăn, dễ ngủ. Chỉ mấy năm gần đây, khi sức khỏe giảm nhiều ông mới “hơi kén” ăn một chút”, bà Hà chia sẻ.
 
Bà Hà nghỉ hưu trước ông Ba Thân. Lúc vừa nghỉ, bà phải ra Hà Nội để lo cho ông (ông đang là Tổng cục trưởng), còn 3 người con vẫn ở lại Tp.HCM. Những tưởng khi cả hai ông bà cùng nghỉ hưu, bà sẽ bớt phần vất vả, thế nhưng mới nghỉ được vài năm, ông lại ngã bệnh. “Tưởng nhàn ai dè còn vất vả hơn. Số tôi nó thế!” - bà chia sẻ. Tuy vất vả vì quanh năm phải lo cho ông, nhưng cũng không vì thế mà bà buồn. Có điều cứ phải coi sóc ông suốt, không thể đi đâu, bà cho biết thế khi được hỏi: “Lâu nay bà đã về thăm quê?”.
 
Biết tôi cũng ở huyện Hoài Đức, thuộc xã kế bên, rất gần xã Đắc Sở nên bà rất vui. Khi tôi hỏi, cơ duyên nào đã cho bà gặp được ông? Bà cười rất tươi và nói, lúc còn trẻ, ông Ba Thân chịu đi chơi lắm. Bà Hà kể, lúc bà vừa mới lớn, người chú của bà đã là Giám đốc Bưu điện Hà Tây - cùng xuất thân từ báo vụ như ông; còn người anh họ của bà – ông Giang, cũng là “dân điện báo”, trạc tuổi ông Ba Thân, sau này làm việc ở một Vụ của Tổng cục Bưu điện. Ông Ba Thân chơi thân với người anh họ của bà vì “cùng nghề”, lại cùng độ tuổi. Và ông cũng quen thân với cả người chú của bà. Đài thu Quế Dương (nay là Trạm điều khiển vệ tinh Vinasat Quế Dương), nơi ông Thân vẫn tới lui làm việc rất gần nhà bà, cách nhau một cánh đồng, nếu đi tắt chưa đầy 2 cây số. Thế là cứ vào ngày Chủ nhật (xưa, trong 1 tuần CBCNV chỉ được nghỉ ngày CN), thậm chí nhiều tối khác trong tuần ông Ba Thân vẫn hay đến chơi nhà bạn. Chuyện gì phải đến sẽ đến. Rồi bạn nghề trở thành cháu rể và em rể cũng là lẽ thường tình, dù kẻ Bắc, người Nam. Thế là ông bà nên duyên.
 
…và những người thân nói về ông
 
Trước hết, theo bà Hà, người “đầu ấp tay gối” trên 50 năm với ông Ba Thân, ông là người luôn nghĩ đến việc nước, say sưa với công việc, không còn thời gian để chăm lo cho gia đình. Biết và hiểu vậy nên bà không trách ông, cứ thầm lặng chăm sóc ông và lo những công việc “hậu cứ” phía sau. Với bà, ông là một người chân thật, hiền lành và rất thương bà, thế là đủ.
 
Bà chia sẻ một kỷ niệm, đó là một lần vào năm 1986 nhà bà có khách. Mà khách đến thăm ông, chia sẻ công việc với ông thường xuyên lắm. Nhưng lần này, sau khi khách về, bà thấy ông rất buồn. Hỏi mãi ông mới cho biết, người khách ấy chính là ông Tân, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lúc bấy giờ. Cuộc gặp gỡ là để động viên ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, một trọng trách rất lớn đối với ông, trong khi ông muốn ở lại Sài Gòn làm việc, gần quê hương (Bến Tre) và vợ con. Bà đã chủ động động viên ông cứ ra Hà Nội, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, bà cùng các con ở Sài Gòn tự giải quyết được mọi việc. Vì thế ông mới yên tâm đi.
 
Chị Nga, con gái của ông cho hay, đối với 3 anh chị em của chị, cha chị là một tấm gương sáng, một mẫu hình để các con phấn đấu, noi theo. Chị cho biết thêm, chính cha chị sống trong sáng như thế, hết lòng vì đất nước, vì Ngành như thế nên cũng là áp lực đối với anh chị em chị. Rằng tự mỗi người phải làm sao để không làm ảnh hưởng tới hình ảnh tốt đẹp của cha trong lòng mọi người cũng như làm thế nào để tự thể hiện được mình.
 
Còn ông Võ Bá Cầm, cũng quê ở Giồng Trôm (Bến Tre), là người cùng tuổi với ông Ba Thân, cùng tham gia quân đội địa phương, cùng đi tập kết ra Bắc, cũng chuyển ngành về ngành Bưu điện, rồi sau giải phóng chuyển vào Sài Gòn làm việc cùng ông Thân cho hay, cũng là người làm công việc kỹ thuật như ông, nhưng ông Ba Thân rất say sưa. Chính sự say mê, hết lòng vì công việc của ông Ba Thân nên các cấp lãnh đạo luôn tin tưởng vào ông. Cấp dưới quyền thì hết lòng tin cậy vào sự chỉ huy của ông Ba Thân.
 
Đôi nét về ông Đặng Văn Thân
 
Ông Đặng Văn Thân sinh năm 1932 ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1950, ông gia nhập quân đội, làm báo vụ tại một đơn vị thông tin ở Quân khu 9. Sau hiệp định Genève (tháng 7-1954), ông tập kết ra Bắc, sau đó chuyển ngành về công tác ở trạm Bưu điện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; sau đó ông công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Bưu điện. Ngày 28/4/1975, ông cùng đoàn cán bộ ngành Bưu điện vào tiếp quản toàn bộ hệ thống BCVT của chính quyền Sài Gòn. Năm 1986, ông được điều ra Hà Nội, làm Quyền Cục trưởng, rồi Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Ông được bầu làm ĐBQH khóa VII, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng khóa VI. Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 1997, ông nghỉ hưu theo chế độ. Ngày 9/8/2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2012, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập.


(Theo ICTnews)

Ý kiến bạn đọc